“Vượt mặt” VCB về thị giá, MBB về vốn hóa, VPB có xứng?
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) hôm qua công bố quyết định niêm yết của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán VPB) vào ngày 17/8 với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 39.000 đồng/cp.
VPBank sẽ là ngân hàng thứ 9 niêm yết trên sàn chứng khoán (không kể những ngân hàng đăng ký giao dịch trên UPCoM). Vượt qua giá cổ phiếu VCB của Vietcombank, VPB sẽ đứng số 1 về thị giá trên sàn chứng khoán.
Với mức giá 39.000 đồng/CP, VPBank cũng là ngân hàng có vốn hóa thị trường lớn thứ 4 chỉ sau ba ông lớn ngân hàng TMCP Nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank).
Mức giá chào sàn trên “nhỉnh” hơn 8% so với giá cổ phiếu VPBank trên sàn OTC sát ngày chốt quyền lưu ký để chuẩn bị lên sàn (28/7). Trước khi niêm yết, cổ phiếu này đã tăng mạnh trong thời gian ngắn và từ cổ phiếu im ắng nhiều năm, thanh khoản thấp, bỗng dưng trở nên “sốt nóng”.
Đây cũng là hiện tượng đã xảy ra tại nhiều cổ phiếu thực hiện niêm yết trong năm nay như PLX (Petrolimex), VJC (Vietjet Air), SAB (Sabeco), BHN (Habeco)…
Sau khi niêm yết, các cổ phiếu nói trên với lợi thế đầu ngành và tiềm năng tăng trưởng đã tiếp tục tăng giá với mức tăng 30-50%, thậm chí 100% như Sabeco.
Vậy liệu cổ phiếu VPBank có chào sàn ở giá “đắt” và có còn dư địa tăng giá?
Lợi thế kẻ tiên phong
So sánh với các nhà băng khác về hiệu quả hoạt động, VPBank đang là ngân hàng đứng đầu về tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE). Số liệu của NHNN cho thấy, ROE của toàn hệ thống ngân hàng năm 2016 là 7,51%. Trong đó công ty tài chính là tổ chức có ROE cao nhất (16,47%), còn các ngân hàng TMCP có ROE bình quân 5,66%.
Với lãi ròng năm 2016 đạt 3.935 tỷ đồng, ROE của VPBank hợp nhất lên tới25,7%, gấp hơn 3 lần toàn hệ thống. Trong đó, ROE của riêng ngân hàng mẹ (không kể FE Credit - công ty tài chính cho vay tiêu dùng) là 17,1%.
Số liệu của CTCK Bản Việt (VCSC) cũng cho thấy tỷ suất sinh lời của VPBank cao hơn hẳn bình quân ngành ở Việt Nam, thậm chí cả nhiều quốc gia trong khu vực.
ROE và ROA ngân hàng một số quốc gia trong năm 2016
Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) tại thời điểm quý II/2017 của VPBank ở mức đáng cao so với các ngân hàng 2.525 đồng/cp (EPS của ông lớn đầu ngành Vietcombank thời điểm cuối tháng 7/2017 cũng chỉ ở mức 1.566 đồng/cp).
Vì vậy, P/E của VPBank tính trên giá chào sàn mới chỉ ở mức 15,4 lần, thấp hơn mức bình quân của 6 ngân hàng niêm yết (17 lần - loại bỏ một số cổ phiếu P/E cao bất thường như EIB, NVB do thị giá quá thấp).
EPS năm 2016 và P/E một số ngân hàng ngày 9/8
Điều làm nên sự khác biệt của VPBank có lẽ chính ở chiến lược tập trung vảo ngân hàng bán lẻ mà ngân hàng này đã đề ra từ năm 2012 và việc lựa chọn phân khúc thấp hơn, chấp nhận rủi ro cao.
Năm phân khúc khách hàng mà VPBank đã hướng tới là Ngân hàng bán lẻ, Tín dụng tiêu dùng (thông qua FE Credit), Tín dụng tiểu thương, Ngân hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, Ngân hàng doanh nghiệp.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, ban lãnh đạo của VPBank cũng khẳng định, nhận thức được phân khúc khách hàng mục tiêu, từ đó xây dựng nền tảng quản trị hạn chế tốt nhất rủi ro. Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định VPBank đang có trong tay đội ngũ quản lý rủi ro tốt nhất ngành thể hiện ở thời gian lỗ vòng đời (loss lifetime) đối với tài chính tiêu dùng và tín dụng bán lẻ giảm nhanh chóng trong 3 năm qua.
Thực tế cũng đã có nhiều ngân hàng Việt Nam vạch ra mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, hướng đến miếng bánh thị trường 93 triệu dân đầy hấp dẫn.Tuy nhiên không nhiều ngân hàng làm được như VPBank.
Tín dụng tiêu dùng từ một khối hoạt động trong ngân hàng được tách ra thành công ty riêng sau khi VPBank mua lại Công ty Tài chính Than khoáng sản Việt Nam năm 2014 và trở thành con gà “đẻ” trứng vàng cho VPBank hai năm qua.
Thời điểm hiện tại, tiếp tục đang có thêm các ngân hàng tiếp cận thị trường bán lẻ thông qua việc thành lập các công ty tài chính để cho vay tiêu dùng như MBBank với Mcredit và sắp tới đây còn là SHB…
Cạnh tranh chắc chắn sẽ gay gắt hơn nhưng lợi thế kẻ tiên phong chiếm lĩnh gần 50% thị phần, sẽ hỗ trợ VPBank trong tương lai.
Trong khi đó, tín dụng tiểu thương là một phân khúc mới được VPBank thiết lập trong năm 2015.Quý II/2017, mảng kinh doanh này đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và rất có thể trở thành “con gà đẻ trứng vàng” tiếp theo của VPBank.
Ngoài yếu tố nội tại, kỳ vọng về giá đẩy cầu cổ phiếu vượt cung cũng là nguyên nhân hỗ trợ giá. Cách đây vài tháng, VPBank thực hiện roadshow chào bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài theo phương thức dựng sổ và là ngân hàng đầu tiên thực hiện chào bán theo hình thức này.
Với lượng mua gấp 4 lần lượng chào bán, VPBank đã phải tăng khối lượng cổ phiếu bán ra và thu về lượng thặng dư vốn cổ phần lớn cho Ngân hàng.
Chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 của ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital kiêm đại diện Nhóm công tác Thị trường vốn, nhận định đợt chào bán cổ phiếu VPB là minh chứng thành công cho phương thức chào bán mới này.
Đánh giá về tiềm năng ngân hàng bán lẻ, ông Nguyễn Thế Minh - Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân SSI nhận định dù có những rủi ro khi tín dụng tiêu dùng đang tăng trưởng nóng và có thể vượt khả năng huy động vốn nhưng ngân hàng bán lẻ vẫn giữ được tăng trưởng nhờ thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam dự kiến còn tăng 6-10%/năm trong giai đoạn 2017-2020.
Trong khi P/E đang ở mức hấp dẫn thì tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách (P/B) của VPBank lại đang khá cao so với mặt bằng chung, đạt 2,15 lần. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt giữa VPBank và phần lớn các ngân hàng khác là do hướng đến các phân khúc như tín dụng tiêu dùng, tín dụng tiểu thương nên tỷ lệ vay tín chấp của ngân hàng cao hơn nhiều so với bình quân chung của ngành. Do đặc thù này nên việc hạch toán tài sản của VPBank cũng tương đối khác.
Theo quy định của kế toán, thời gian để một khoản vay tín chấp bị đưa ra ngoài Bảng cân đối kế toán (write-off) chỉ là 180 ngày, còn các khoản vay thế chấp khi quá hạn trên 360 ngày mới xuống nợ nhóm 5 (trích lập dự phòng 100%).
Cũng phải nói thêm rằng, trong trường hợp thu hồi lại được, các khoản nợ đã xóa sẽ mang lại thu nhập khác cho ngân hàng. Như trong năm 2016, VPBank đã ghi lãi 715 tỷ đồng từ khoản này.Theo chia sẻ từ một lãnh đạo của VPBank, để Ngân hàng đứng vững khi lựa chọn phân khúc khách hàng rủi ro là phải có được số liệu rõ ràng, minh bạch; thực hiện kiểm soát qua hệ thống và thu nhập có được đủ để dự phòng cho các tình huống xấu.
Số liệu cho thấy chi phí trích lập dự phòng hàng kỳ của VPBank thường xuyên ở mức cao. Dù vậy, ngân hàng này vẫn giữ được lợi nhuận tăng trưởng cao và đã vượt qua MBBank về chỉ tiêu lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017.