Chào đón hay không, biến động tiền tệ cũng đang trở lại

Chào đón hay không, biến động tiền tệ cũng đang trở lại

(ĐTCK) Chỉ vài tuần trước, thị trường ngoại hối còn bất động. Với độ biến động được các gói kích thích của ngân hàng trung ương giữ ở các mức thấp kỷ lục trong phần lớn thời gian của một năm qua, khối lượng giao dịch tại các thị trường giao ngay đã giảm mạnh, các nhà giao dịch chỉ biết ngồi rồi và các nhà quản lý tiền tệ thì gặp khó khăn để biện minh cho sự tồn tại của mình.

Trong khi đó, nhiều quỹ đầu cơ - từng bị “cắn bớt” tài sản hồi đầu năm bởi một thị trường mà hầu như tất cả các giao dịch thỏa thuận đều sai lầm - vẫn đứng ngoài thị trường.

Nhưng giờ đây, triển vọng của các nền kinh tế lớn đang phân hóa và đợt tăng giá kéo dài của đồng USD đang đánh thức thị trường trở lại. Từ đầu tháng 7, đồng bạc xanh đã tăng giá 5,5% so với đồng euro, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cuối cùng đã nới lỏng kiềm chế sức mạnh của đồng tiền chung. Đồng tiền này đã tăng 5% lên mức cao trong vòng 6 năm so với đồng yên Nhật; 5,5% so với đồng bảng Anh, khi những nghi ngờ tăng lên về thời gian Anh nâng lãi suất và chiến dịch đòi độc lập của Scotland vào guồng.

“Gây lo lắng cho người này nhưng lại được chào đón bởi người khác, sự biến động đang trở lại - ít nhất là trên thị trường hối đoái”, John Normand, chiến lược gia của JPMorgan, viết. Chỉ số đo lường mức độ biến động tiền tệ toàn cầu của công ty này đã tăng từ mức thấp khoảng 5% trong tháng 7 lến 7,5% trong tháng 8.

Đây vẫn là một mức dưới giá trị trung bình từ trước đến nay - và vẫn chưa đạt bằng mức biến động trên các thị trường cổ phiếu và trái phiếu - nhưng đã bắt đầu có sự phục hồi le lói về khối lượng giao dịch và đối tượng tham gia thị trường.

“Cho đến khoảng tuần trước, ngay cả các quỹ đầu cơ cũng chưa hăng hái trở lại… bởi một vài trong số đó đã bị đốt cháy quá nhiều lần”, Stephen Jen, Giám đốc quỹ đầu cơ SLJMacro nói. Nhưng nay, tỷ giá hối đoái bắt đầu phản ứng theo những cách giống nhau hơn đối với dữ liệu kinh tế và các dấu hiệu chính sách. Và các nhà quản lý quỹ đang dần nâng vị thế nắm giữ ngoại tệ. “Đây là lần đầu tiên trong năm nay, mọi thứ (các thông số thị trường) trở nên có ý nghĩa”, ông Jen nói.

Marc Chandler, chiến lược gia của Brown Brothers Harriman, nói rằng: “Đến nay, sự trở lại vẫn còn mang tính thăm dò và hời hợt…  nhưng đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài, chúng ta có một thị trường có xu hướng. Rất nhiều người, trong đó có tôi, thực sự chờ đợi điều này”.

Sự biến động ít được chào đón hơn bởi các công ty, do họ phải đối diện với chi phí dự phòng lớn hơn. Nó cũng thường ít được mong chờ bởi các nhà hoạch định chính sách. Nhưng các quan chức gần đây đã bày tỏ sự lo ngại nhất định về việc các thị trường tài chính có lẽ đang đánh giá thấp rủi ro. Độ biến động tỷ giá đã giảm xuống thấp hơn nhiều so với mức được giải thích bởi chu kỳ kinh doanh toàn cầu, ông Normand cho biết và dự đoán mức lệch chuẩn là lớn hơn so với năm 2007, trước khi khủng hoảng toàn cầu diễn ra.

Một nhân tố đã kích hoạt đà tăng mới nhất của đồng USD là bài viết của Fed San Francisco, trong đó lưu ý rằng, các thị trường dường như kỳ vọng Mỹ sẽ tăng lãi suất chậm hơn so với ngụ ý của Fed - và đã “đánh giá thấp mức độ biến động của lãi suất ngắn hạn với những dữ liệu tương lai về nền kinh tế”.

Điều này làm dấy lên dự đoán rằng, Fed có thể sẽ gợi ý rõ hơn về lãi suất trong tương lai tại cuộc họp chính sách tuần này. Nếu Fed phát tín hiệu về cách tiếp cận chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn, điều đó sẽ lại thúc đẩy đồng USD tăng giá và gia tăng mức độ biến động của đồng tiền này, đặc biệt so với các đồng tiền ở các thị trường mới nổi, vốn nhạy cảm nhất với lãi suất của Mỹ.

Nhưng một số nhà phân tích cho rằng, có rất ít bằng chứng cho thấy biến động trong tỷ giá phản ánh kỳ vọng lãi suất ở Mỹ. Những biến động đó có thể được giải thích bằng sự yếu đi của nền kinh tế nào đó - eurozone hay Nhật Bản chẳng hạn - thì hợp lý hơn.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy, các nhà đầu tư đang ngày càng nhạy cảm với rủi ro địa chính trị. Sự biến động của cặp tỷ giá EUR/USD trong mùa hè này trước hết là do ECB nới lỏng tiền tệ, nhưng chủ yếu lại do những lo ngại liên quan đến vấn đề Ukraine, biến USD thành một tài sản trú ẩn.

Matthew Cobon, một nhà quản lý thu nhập cố định và tiền tệ của Threadneedle, cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland - ban đầu chưa được các nhà đầu tư để ý nhưng sau đó trở thành một trong những tác nhân lớn nhất trong nhiều năm đối với sự biến động của đồng bảng Anh - có lẽ đã trở thành một chất xúc tác cho việc định giá rủi ro chính trị trên khắp châu Âu.

Tin bài liên quan