Chẳng kém gì con người, sư tử cái cũng biết vùng lên đấu tranh đòi "nữ quyền"

Chẳng kém gì con người, sư tử cái cũng biết vùng lên đấu tranh đòi "nữ quyền"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chẳng phải ngẫu nhiên những người phụ nữ đanh đá, ghê gớm thường được gọi là "sư tử Hà Đông".

“Sư Tử Hà Đông” bắt nguồn từ câu thơ của một vị danh sỹ đời nhà Tống tên là Tô Đông Pha. Tô Đông Pha (1037-1101) tên Tô Thức, tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha cư sĩ nên người đời gọi là Tô Đông Pha. Ông là một trong những nhân vật lịch sử được hâm mộ nhất ở Trung Quốc.

Tô Đông Pha có người bạn thân là Trần Tháo, tự Quý Thường, hiệu Long Khâu cư sĩ, một tín đồ đạo Phật và là người hào hoa, nhiều bằng hữu, nhưng cũng rất sợ vợ. Trong khi đó, vợ ông là Liễu Thị lại có tính hay ghen. Trong một lần mở yến tiệc đãi bạn, để chiều khách, Trần mời kỹ nữ xướng ca, khiến Liễu Thị nổi cơn ghen, la mắng om sòm để đuổi khách. Trần Tháo có lúc hốt hoảng, cầm gậy nơi tay rơi mất gậy. Tô Đông Pha thấy vậy mới làm bài thơ đùa cợt:

Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền,

Đàm không thuyết pháp dạ bất miên.

Hốt văn Hà Đông sư tử hống,

Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên.

(Ai hiền bằng thầy đồ Long Khâu,

Đọc kinh thuyết pháp suốt đêm thâu,

Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,

Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu.)

Tô Đông Pha dùng hai tiếng "Hà Đông" là mượn câu thơ của Đỗ Phủ: "Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu" (cô gái Hà Đông người họ Liễu) vì vợ của Trần Tháo cũng họ Liễu. Và tiếng "Sư tử" do lời trong kinh Phật: sư tử là chúa loài thú, mỗi khi rống lên thì các thú vật đều khiếp đảm để vừa chỉ tính ghen dữ của Liễu Thị, vừa chỉ Trần Tháo là một tín đồ đạo Phật.

Vậy nên, nguồn gốc xuất xứ của câu nói “Sư tử Hà Đông” chính là nói về cái tính đanh đá, ghen tuông của người đàn bà họ Liễu.

Trong họ nhà mèo, sư tử là loài có thân hình to lớn thứ hai xếp sau hổ và là loài duy nhất sống theo hình thái tổ chức xã hội gồm gia đình và bầy đàn.

Một bầy sư tử sẽ có số lượng từ 10 - 40 con, bao gồm nhiều con đực trưởng thành, sư tử cái và các con của chúng. Bầy sư tử càng đông thành viên thì càng có nhiều uy thế cũng như nhiều sư tử đực thì càng có nhiều sức mạnh.

Có thế nói, giống như một đại gia đình, một bầy sư tử do một con sư tử đực khoẻ mạnh làm đầu đàn, tuy nhiên nó sẽ không đi kiếm thức ăn hay tham gia nhiều hoạt động mà gánh vác các công việc mang tính "cao cả" như đảm bảo sự an toàn cho cả đàn hay đối phó với những kẻ xâm phạm lãnh thổ.

Rất dễ nhận ra con sư tử đứng đầu của đàn, bởi dáng vẻ uy nghi, oai phong lẫm liệt, ở cổ có bờm rất dày và luôn dựng đứng, có tác dụng bảo vệ vùng cổ khi chiến đấu và thu hút tình cảm của con cái. Sư tử đực càng già, bờm của nó càng tối màu.

Sư tử cái sẽ có kích thước nhỏ hơn, nhanh nhẹn hơn phù hợp với việc ẩn nấp, rình rập nên hầu như sẽ đảm nhận nhiệm vụ đi săn.

Không giống như các loài khác trong họ nhà mèo, sư tử rất ít khi độc lập đi săn mà tập hợp thành một nhóm, gồm nhiều con cái. Mỗi con sư tử cái sẽ có một vai trò riêng trong nhóm. Linh hoạt trong cách sắp xếp khiến cho nhóm sư tử khi đi săn mồi trở nên vô cùng tinh nhuệ, có thể hạ gục những con mồi có kích thước lớn như trâu rừng, linh dương đầu bò hay thậm chí cả voi, hươu cao cổ...

Thế giới sư tử là một thế giới ủng hộ sức mạnh. Sư tử càng khỏe thì càng có nhiều cơ hội giao phối. Điều này là không thể nghi ngờ. Tuy nhiên, không có thứ bậc xã hội rõ ràng giữa các sư tử đực trong cùng một liên minh, sư tử đực kém hơn cũng có thể giành được quyền giao phối miễn là nó có cơ hội để chiếm hữu một con sư tử cái. Con yếu có ít cơ hội giao phối hơn con mạnh chứ không bị tước đoạt hoàn toàn quyền giao phối.

Trong một đàn sư tử, thông thường con đực thường được hưởng những đặc quyền như ngủ đến gần 20 tiếng/ngày, luôn được ăn trước và lựa những miếng ngon nhất...Tuy nhiên, dường như thế giới của sư tử đang có sự "hội nhập" cùng với xã hội của con người. Trong một thế giới phẳng, mọi thứ đều có thể. Ở thế giới loài người, cụm từ “Nữ quyền” ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Đây là một phần thành quả của các cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới trên thế giới.

Trong một đoạn clip được quay chụp tại Công viên Quốc gia Kruger, Nam Phi, hình ảnh sư tử cái vùng lên, đấu tranh trước sư tử đực lại được tái hiện một cách rõ ràng, chân thực nhất.

Tin bài liên quan