Vào cuối phiên chất vấn buổi sáng, Chánh án Tòa án Nhân nhân Tối cao Trương Hòa Bình đã có 5 phút để trả lời câu hỏi của đại biểu Sơn liên quan đến vụ án “bầu” Kiên.
Ông Trương Hòa Bình nói: Tôi xin được giải trình thêm về câu hỏi của đại biểu Sơn. Với vụ án Nguyễn Đức Kiên được đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm. Thưa Quốc hội, tòa án xét xử trên nguyên tắc thông qua tranh tụng, xem xét toàn diện tất cả các chứng cứ buộc tội, cũng như gỡ tội và đối chiếu pháp luật để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xét xử hàm oan cho người vô tội và cũng không để lọt tội phạm.
Việc xét xử, ra quyết định, ra một bản án, kết án với người phạm tội phải kết hợp nguyên tắc trừng trị và khoan hồng.
Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử cấp sơ thẩm. Theo nguyên tắc, HĐXX độc lập, tuân theo pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Tòa án Hà Nội, HĐXX đã tuyên bản án với các bị cáo, trong đó bị cáo Nguyễn Đức Kiên là bị Viện Kiểm sát truy tố 4 tội:
Tội Kinh doanh trái phép theo Điều 159 Bộ luật Hình sự, đề nghị 18 - 24 tháng tù giam. Mức án cao nhất tội này là 2 năm. Tòa tuyên mức án là 20 tháng tù giam.
Tội Trốn thuế, Viện Kiểm sát đề nghị 4 - 5 năm tù, HĐXX tuyên 6 năm 6 tháng tù.
Tội Cố ý làm trái, Viện Kiểm sát đề nghị đề nghị 14 - 16 năm tù, HĐXX tuyên 18 năm tù.
Tội Lừa đảo, Viện đề nghị 16 - 18 năm tù, HĐXX tuyên 20 năm tù.
Đây là trường hợp phạm nhiều tội, theo Điều 50 Bộ luật Hình sự thì mức án cao nhất là 30 năm tù giam. Như vậy, mức án HĐXX tuyên đều cao hơn đề nghị của Viện Kiểm sát so với các tội Nguyễn Đức Kiên đã phạm tội.
Mức án 30 năm tù so với một đời người có lẽ không thấp.
Ngoài ra, HĐXX còn tuyên phạt bị cáo 3 lần tiền trốn thuế là 75 tỷ đồng, phạt 100 triệu đồng với tội Lừa đảo, cấm đảm nhiệm chức vụ trong ngành ngân hàng trong 5 năm.
HĐXX đã khởi tố tiếp 2 vụ án hình sự tại phiên tòa và yêu cầu Viện Kiểm sát xem xét trách nhiệm hình sự của nhiều trường hợp khác.
Như vậy, là một bản án đã tuyên khá là toàn diện
Tôi với tư cách là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, tôi phải tôn trọng quyết định của HĐXX, còn nếu như có kháng cáo, kháng nghị, thì tòa án tiếp tục xét xử theo trình tự phúc thẩm như quy định của pháp luật.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Anh Sơn gửi tới Tổng thanh tra Chính phủ ngay khi phần chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Thanh bắt đầu: "Kết quả xét xử sơ thẩm Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác đã đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần chặn đứng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng và tội tham nhũng nói chung? Phải chăng pháp luật của chúng ta đang có cách hiểu, cách vận dụng khác nhau?".
Ngoài Tổng thanh tra Chính phủ, đại biểu cũng gửi vấn đề này tới Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao về vụ án “bầu” Kiên đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Đại biểu Sơn nói: “Nhân dân rất quan tâm và đánh giá cao quyết tâm đưa ra xét xử các đại án tham nhũng, kết quả xét xử khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng, một cuộc chiến cam go không kém cuộc chiến chống ngoại xâm. Gần đây dư luận đặc biệt quan tâm vụ án Nguyễn Đức Kiên, vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng, có ảnh hưởng không nhỏ đến ổn định vĩ mô. Diễn biến và kết quả xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác vừa kết thúc hôm 9/6 vừa qua đang còn nhiều ý kiến đánh giá khác nhau.
Xin Tổng thanh tra Chính phủ, đồng thời là Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho biết, các mức án đã tuyên đã thực sự phù hợp với các tội danh mà cơ quan điều tra xác định, cơ quan công tố đề nghị chưa? Vì sao Nguyễn Đức Kiên và hầu hết các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ, nhưng mức án tuyên đều ở mức thấp trong khung đề nghị? Kết quả xét xử đã đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần chặn đứng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng và tội tham nhũng nói chung?
Đại biểu cũng đề nghị các vị đứng đầu các cơ quan liên quan đến quá trình điều tra truy tố xét xử làm rõ thêm, vì sao cho tới lúc tuyên án trong khi cơ quan điều tra, công tố giữ nguyên các quan điểm về tội danh với Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo thì hầu hết các bị cáo đều khẳng định mình vô tội. Phải chăng, quy định pháp luật của chúng ta hiện nay có cách hiểu cách vận dụng rất khác nhau?
Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Tổng thanh tra Chính phủ cho biết Thanh tra Chính phủ chỉ là cơ quan hành pháp, cơ quan thanh tra, việc xét xử là thuộc trách nhiệm của cơ quan truy tố, xét xử.
“Theo quan điểm chúng tôi trên cơ sở vi phạm chúng ta xét xử nghiêm minh đúng pháp luật. Còn xét xử nặng nhẹ thuộc về cơ quan truy tố xét xử độc lập“, Tổng Thanh tra nói.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ, Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đã hỏi lại, và đề cập tới nội dung trong phiên chất vấn Tổng Thanh tra, có một số lãnh đạo các bộ ngành liên quan sẽ giải trình các nội dung liên quan trong đó có Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiếm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Anh Sơn đề nghị chủ tọa kỳ họp chỉ định một trong số các vị lãnh đạo trả lời vấn đề đại biểu quan tâm.
"Mà đây không phải một mình tôi quan tâm, dư luận xã hội đang rất quan tâm, đang có nhiều ý kiến khác nhau về kết quả phiên tòa này, các luật sự nghĩ khác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng nghĩa khác, người dân nghĩ khác. Một câu trả lời chính xác, đầy đủ trong hội trường này sẽ tạo cho chúng ta sự đồng thuận trong xã hội với một vấn đề rất nhạy cảm“, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói.
Theo Chủ tịch Nguyễn Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đây là vụ án cụ thể, nếu có trả lời cũng chỉ có thể trả lời về mặt nguyên tắc, quan điểm. Do vụ án đã xét xử xong, Chủ tịch Quốc hội đã mời Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao thay mặt cho cả cơ quan điều tra, cơ quan công tố trả lời đại biểu.