Tuy nhiên, khoảng cách giữa các nhóm báo cáo còn khá xa. Trong tổng số 136 báo cáo thường niên vào vòng chung khảo, có tới gần một nửa số báo cáo chỉ nêu hoạt động xã hội, cộng đồng. Đó là nhận xét của ông Tô Vĩ Hùng, Trưởng phòng Tài chính và Giám sát Rosneft Việt Nam, hội viên Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA), Trưởng nhóm chấm báo cáo phát triển bền vững.
Ông Tô Vĩ Hùng
Đánh giá tổng quan của Hội đồng bình chọn về số lượng cũng như chất lượng báo cáo phát triển bền vững năm nay ra sao, thưa ông?
Theo ghi nhận của nhóm chấm điểm ở vòng sơ khảo, có 420 báo cáo có nội dung phát triển bền vững, tăng đột biến so với con số năm 2015 là 116 báo cáo. Nguyên nhân chính là theo quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC, quy định công bố thông tin về phát triển bền vững chưa bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện ngay trong năm 2016, nhưng nhiều doanh nghiệp đã đưa nội dung này vào báo cáo thường niên. Kết quả, có 77 báo cáo phát triển bền vững lọt vào vòng chung khảo; trong đó, có 8 báo cáo được thực hiện riêng biệt.
Hội đồng bình chọn đánh giá, chất lượng báo cáo nằm trong tốp đầu có sự tiến bộ đáng kể, hình thức trình bày được trau chuốt hơn, có doanh nghiệp còn sử dụng cả ứng dụng dành cho điện thoại di động để lan tỏa báo cáo này. Phần lớn các công ty được đánh giá cao năm trước vẫn duy trì được chất lượng báo cáo trong năm nay. Cụ thể, nội dung báo cáo phát triển bền vững được phát triển đầy đủ hơn các năm trước, bao gồm nhiều đánh giá và chỉ tiêu liên quan đến trách nhiệm môi trường và xã hội của công ty, chứ không chỉ giới hạn ở hoạt động cộng đồng, xã hội và từ thiện như những năm trước.
Có thể thấy ngay đây là tác động tích cực của Thông tư 155/2015/TT-BTC, mặc dù chưa bắt buộc áp dụng cho kỳ báo cáo 2015, nhưng các chỉ tiêu về phát triển bền vững trong mẫu báo cáo thường niên mới của Thông tư đã được nhiều công ty sử dụng làm khuôn mẫu cho báo cáo phát triển bền vững của mình.
Số lượng công ty tham khảo các hướng dẫn của IFC và GRI G4 cũng nhiều hơn. Các báo cáo theo tiêu chuẩn GRI G4 thường có bảng tham chiếu với GRI nên gia tăng mức độ minh bạch và tin cậy. Về hình thức, nhiều báo cáo được trình bày đẹp, được đầu tư thời gian và công sức, có trên cả bản cứng và mềm, có cả định dạng app dùng cho mobile, tiếng Việt và tiếng Anh.
Về tiêu chí chấm ở vòng chung khảo có khác biệt so với năm trước, thưa ông?
So với các mùa giải trước, tiêu chí chấm báo cáo phát triển bền vững trong vòng chung khảo cũng có một số thay đổi, cụ thể là tập trung vào các đặc tính mà một báo cáo phát triển bền vững xuất sắc cần có. Về tổng thể, Hội đồng Giám khảo đánh giá báo cáo phát triển bền vững trên 3 phương diện gồm: tính đầy đủ (chiếm tỷ trọng 45%), mức độ tin cậy (chiếm tỷ trọng 40%), trình bày (chiếm tỷ trọng 15%). Trong khi các năm trước, điểm trình bày chiếm tỷ trọng 25% trong tổng số điểm, tính đầy đủ là 40% và mức độ tin cậy là 35%.
Những năm đầu, các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm lập báo cáo phát triền bền vững nên điểm trình bày có tỷ trọng cao hơn để khuyến khích các doanh nghiệp. Năm nay, nhiều báo cáo có nội dung tiến bộ nên cần phải nâng tỷ trọng điểm của hai yếu tố còn lại.
Với tiêu chí chấm ở cả vòng sơ khảo và chung khảo khắt khe hơn, Hội đồng bình chọn ghi nhận được những tiến bộ nổi trội nào ở các báo cáo có nội dung phát triển bền vững?
Phần lớn các công ty được đánh giá cao năm trước vẫn duy trì được chất lượng báo cáo trong năm nay. Một số công ty đã có sự nhảy vọt về chất lượng báo cáo so với năm trước, đặc biệt có những nhân tố mới tạo được ấn tượng, lần đầu tiên được lọt vào Top 10.
Điểm chung của các báo cáo này là được lập theo chuẩn GRI, do vậy có cấu trúc chặt chẽ, đầy đủ hơn và độ tin cậy cũng cao hơn, nên được đánh giá cao trong thang điểm xếp hạng. Thêm vào đó, các báo cáo đều được lập riêng biệt, đẹp, thể hiện sự quan tâm, chăm chút của lãnh đạo doanh nghiệp đối với phát triển bền vững.
Đặc biệt, trong mùa giải năm nay, lần đầu tiên có một doanh nghiệp sử dụng công ty kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo phát triển bền vững. Mặc dù chỉ là đảm bảo giới hạn ở một số chỉ tiêu chủ chốt, nhưng việc này đã thể hiện quyết tâm và đầu tư cụ thể của doanh nghiệp trong việc chuẩn hóa và nâng cao mức độ tin cậy của báo cáo, tiến đến hội nhập khu vực và quốc tế.
Như vậy, chất lượng báo cáo đã có sự đồng đều hơn, thưa ông?
Trong quá trình bình chọn năm nay, chúng tôi nhận thấy vẫn tồn tại sự khác biệt rõ rệt về chất lượng nội dung và hình thức giữa nhóm báo cáo nằm ở nhóm đầu và nhóm cuối. Trong tổng số 136 báo cáo thường niên lọt vào vòng chung khảo, hội đồng sơ khảo chỉ chọn được khoảng 77 báo cáo có nội dung phát triển bền vững tương đối đầy đủ, bài bản.
Các báo cáo còn lại trong nhóm cuối (khoảng 60 báo cáo) tuy có nội dung phát triển bền vững nhưng quá đơn giản. Các báo cáo này thường chỉ đề cập đến các hoạt động cộng đồng của doanh nghiệp, mà chủ yếu là hoạt động từ thiện nên cũng chỉ vài trang giấy là hết.
Nằm trong nhóm giữa thì có khoảng hơn 50 báo cáo. Những báo cáo này nội dung có phong phú hơn, chủ yếu là theo các tiêu chí của Thông tư 155/2015/TT-BTC, bao gồm các hoạt động khác về môi trường, nguyên vật liệu, năng lượng tiêu thụ, chất thải…, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức báo cáo, miêu tả những kết quả trong năm, chưa thể hiện được cam kết, chiến lược và định hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Còn lại chỉ có khoảng hơn 25 báo cáo phát triển bền vững là thực sự có khả năng tham gia cuộc đua thứ hạng. Nhóm báo cáo này áp dụng chuẩn mực báo cáo của GRI hoặc IFC nên có nội dung đầy đủ, chi tiết hơn về các tất cả các khía cạnh của phát triển bền vững, thể hiện mức độ cam kết cao của Ban lãnh đạo đối với phát triển bền vững, có sự đầu tư công sức nghiêm túc của công ty.
Báo cáo thể hiện nhiều chỉ tiêu đa dạng trong các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, đánh giá các tác động về kinh tế, môi trường và xã hội lồng trong chiến lược phát triển và quan hệ của công ty với các bên liên quan. Các báo cáo này thường có hình thức trình bày đẹp, chăm chút, bố cục chặt chẽ.
Vậy theo ông, doanh nghiệp cần chú ý cải thiện những điểm nào để báo cáo phát triển bền vững năm sau tốt hơn?
Nhiều báo cáo thiếu những nội dung cơ bản như thông tin liên hệ, phạm vi báo cáo, đối tượng sử dụng báo cáo, cơ chế thông tin và phản hồi…
Việc nhận biết, phân tích lợi ích, cơ chế thu nhận và phản hồi thông tin đối với bên liên quan vẫn còn hạn chế và chưa có bằng chứng rõ rệt trong việc sử dụng ý kiến phản hồi. Chưa có quy trình quản trị hữu hiệu để đảm bảo tính tin cậy của các thông tin và rất ít công ty có xác nhận độc lập. Thêm vào đó, vai trò của kiểm toán nội bộ trong phát triển bền vững còn hạn chế, không rõ ràng và rất ít công ty có xác nhận độc lập để nâng cao tính tin cậy của các thông tin.
Đa số báo cáo còn thiếu sự phân tích số liệu, nêu lên ý nghĩa và tác động của các số liệu liên quan đến phát triển bền vững của doanh nghiệp. Các chỉ tiêu doanh nghiệp đề ra thường ngắn hạn, không có sự gắn kết và thể hiện cố gắng vượt bậc; thiếu các chỉ tiêu có tầm nhìn dài hạn và lượng hóa chiến lược phát triển bền vững của công ty; không cập nhật chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp với những thách thức hiện tại trên thế giới.
Các báo cáo thường chưa nêu ra được phương pháp quản trị, thu thập và đo lường chỉ số của các lĩnh vực trọng yếu của phát triển bền vững. Ngoài ra, có rất ít doanh nghiệp thực hiện phân tích tác động phát triển bền vững trên toàn chuỗi cung ứng.
Chúng tôi mong rằng, năm tới, những hạn chế này sẽ được các doanh nghiệp khắc phục, làm báo cáo phát triển bền vững đúng với quy chuẩn và mang lại giá trị cho các bên.