Toàn cảnh buổi làm việc - (Ảnh:quochoi.vn).
Theo tin từ Cổng thông tin điện tử Quốc hội, chiều 2/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc để nghe báo cáo về công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và một số nội dung lớn của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án quan trọng bậc nhất trong công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu, yêu cầu của buổi làm việc là nghe báo cáo, cho ý kiến để chắt lọc các nội dung cần được tiếp tục xin ý kiến để có dự thảo Luật tốt nhất để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.
Tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật) Vũ Hồng Thanh đã báo cáo về công tác tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và một số nội dung sau Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Như, quy định cụ thể các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; chỉnh sửa các quy định để quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất…
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng nêu một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau trong đó có áp dụng phương pháp thặng dư để định giá đất (khoản 4 Điều 158).
Cụ thể, Dự thảo Luật thiết kế 2 phương án.
Phương án 1: Bổ sung phương pháp thặng dư là một trong những phương pháp xác định giá đất và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để quy định nguyên tắc, điều kiện áp dụng phương pháp thặng dư. Đây là phương pháp có tính khoa học, được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia trên thế giới, việc quy định tiếp tục cho phép áp dụng phương pháp thặng dư sẽ tạo cơ sở để có nhiều phương pháp định giá áp dụng phù hợp nhất với thực tế, giúp tăng tính giải trình, phản biện về giá đất được đưa ra.
Phương án 2: Giữ quy định như tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Phương pháp thặng dư có nhiều yếu tố phải giả định để tính toán như doanh thu phát triển (thời gian bán hàng, tiến độ bán hàng, tốc độ tăng giá, tỷ lệ lấp đầy…) và chi phí phát triển (thời gian đầu tư xây dựng, tiến độ xây dựng, lợi nhuận của nhà đầu tư có tính đến yếu tố rủi ro và chi phí vốn…) trong khi thiếu cơ sở dữ liệu và căn cứ để giả định, tính toán.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất theo phương án 1.
Ngoài ra, các nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau còn liên quan đến phân loại đất; quy định về Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, quyền của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê ; tiêu chí thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục bám sát, quán triệt và thể chế hoá đầy đủ, sâu sắc các quan điểm trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; bám sát quan điểm và các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Đất đai sửa đổi.
Theo kế hoạch, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).