Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thông báo sẽ hoán đổi nhiều cổ phiếu ngành dầu khí.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thông báo sẽ hoán đổi nhiều cổ phiếu ngành dầu khí.

Chào mua công khai "phớt lờ" Luật Chứng khoán

(ĐTCK-online) Kể từ khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, đã có nhiều vụ M&A được thực hiện, với giá trị hàng tỷ USD. Tuy nhiên, chưa thấy trường hợp nào thực hiện chào mua công khai trên thị trường. Nguyên nhân theo SSI là do những quy định của pháp luật có liên quan vòa cách thưc xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

Năm 2007, tại Việt Nam có hơn 90 thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) với giá trị giao dịch hơn 1,7 tỷ USD. Năm 2008, dù bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế, song cũng có gần 40 thương vụ M&A, với giá trị giao dịch gần 350 triệu USD. Thế nhưng, từ đầu năm 2007 khi Luật Chứng khoán có hiệu lực đến nay, chưa thấy trường hợp nào thực hiện chào mua công khai trên thị trường, kể cả một số DN niêm yết đã thực hiện M&A, dù Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 18/2007/TT-BTC hướng dẫn hoạt động này từ ngày 13/3/2007.

Bỏ qua lý do về kinh tế, chúng tôi cho rằng, bản thân những quy định của pháp luật có liên quan và cách thức xử lý của cơ quan có thẩm quyền là một trong lý do dẫn đến việc DN thực hiện M&A không theo thủ tục chào mua công khai.

Thứ nhất, quy định xử phạt không tương xứng với hành vi vi phạm. Điều 29 Nghị định số 36/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK quy định mức xử phạt bằng tiền đối với hành vi vi phạm quy định về chào mua công khai chỉ từ 20 - 70 triệu đồng; ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ, hủy bỏ đợt chào mua hoặc buộc tổ chức, cá nhân vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả là thực hiện đúng quy định.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định mới, thay thế Nghị định số 36. Điều 29 của Dự thảo lần 6 nâng mức phạt bằng tiền lên 30 triệu đồng và quy định hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ và hủy bỏ đợt chào mua công khai.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền chưa xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đơn cử, Công ty TNHH Quốc tế Khải Tiệp mua 27 triệu cổ phần của một cổ đông CTCP Quốc tế Hoàng Gia, dẫn đến sở hữu 52,49% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty này, nhưng không thực hiện thủ tục chào mua công khai, vi phạm Điều 32 Luật Chứng khoán. Mức độ xử phạt được UBCK áp dụng là phạt tiền 20 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm và không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả như quy định tại Khoản 3 và 4 Điều 29 Nghị định số 36.

Thứ ba, quy định về thủ tục chào mua công khai có thể chưa tạo thuận lợi cho các bên thực hiện. Ngày 2/10, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 194/2009/TT-BTC hướng dẫn chào mua công khai, thay thế Thông tư số 18, sẽ có hiệu lực từ ngày 15/11/2009. Tuy nhiên, một số nội dung của Thông tư số 194 có vẻ "cải lùi" so với thông tư cũ. Chẳng hạn, giá chào mua công khai không được thấp hơn bình quân giá tham chiếu cổ phiếu của công ty mục tiêu, chứng chỉ quỹ của quỹ đầu tư mục tiêu do Sở GDCK công bố trong thời hạn 60 ngày liền trước ngày gửi bản đăng ký chào mua; trường hợp công ty mục tiêu, quỹ đầu tư mục tiêu không phải là tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch thì không thấp hơn giá do 2 CTCK thường xuyên công bố hoặc giá phát hành gần nhất (Luật Chứng khoán và thông tư cũ không quy định mức giá chào mua tối thiểu). Ngoài ra, trong suốt quá trình chào mua, bên chào mua chỉ được tăng giá chào mua.

Chúng tôi cho rằng, quy định như trên là chưa hợp lý. Bên chào mua, cổ đông của công ty mục tiêu chắc chắn có đánh giá riêng của mình về giá trị cổ phiếu, chứng chỉ quỹ được chào mua. Nếu giá của bên chào mua đưa ra không hợp lý, không được các cổ đông, người nắm giữ chứng chỉ quỹ của công ty mục tiêu, quỹ đầu tư mục tiêu chấp thuận thì giao dịch chào mua công khai sẽ không thực hiện được và bên chào mua chấp nhận mất chi phí thực hiện thủ tục chào mua công khai. Hơn nữa, giá cổ phiếu giao dịch hàng ngày và thay đổi nhanh chóng, việc buộc bên chào mua không được chào giá thấp hơn giá trung bình 60 ngày trước đó trong suốt thời gian chào mua kéo dài từ 30 - 60 ngày sẽ gây rủi ro cho bên chào mua nếu thị trường điều chỉnh, giá giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chào mua sụt giảm.

Thông tư số 194 không có quy định nào nhằm bảo đảm khả năng thanh toán của bên chào mua. Trong khi đó, Thông tư số 18 quy định về vấn đề này như sau: "Bên chào mua phải chỉ định công ty chứng khoán làm đại lý thực hiện việc chào mua. Trước khi thực hiện chào mua, bên chào mua phải ký quỹ số tiền tương ứng 100% giá trị số cổ phiếu đăng ký chào mua tính theo giá chào mua". Chúng tôi cho rằng, đây là một rủi ro đối với các bên tham gia giao dịch chào mua công khai khi mà tổng giá trị giao dịch thường là một khoản lớn. Nếu bên chào mua không có đủ khả năng thanh toán khi kết thúc đợt chào mua thì sẽ phải xử lý thế nào để bảo đảm quyền lợi của cổ đông công ty mục tiêu đã đăng ký bán?

Thông tư số 194 cũng không quy định về trường hợp hoán đổi cổ phiếu, trong khi thực tế đã có không ít công ty cả niêm yết và chưa niêm yết sáp nhập với nhau bằng cách hoán đổi cổ phiếu như PVD, DBC… (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã có thông báo sẽ hoán đổi nhiều cổ phiếu ngành dầu khí).

Thủ tục chào mua công khai với những ưu điểm như bảo đảm cho TTCK hoạt động một cách hiệu quả và lành mạnh, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của NĐT và cổ đông, giúp công ty bị chào mua có biện pháp phòng vệ trước việc bị thâu tóm bởi tổ chức/cá nhân thông báo chào mua công khai và phù hợp với thông lệ quốc tế, cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Chúng tôi mong rằng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện và khuyến khích các bên có liên quan trong giao dịch chào mua công khai thực hiện đúng theo quy định.