Sẵn sàng mang tỷ USD đến Việt Nam
Ít ngày trước, Tập đoàn Quantum (Hoa Kỳ) và Công ty cổ phần BB Group (Tập đoàn BBG, Việt Nam) đã ký thỏa thuận với tỉnh Quảng Trị về việc nghiên cứu, hợp tác đầu tư hai dự án quy mô lớn tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Trong đó, Trung tâm Công nghiệp khí Hải Lăng - Quảng Trị có tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ USD, với mục tiêu xây dựng nhà máy xử lý khí và nhà máy sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng, kho khí trên bờ, kho khí nổi, trong đó giai đoạn I có vốn đầu tư dự kiến 3,5 tỷ USD. Dự án thứ hai là Cảng tổng hợp Quảng Trị có quy mô vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Trước Quantum, hai “ông lớn” khác của Hoa Kỳ là Exxon Mobil và Milennium cũng đề xuất các kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án điện khí tại Việt Nam. Nếu Milennium mới đến Việt Nam 1-2 năm trở lại đây, với đại kế hoạch đầu tư 30 tỷ USD vào các trung tâm điện khí ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Nam Vân Phong (Khánh Hòa), thì Exxon Mobil đã “ăn dầm nằm dề” ở Việt Nam. Các dự án mà tập đoàn này theo đuổi không chỉ là đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, mà còn là các dự án điện khí ở miền Trung và mới đây là dự án điện khí ở Hải Phòng.
Exxon Mobil cũng đã ký MOU với TP. Hải Phòng về việc nghiên cứu đầu tư Dự án Tổ hợp điện khí, với quy mô vốn đầu tư 5,09 tỷ USD tại huyện Tiên Lãng và huyện Cát Hải (Hải Phòng).
Chỉ cần một trong các dự án trên được hiện thực hóa, vốn đầu tư từ Hoa Kỳ sẽ chảy mạnh vào Việt Nam. Và có vẻ đúng như nhận định được bà Marisa Lago, Thứ trưởng Thương mại phụ trách thương mại quốc tế Hoa Kỳ chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ, được tổ chức hồi tháng 3/2022, năng lượng, y tế, thương mại số và biến đổi khí hậu sẽ là những lĩnh vực được các doanh nghiệp Hoa Kỳ ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống (42,5%); công nghiệp chế biến, chế tạo (32%); cấp nước và xử lý chất thải (5,2%). Tuy nhiên, dường như xu hướng bây giờ đã khác. Không chỉ đơn thuần là các khoản đầu tư vào sản xuất, hay dịch vụ, với sự có mặt của các tên tuổi lớn như Ford, General Electric, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G, Metlife, UPS…, mà nhà đầu tư Hoa Kỳ đã có những mối quan tâm rất khác ở Việt Nam.
Tài chính, dịch vụ tài chính cũng là một ví dụ điển hình. Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) từng chia sẻ, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam. Đó là ông đề cập kế hoạch phát triển các trung tâm tài chính quốc tế ở TP.HCM và Đà Nẵng, mà Chính phủ Việt Nam đang xây dựng.
Theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, nếu kế hoạch xây các trung tâm tài chính quốc tế được thông qua, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đồng ý rót khoảng 4 tỷ USD vào Đà Nẵng và 6 tỷ USD vào TP.HCM.
Những kế hoạch tỷ USD của doanh nghiệp Hoa Kỳ khiến dư luận không khỏi vui mừng. Tuy vậy, câu hỏi được đặt ra là, bao giờ các kế hoạch này được hiện thực hóa?
Giải bài toán hiện thực hóa cơ hội
Những thông tin về xu hướng đầu tư từ Hoa Kỳ là tích cực. Kết quả khảo sát về đầu tư kinh doanh năm 2021 của Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, gần 80% thành viên của Hiệp hội đánh giá rất tích cực, hoặc tích cực về triển vọng trung và dài hạn tại thị trường Việt Nam.
Muốn tăng đầu tư từ Hoa Kỳ, phải giải quyết các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, tham nhũng và rút ngắn thời gian thực thi các thủ tục hành chính.
- GS-TSKH. Nguyễn Mại
Còn ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham luôn nhấn mạnh, xu hướng tăng trưởng thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh trong thời gian tới. “Việc Chính phủ Việt Nam không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư là tiền đề để doanh nghiệp Hoa Kỳ mang vốn tới Việt Nam”, ông Adam Sitkoff nói.
Trên thực tế, điều này không phải bây giờ mới được khẳng định. Thậm chí, mối quan tâm của các nhà đầu tư Hoa Kỳ tới Việt Nam còn tăng lên trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, khi nhiều doanh nghiệp cho biết, Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tháng 8 năm ngoái, Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris lần đầu tiên đến thăm Việt Nam và đã khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không ít kế hoạch đầu tư và mở rộng đầu tư đã được các doanh nghiệp Hoa Kỳ thực hiện trong thời gian qua. Cả Google, Microsoft, Apple đều đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam và coi Việt Nam như một điểm đến thay thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy, mới có hàng loạt nhà sản xuất gia công như Foxconn, Goertek, Pegatron... đầu tư và liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
First Solar, sau khi đầu tư một dự án hơn 1 tỷ USD ở TP.HCM, đã công bố rằng, nhà máy tại TP.HCM của First Solar chính là cơ sở sản xuất quan trọng hàng đầu của Tập đoàn. Còn Intel đang tiếp tục các kế hoạch đầu tư giai đoạn II với quy mô có thể lên tới hàng tỷ USD. Tập đoàn Amkor cũng đã nhận giấy chứng nhận đầu tư để triển khai dự án bán dẫn ở Bắc Ninh, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, trong đó giai đoạn I là 500 triệu USD.
Tuy nhiên, trên thực tế, vốn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam chưa tăng tốc mạnh mẽ và cũng chưa tương xứng với tiềm năng. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 4 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Hoa Kỳ đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 169 triệu USD, đứng thứ 9 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Còn nếu tính lũy kế, con số là trên 10,47 tỷ USD, đứng vị trí thứ 11.
Thông thường, dòng chảy thương mại sẽ kéo theo dòng chảy về đầu tư. Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dòng chảy đầu từ từ Hoa Kỳ đã không tương xứng với dòng chảy thương mại.
Công bố Báo cáo thường niên về FDI 2021 hôm qua (10/5), GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI cũng nhấn mạnh điều này. Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, tuy là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ chỉ đứng vị trí thứ 11 trong số các đối tác của Việt Nam.
“Muốn tăng đầu tư từ Hoa Kỳ, phải giải quyết các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ, tham nhũng và rút ngắn thời gian thực thi các thủ tục hành chính”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói và cho biết, có doanh nghiệp phàn nàn lên Hiệp hội rằng, nhiều nơi mất hàng năm mới có thể xong các thủ tục cần thiết cho một dự án đầu tư và như thế “sẽ mất cơ hội”.