Chặng đường mới trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol được kỳ vọng sẽ mở ra chặng đường mới trong quan hệ hai nước.
Chặng đường mới trong quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc

Tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hồi tháng 4/2023, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) chia sẻ, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam đang cân nhắc tăng vốn đầu tư và đầu tư mới…

Thông tin trên được kỳ vọng sớm trở thành hiện thực, khi trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol từ ngày 22/6 đến 24/6, thành phần dự kiến còn có một đoàn gồm 205 doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Trong đó, đáng chú ý có Chủ tịch Công ty Điện tử Samsung Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch điều hành Tập đoàn Hyundai Motor Euisun Chung, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo...

Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) cho biết, đoàn có kế hoạch gặp gỡ nhiều lãnh đạo, doanh nghiệp và lãnh đạo Chính phủ Việt Nam để thảo luận về hợp tác trong chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Vũ Tùng, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chọn Việt Nam, nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á để tiến hành chuyến thăm và thời điểm chuyến thăm diễn ra chỉ 6 tháng sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, cho thấy tính chất đặc biệt của mối quan hệ.

Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng đánh giá, trong 30 năm qua, quan hệ Việt - Hàn đã phát triển nhanh chóng và hiệu quả, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, gồm chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa, trên các tầm quan hệ song phương và đa phương.

Hợp tác kinh tế là nhân tố then chốt và đóng góp hết sức to lớn cho quan hệ hai nước. Hợp tác kinh tế diễn ra với tốc độ nhanh chóng, quy mô to lớn và hiệu quả. Hai nước đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về vốn ODA (sau Nhật Bản) và thứ ba về thương mại (sau Trung Quốc và Mỹ).

Trao đổi thương mại của Hàn Quốc với Việt Nam đứng đầu trong thương mại với các nước ASEAN, chiếm 45 - 50% tổng thương mại của Hàn Quốc với toàn bộ khối ASEAN. Việt Nam hiện cũng đứng đầu ASEAN về thu hút đầu tư của Hàn Quốc, chiếm 35% tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc trong toàn bộ khối và chiếm 45% số doanh nghiệp Hàn Quốc tại ASEAN.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ từ các lĩnh vực gia công đơn thuần sang các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, dự án năng lượng, tài chính - ngân hàng, mua bán - sáp nhập (M&A) và dịch vụ chất lượng cao.

Chẳng hạn, Công ty Điện tử Samsung - doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam - đã đầu tư thêm 20 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) quy mô lớn nhất Đông Nam Á từ cuối năm ngoái.

Các công ty như Điện tử LG, LG Display, LG Innotek đang mở rộng đầu tư để phát triển thành cứ điểm sản xuất toàn cầu về điện ô tô, thiết bị điện tử và thiết bị gia dụng.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc kỳ vọng, chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk Yeol, cùng 205 doanh nghiệp Hàn Quốc hàng đầu sẽ mở ra một chặng đường mới trong quan hệ hai nước.

Ông Lộc đánh giá, chuyến thăm đặc biệt này không chỉ dừng lại ở những con số hợp tác kinh tế…, mà còn góp phần thay đổi về chất trong quan hệ thương mại.

Theo Đại sứ Nguyễn Vũ Tùng, tiềm năng hợp tác song phương còn rất lớn nếu hai bên khai thác tối đa khuôn khổ quan hệ chiến lược toàn diện, nhận thức đầy đủ về chất chiến lược và toàn diện của mối quan hệ song phương.

Trước mắt, hai bên cần tiếp tục khai thác tính bổ sung cho nhau của hai nền kinh tế từ góc độ nhân lực, lao động, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, chuyển giao công nghệ…

Tiếp đó, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới, như ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, phát triển xanh, năng lượng sạch, ổn định chuỗi cung ứng, hợp tác công nghiệp quốc phòng, phối hợp trong khuôn khổ hiệp định, cơ chế thương mại RCEP, CPTPP, APEC...

Tin bài liên quan