'Chắp cánh' cho Điểm đến du lịch cộng đồng Bản Miền

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 22/3/2024, Sở Du lịch Hà Nội chủ trì tổ chức đoàn khảo sát và Hội nghị lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Điểm đến du lịch cộng đồng Bản Miền, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội.
Đoàn khảo sát tìm hiểu quy trình sản xuất thuốc Nam của đồng bào Dao quần chẹt.

Đoàn khảo sát tìm hiểu quy trình sản xuất thuốc Nam của đồng bào Dao quần chẹt.

Trước khi diễn ra Hội nghị, gần 100 doanh nghiệp lữ hành và chuyên gia du lịch đã khảo sát điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, xã Ba Vì, huyện Ba Vì. Đoàn đã tham quan vườn thảo dược, nghe giới thiệu về các loại thảo dược và công dụng của từng loại trong cuộc sống; tham quan các cơ sở chế biến thảo dược tiêu biểu trong 271 hộ trong làng nghề.

Cùng với đó, đoàn đã tham gia quá trình chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược (cách sử dụng thảo dược chăm sóc da mặt, trải nghiệm đắp mặt bằng thảo dược; cách dùng thảo dược trong gội đầu dưỡng sinh và trải nghiệm gội đầu thảo dược; cách dùng men ngải quế trong việc điều trị cổ vai gáy, trải nghiệm chăm sóc cổ vai gáy và toàn thân theo phương thức cổ truyền; trải nghiệm tắm lá thuốc người Dao…

Trải nghiệm các trò chơi dân gian của đồng bào người Dao; tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa của người Dao quần chẹt; tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo được bà con lưu truyền nhiều đời; tham quan mua sắm thảo dược tươi và các sản phẩm từ thảo dược.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Mở đầu tham luận tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á (ATI) cho biết, được sự hỗ trợ của Sở Du lịch Hà Nội, các chuyên gia đã khảo sát, nghiên cứu, phân tích và đánh giá giá trị tiềm năng của làng nghề thuốc Nam thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì.

“Bản làng của người Dao quần chẹt nơi đây có tới 271 hộ dân sinh sống bằng nghề thuốc Nam. Vì vậy, các chuyên gia đã thống nhất lấy giá trị cốt lõi của xã Ba Vì là làng nghề thuốc Nam để làm định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Từ nhu cầu của thị trường, cộng đồng đã chung tay xây dựng một điểm đến chuyên biệt về chăm sóc sức khỏe, làm đẹp”.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á (ATI) phát biểu tại Hội nghị.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Châu Á (ATI) phát biểu tại Hội nghị.

Ông Quỳnh cho biết, dù mới chỉ phát triển ở mức sơ khai, nhưng đến bản Miền Ba Vì, du khách đã có thể được trải nghiệm các dịch vụ như dâng trà thảo dược, thăm và tìm hiểu về nghề thuốc nam, chăm sóc da mặt bằng thảo dược, gội đầu, ngâm chân, tắm lá, chăm sóc cổ vai gáy bằng thảo dược…

“Điều này minh chứng cho sự quyết tâm của bản Miền và nếu được chính quyền quan tâm hơn nữa đây sẽ là một cộng đồng phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Các đại biểu thưởng thức bánh giầy của đồng bào Dao quần chẹt.

Các đại biểu thưởng thức bánh giầy của đồng bào Dao quần chẹt.

Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Châu Á cho rằng, để tạo ra một làng du lịch cộng đồng thực sự hấp dẫn và nổi bật trong tương lai, bà con cần tạo thêm nhiều dịch vụ, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn. Bên cạnh đó, ngoài sự hỗ trợ của Sở Du lịch Hà Nội, cần có các đầu mối để hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp tốt nhất từ cấp huyện, xã, thôn, bản là những cơ quan quản lý nhà nước sát sườn lãnh đạo cộng đồng phát triển du lịch.

Đặc biệt, hiện nay đã có khoảng hơn 10 hộ làm nghề thuốc Nam ở thôn Hợp Sơn tham gia làm dịch vụ du lịch thì cần nhanh chóng thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch bản Miền để phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Chia sẻ về định hướng và giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn xã Ba Vì, huyện Ba Vì, ông Lê Khắc Nhu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Vì cho biết: “Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi chỉ cách trung tâm Thủ Đô 60 km, có một xã dân tộc Dao “toàn tòng” như Ba Vì (điều mà không thể có được ở bất cứ làng bản hay một xã nào thuộc khu vực miền núi phía Bắc, ngay cả những vùng đậm đặc cư dân dân tộc Dao như Yên Bái, Lào Cai hay Quảng Ninh cũng không thể có được)”.

Đó là lý do vì sao huyện Ba Vì đề xuất lựa chọn xã Ba Vì là địa bàn để nghiên cứu, khảo sát để xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng trong tổng thể đề án, kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn của TP. Hà Nội.

“Việc xã Ba Vì, đơn vị tư vấn và các hộ tham gia đề án lựa chọn tên “Điểm du lịch Bản Miền” cho thấy, chúng ta đã sử dụng yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc Dao để nhận diện điểm du lịch và sản phẩm du lịch văn hóa, cộng đồng tại nơi đây”, ông Nhu nói.

Cũng theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Vì, điểm du lịch Bản Miền nằm trên quần thể địa hình sườn Tây núi Ba Vì. Nơi đây, có nhiều thung lũng, đồi núi, thác suối giáp ranh, cài răng lược với Vườn quốc gia Ba Vì. Có nhiều thảm thực vật được bảo vệ, tái sinh và phát triển sau nhiều năm trồng rừng và bảo vệ rừng của huyện. Trên địa hình này, có thể kết hợp các hoạt động trải nghiệm nhóm nhỏ và vừa tạo nên những “tiểu sản phẩm” như leo núi, lội suối, đi vào các triền đồi, thung lũng quanh khu vực xã Minh Quang, Ba Vì và Vườn quốc gia Ba Vì khi du khách đến với điểm du lịch này.

Các đại biểu tìm hiểu và mua đặc sản địa phương.

Các đại biểu tìm hiểu và mua đặc sản địa phương.

Mặt khác, từ nhiều đời nay, người dân xã Ba VÌ sống chủ yếu dựa vào rừng núi để trồng dong giềng, thu hái sơ chế dược liệu thuốc Nam. Tính đến nay, có khoảng trên 80% hộ gia đình liên quan đến việc trồng, thu hái, sơ chế, chữa bệnh từ các cây dược liệu trên núi Ba Vì. Nhiều hộ trong bản (thôn) Hợp Sơn, Hợp Nhất và Yên Sơn duy trì thương hiệu, nâng cấp sản phẩm sơ chế, đóng gói nhưng vẫn giữ được chất lượng và uy tín đối với thị trường và ngày càng được tiếp cận rộng rãi. Việc đưa các “công việc núi đồi đồng áng” này vào xây dựng các tiểu sản phẩm, làm vệ tinh cho hoạt động liên kết của Bản Miền là điều nên làm.

Đồng thời, cần nâng cao các hoạt động tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại làng nghề lên một tầm cao hơn. Điều này tư vấn có thể nghiên cứu giúp người dân tham quan, học tập ở một số khu vực phía Bắc như Lào Cai, Tuyên Quang… Đồng thời, tạo ra các điểm trải nghiệm sơ chế, sử dụng thuốc nam Ba Vì (thu hái, băm phơi, nấu cao, tắm thuốc…).

Ông Nhu nhấn mạnh thêm, xã Ba Vì là xã độc nhất trên địa bàn miền núi phía Bắc có gần như 100% là dân tộc Dao. Tư vấn và người dân cần hiểu rõ điều kiện thuận lợi và khó khăn từ chính vấn đề nội tại của đồng bào.

“Hiện nay, trên các hoạt động, sự kiện do ngành văn hóa và dân tộc của huyện tổ chức, chỉ thấy sơ sài một số sắc thái văn hóa phi vật thể như: múa chuông, múa rùa, trang phục…, mà chưa toát lên hết các đặc sắc văn hóa thể hiện phong tục của đồng bào như: Lễ Cấp sắc (người Dao một số nơi gọi là Lập tịch), Tết nhảy... Do vậy, các phong tục này cần “đưa ra” để trình diễn cho du khách hiểu, tham quan và thậm chí được “đóng vai”. Muốn vậy, cần phải có các đội bảo tồn văn hóa để sân khấu hóa trong phạm vi phù hợp. Vì các phong tục này, chỉ được thực hiện trong các lễ, tết hoặc nhà thờ họ của người Dao, cần được thảo luận và thống nhất từ chính người dân bên cạnh sự đồng hành của doanh nghiệp hay hộ kinh doanh và UBND xã”, ông Nhu gợi mở.

Các đại biểu trải nghiệm ngâm chân thảo dược.

Các đại biểu trải nghiệm ngâm chân thảo dược.

Bên cạnh đó, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Vì cho rằng, du lịch cộng đồng Bản Miền cần có sự giao thoa liên kết trong vùng 7 xã miền núi của huyện với văn hóa dân tộc Mường, Kinh… Và người dân phải thấy được đây là một trong những sinh kế góp phần gia tăng thu nhập, xây dựng hình ảnh người Dao quần chẹt Ba Vì thân thiện, mến khách để vừa phát triển kinh tế vừa bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp khác đã “hiến kế” giúp du lịch cộng đồng Bản Miền phát triển nhanh, bền vững như: cần tạo thêm các điểm check-in, trải nghiệm; phát triển dịch vụ lưu trú; nâng cao kỹ năng phục vụ du khách cho bà con; quy hoạch và xây dựng khu tổ hợp dịch vụ du lịch;…

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, bà con thôn Dao quần chẹt ở thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì đã rất tích cực, chủ động xây dựng và phát triển Điểm đến du lịch cộng đồng Bản Miền. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng kể từ khi Sở Du lịch Hà Nội và các chuyên gia tư vấn tổ chức khảo sát, nghiên cứu, đồng hành, bà con đã phát triển được điểm du lịch và có nhiều dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách.

“Tất cả những phát biểu tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đơn vị tư vấn, doanh nghiệp và kiến nghị của bà con sẽ được Sở Du lịch Hà Nội tiếp thu. Sở sẽ tiếp tục cùng đơn vị tư vấn đồng hành cùng bà con thôn Hợp Sơn để hoàn thiện Điểm đến du lịch cộng đồng Bản Miền”, ông Hiếu nhấn mạnh và mong muốn các đơn vị lữ hành tiếp tục ủng hộ cũng như đưa khách đến với Bản Miền.

Tin bài liên quan