Chặng đường dài chờ tới đích

Chặng đường dài chờ tới đích

(ĐTCK) Đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn và đổi mới hệ thống quản trị nhà nước để gia tăng hiệu quả hoạt động là 3 trọng tâm lớn nhất của hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Mặc dù thực tế triển khai đang có không ít thách thức, song thông điệp nhất quán mà Chính phủ đưa ra là không lùi, hoãn tiến độ thực hiện.

Chiến thắng chính mình

Tập trung vào ngành nghề cốt lõi có thế mạnh, tái cơ cấu nhân sự, đặt đúng người, đúng việc, giảm thiểu bộ máy cồng kềnh là hoạt động nhiều doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty tập trung thực hiện trong thời gian qua.

Không dễ để thực thi những giải pháp quyết liệt đụng chạm đến quyền lợi và tư duy con người, vốn đã trở thành những tường lũy vững chắc ăn sâu vào lòng doanh nghiệp. Nhưng nếu quyết tâm thực hiện và có kỷ luật sắt trong triển khai, doanh nghiệp sẽ thành công.

Câu chuyện tái cơ cấu với hàng loạt kinh nghiệm ở Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)… đã cho thấy điều đó.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết, khó khăn lớn nhất trong tái cơ cấu doanh nghiệp nằm ở khâu sắp xếp lao động, làm sao để tránh việc có đơn thư kiện tụng.

Chỉ có người trong cuộc mới hiểu công cuộc tái cấu trúc tại VNPT đã trải qua những tháng năm chiến đấu với chính mình như thế nào: 10.500 người phải thay đổi vị trí công tác, khối văn phòng từ 700 người giảm xuống còn 300 người.

Năng suất lao động phải tăng lên, mỗi người hiểu rõ bản mô tả công việc của mình, nắm rõ chức năng nhiệm vụ mình phải thực hiện.

Riêng những lãnh đạo cấp cao nhất của VNPT, ngoài đảm bảo môi trường làm việc minh bạch, công bằng, không thiên vị, đã phải bỏ công đi khắp 63 tỉnh, thành phố trong 2 năm ròng rã để thuyết phục, để trao đổi làm sao mọi người lao động VNPT đều thấm nhuần triết lý mới: chuyên biệt, khác biệt, hiệu quả.

Trong kinh tế thị trường, doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh một cách sòng phẳng, nếu không chấp nhận sẽ chỉ có đường tụt lùi.

Tại VNPT, những đơn vị có kết quả sản xuất - kinh doanh thấp nhất trong Tập đoàn, lãnh đạo đơn vị sẽ phải nhường vị trí quản lý cho người khác. Với người lao động, Tập đoàn xây dựng cơ chế phân công và đo lường hiệu quả công việc với các chỉ tiêu cụ thể. Người lao động nào không hoàn thành các chỉ tiêu trong nhiều tháng sẽ bị điều chuyển sang vị trí khác.

Với Petrolimex, theo lãnh đạo Tập đoàn, dù có lợi thế quy mô và bề dày hoạt động nhưng sức nóng cạnh tranh cũng phả hầm hập sau lưng khi các “tân binh” liên tục có những động thái gia tăng năng lực cạnh tranh.

Mạng lưới của Petrolimex được đánh giá rất lớn, nhưng nhiệm vụ của bộ phận kinh doanh Petrolimex là hàng năm vẫn phải mở rộng mạng lưới, mở thêm các cây xăng mới ở những vị trí có tiềm năng phát triển, trên các cung đường, đặc biệt đường lớn mới mở khắp đất nước. Ngân sách cho hạng mục này tới hơn 2.000 tỷ đồng/năm.

Petrolimex cũng thay đổi gần như toàn bộ hệ thống quản trị doanh nghiệp khi quyết định áp dụng ERP (Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Với một doanh nghiệp có quy mô lớn và lịch sử hoạt động lâu đời, việc thay đổi hệ thống quản trị doanh nghiệp với những tư duy hoạch định và sử dụng nguồn lực hoàn toàn mới được ví “không khác gì trận Điện Biên Phủ”, khó nhưng vẫn phải thay đổi.

Chặng đường dài chờ tới đích  ảnh 1

Bà Đàm Thị Huyền, nguyên Phó tổng giám đốc Petrolimex, người tham gia dự án này chia sẻ, khi quyết định áp dụng ERP vào toàn hệ thống, thực sự đó là cuộc đấu tranh giữa những người lãnh đạo.

Vì muốn cả hệ thống thay đổi, trước tiên Ban lãnh đạo phải thay đổi, phải học hỏi và áp dụng những quy tắc mới trong công việc.

Có nhiều lãnh đạo ban đầu nhất định không hợp tác. Đến bây giờ, việc áp dụng ERP đã đem lại kết quả rõ rệt, ở bất cứ thời điểm nào, lãnh đạo tùy cấp có thể tra xuất thông tin, số liệu một cách rõ ràng ở những khu vực mình phụ trách, hệ thống cũng cho phép tra xuất tự động những nơi nào có dấu vết nghi ngờ về gian lận…

Ở Tập đoàn Cao su Việt Nam, tiết kiệm, chống lãng phí đã trở thành văn hóa doanh nghiệp. Theo số liệu của tập đoàn này, từ năm 2015 - 2018, số tiền tiết kiệm được lên tới 1.350 tỷ đồng. Trong bối cảnh giá cả cao su liên tục sụt giảm, nếu không thực hiện các giải pháp quản trị chặt chẽ, sẽ rất khó đảm bảo mục tiêu doanh thu, lợi nhuận đặt ra.

Đó chỉ là vài câu chuyện cho thấy khối doanh nghiệp nhà nước đang có sự chuyển động. Tuy nhiên, sự thay đổi mạnh mẽ về chất chưa thực sự đáp ứng kfy vọng.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, rủi ro của tài chính quốc gia từ khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tiềm ẩn do tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp quá khó khăn, rủi ro từ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, các khoản Chính phủ vay về cho vay lại, vay ưu đãi có hỗ trợ lãi suất, trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước…

Đổi mới công tác giám sát

Hiện nay, khung pháp lý và các quy định áp dụng với doanh nghiệp nhà nước là rất chặt chẽ, thậm chí ở chừng mực nào đó còn được coi là nghiêm ngặt.

Bởi thế, sức khỏe của khu vực doanh nghiệp này, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, mỗi khi “hắt hơi, sổ mũi” sẽ được thông tin công khai tới thị trường.

Các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả hoặc có nhiều yếu kém về tài chính, chịu thêm sự giám sát từ công chúng. Đó là một chuyển biến tốt, theo đánh giá của ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Chuyên gia này cho rằng, việc thực hiện giám sát của cơ quan chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục được cải thiện. Trong đó, lưu ý cơ chế báo cáo mang tính định kỳ (6 tháng, 1 năm) có thể khiến mức độ tương tác thường xuyên và kịp thời thấp, chưa đảm bảo yêu cầu “thường xuyên, liên tục” của hoạt động giám sát.

Việc quản lý vốn nhà nước tập trung với sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và gia tăng vai trò của SCIC được kỳ vọng tạo ra công cụ mới (nhân lực và thông tin) để tăng cường theo dõi, kịp thời nắm bắt được tình hình thực tế của doanh nghiệp giữa các kỳ báo cáo, đặc biệt là tình hình triển khai thực hiện kế hoạch, các dự án đầu tư và các quyết định mà cơ quan chủ sở hữu đã phê duyệt.

“Cách thức đánh giá của cơ quan chủ sở hữu được thực hiện vào đầu kỳ, với việc phê duyệt các chỉ tiêu kế hoạch do doanh nghiệp xây dựng và trình lên; cuối kỳ, đánh giá, xếp loại dựa trên cơ sở báo cáo tự đánh giá và xếp loại của doanh nghiệp (có so sánh giữa kết quả và kế hoạch) sẽ không thể hiệu quả và đó không phải cách thức đánh giá của một nhà đầu tư”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Không giãn, hoãn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính thì tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, như vậy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 707/QĐ-TTg, các cơ quan, đơn vị sẽ phải xây dựng phương án cơ cấu lại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với 526 doanh nghiệp nhà nước.

Song tính đến ngày 30/9/2019, mới có 148 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại. Số lượng doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại là 378 (chiếm 71%). Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa nắm bắt được tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo đó chưa thực hiện phê duyệt phương án cơ cấu lại tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.

Một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã trình chủ sở hữu phương án cơ cấu lại, đang xem xét, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước thuộc TP.HCM...

Chậm trễ cũng là căn bệnh chung của tình hình thực hiện cổ phần hóa. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa đến hết năm 2020, kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020 là 128 doanh nghiệp.

Giai đoạn 2016 - 2018 có 159 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tuy nhiên, con số này mới đạt 28% kế hoạch, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến  hết năm 2020 là 92 doanh  nghiệp.

Riêng kế hoạch thoái vốn, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,  giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện thoái khoảng 60.000 tỷ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, song lũy kế trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2019, cả nước mới thoái được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng.

Những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn là Bộ Công Thương (Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), Bộ Giao thông Vận tải (thoái 30,4% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam và 35,16% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam), Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 tổng công ty); các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bến Tre, TP. Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp), TP. Hải Phòng.

Dữ liệu từ các sở giao dịch chứng khoán cho thấy, bán đấu giá qua các sở giao dịch đang ngày càng giảm và chậm lại (xem bảng)

Chặng đường dài chờ tới đích  ảnh 2

Trước thực tế này, cùng với việc thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ sẽ giãn hoãn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Ðổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp này mạnh mẽ.

Chính phủ sẽ có các quyết định tháo gỡ một số vấn đề khó khăn trong thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, để đảm bảo đến năm 2020, kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Ông Long cho biết, vướng mắc lớn nhất là xác định giá trị đất đai và giá trị doanh nghiệp.  Lý do là các văn bản mới được ban hành yêu cầu nghiêm ngặt trong khâu xác định giá trị doanh nghiệp để quá trình cổ phần hóa, thoái vốn được minh bạch hơn.

Thực tế, có rất nhiều tỉnh, thành phố phê duyệt phương án sử dụng, giá trị đất chậm vì họ e ngại trách nhiệm về việc này.

“Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Ðầu tư là đầu mối tập hợp kiến nghị của các địa phương, bộ, ngành và báo cáo Chính phủ để có quyết định gỡ khó khăn”, ông Long trao đổi với báo chí.

Từ năm 2016 đến hết quý III/2019, đã chuyển từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp về ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng (đạt 74% kế hoạch), số còn phải chuyển từ Quỹ về ngân sách nhà nước là 65.000 tỷ đồng. 

Theo đánh giá của Bộ Tài chính thì dự kiến đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành kế hoạch nộp 250.000 tỷ đồng tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn về ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội đã giao.

Tin bài liên quan