Hiện cả nước có 30 trung gian thanh toán được cấp phép hoạt động. Ảnh: Đ.T

Hiện cả nước có 30 trung gian thanh toán được cấp phép hoạt động. Ảnh: Đ.T

Chặn vốn ngoại thao túng trung gian thanh toán

Ngân hàng Nhà nước dự định đưa tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài về mức 49%, thay vì thả nổi như hiện nay. Động thái này nhằm ngăn ngừa nhà đầu tư ngoại có thể thông qua đường vòng, lách quy định để thâu tóm 100% trung gian thanh toán trong nước.

Siết room để tránh thao túng

Tính đến tháng 11/2019, cả nước có 30 trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép. Có thể kể tên một số tên tuổi nổi bật như MoMo, Moca, Payoo, SenPay, Zalopay, Airpay, VNPay, Monpay, VietelPay, 1Pay, Nganluong, VTCpay, Mpay, Wepay… Đáng nói là, phần lớn trung gian thanh toán đã nằm trong tay nhà đầu tư ngoại.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech - đơn vị sở hữu nhiều trung gian thanh toán trong nước - cho rằng, việc hạn chế room thời điểm này là khá muộn so với các nước, nhất là khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh tay nắm giữ phần lớn cổ phần của các trung gian thanh toán lớn trong nước.

Quả thực, những năm gần đây, cùng với cơn sốt ra đời trung gian thanh toán, vốn ngoại đã ồ ạt tràn vào. Hiện tại, 90% vốn của 1Pay đang do True Money (Thái Lan) nắm giữ; Tập đoàn NTT Data (Nhật Bản) đã mua 64% vốn của Payoo; hai nhà đầu tư Hàn Quốc là Global Payment Service và UTC Investment Co., Ltd nắm 65% vốn của VNPT EPAY;  một số nhà đầu tư ngoại như Warburg Pincus, Goldman Sachs và Standard Chartered Private Equity nắm khoảng 64% vốn của MoMo...

Không chỉ doanh nghiệp nội lo lắng, mà cơ quan quản lý cũng đã nhìn thấy rủi ro. Theo Vụ Thanh toán (NHNN), việc nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn tại các trung gian thanh toán dẫn tới nguy cơ thị trường bị thao túng. Đây là lý do NHNN đề xuất đưa tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại trung gian thanh toán về 49% (thay vì thả nổi như hiện nay) vào Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.

Thời gian qua, trung gian thanh toán tại Việt Nam phát triển mạnh, song cũng đã phát sinh một số vấn đề, như chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, an ninh tiền tệ, hoạt động thanh toán quốc tế… Do đó, NHNN siết room sở hữu ở mức 49% là để khắc phục những hạn chế đó, với mục đích khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào trung gian thanh toán, song cũng phải đảm bảo an ninh tiền tệ và quản lý chặt chẽ việc cung ứng dịch vụ thanh toán, đồng thời giúp quản lý tốt các giao dịch thanh toán quốc tế, đặc biệt là các giao dịch có yếu tố đầu tư nước ngoài

- TS. Châu Đình Linh, chuyên gia kinh tế (Trường kinh doanh SSB)

NHNN cho rằng, trước hết, quy định trên sẽ tránh sự thao túng của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, bảo đảm an ninh, an toàn cho hoạt động ngân hàng - tài chính.

Thứ hai, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước nắm bắt được cơ hội.

Thứ ba, hầu hết các nước đều đưa ra giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này (tại Indonesia, Trung Quốc, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại trung gian thanh toán không vượt quá 20% vốn sở hữu, tại Malaysia là 30%…).

Việc NHNN dự định siết tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại được doanh nghiệp trong nước hưởng ứng, các chuyên gia ngân hàng tán thành, bởi việc này sẽ giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh, đồng thời cơ quan quản lý cũng có thể kiểm soát thị trường tốt hơn, tránh những rủi ro tiềm ẩn.

Sau hạ room là siết chặt kiểm soát

Nhận xét về động thái của NHNN, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách Bộ phận Dịch vụ tài chính - ngân hàng của Công ty EY Việt Nam cho rằng, đây là điều dễ hiểu và phù hợp với thông lệ các nước.

Ở các nước, vào giai đoạn đầu phát triển, khi còn nhỏ bé, trung gian thanh toán được tự do gọi vốn. Song khi thị trường đã phát triển đến quy mô nhất định, an ninh, an toàn hệ thống thanh toán có thể bị ảnh hưởng, thì cơ quan quản lý sẽ siết chặt hoạt động.

Trên thực tế, sự phát triển mạnh của công nghệ khiến hoạt động chuyển tiền thông qua các trung gian thanh toán chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay, bao gồm cả chuyển tiền xuyên biên giới. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không kiểm soát chặt hoạt động của các doanh nghiệp này, nhất là trung gian thanh toán có vốn đầu tư nước ngoài, thì nguy cơ trốn thuế, rửa tiền, chuyển tiền xuyên biên giới phi pháp… là khó tránh khỏi.

Chính NHNN cũng thừa nhận, hiện nay, việc quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chủ yếu giao dịch được thực hiện thông qua cổng thanh toán quốc tế và chuyển mạch qua các tổ chức thẻ quốc tế. Điều này cũng làm giảm sự cạnh tranh và tạo ra sự bất bình đẳng giữa các tổ chức cung ứng.

“Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển tiền xuyên biên giới (Western Union, Money Gram...) vào lãnh thổ Việt Nam hiện chưa có quy định pháp lý điều chỉnh như cấp phép, hiện diện thương mại..., nên có thể phát sinh một số vấn đề như trốn thuế, rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp. Ngân hàng Thế giới cũng đã có khuyến nghị về vấn đề này”, NHNN cho biết.

Một vấn đề nữa liên quan đến room sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là sở hữu gián tiếp. Một doanh nghiệp trung gian thanh toán cảnh báo, nếu không có quy định cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài sẽ lách luật để ôm trọn trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Đơn cử, các nhà đầu tư có thể góp vốn vào các doanh nghiệp, quỹ đầu tư tại Việt Nam, sau đó lại thông qua các quỹ này để góp vốn vào trung gian thanh toán trong nước. Câu chuyện này đã xảy ra ở rất nhiều ngành. Một khi khối ngoại chi phối được thị trường, doanh nghiệp trong nước rất khó có đất sống.

Tin bài liên quan