“Vi phạm pháp luật trên TTCK ngày càng tinh vi...”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận như vậy khi đánh giá về hiện trạng vi phạm trên TTCK. Từ năm 2007 - 2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã ban hành hơn 1.950 quyết định xử phạt hành chính, với tổng số tiền phạt hơn 116 tỷ đồng.
Trong khi các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK ngày càng tinh vi, phức tạp thì việc thu thập thông tin để phát hiện, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn do UBCK bị hạn chế về thẩm quyền. Điều này dẫn đến kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý còn hạn chế...
Đánh giá trên cũng nhận được sự đồng tình của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Tính chất vi phạm phức tạp trên TTCK phần nào thể hiện qua nhiều vụ thao túng giá chứng khoán, giao dịch có tính chất nội gián, giao dịch cổ phiếu “chui” bị UBCK phanh phui, xử phạt từ đầu năm 2019 đến nay.
Cụ thể, ngày 10/5/2019, UBCK đã phạt ông Chu Trường Giang, nguyên nhân viên môi giới Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á 600 triệu đồng, vì đã sử dụng 43 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu của Công ty cổ phần VT Vạn Xuân (VAT). Cùng với đó, UBCK thu hồi chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán của ông Giang…
Trước đó, ngày 29/3/2019, UBCK đã xử phạt bà Nguyễn Thị Nhung (Hùng Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng) 550 triệu đồng vì đã sử dụng 18 tài khoản để mua bán, tạo cung cầu giả tạo đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV)…
Riêng về giao dịch cổ phiếu “chui”, lợi dụng lợi thế thông tin để giao dịch, ngày 26/4/2019, Thanh tra UBCK xử phạt ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bê tông Biên Hòa (BHC) 27,5 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện hết khối lượng đăng ký.
Ông Sơn đăng ký mua 500.000 cổ phiếu BHC từ ngày 4/9/2018 đến ngày 24/9/2018 và đã khớp lệnh mua 259.465 cổ phiếu BHC. Tuy nhiên, đến ngày 1/10/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội mới nhận được báo cáo và giải trình về nguyên nhân không thực hiện hết khối lượng đăng ký mua của ông Sơn).
Ngày 8/4, UBCK đã ban hành quyết định xử phạt ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhôm Sông Hồng (NSH) 22,5 triệu đồng vì giao dịch không đúng thời gian đã đăng ký. Ông Kế đăng ký bán 1.800.000 cổ phiếu NSH từ ngày 19/7/2018 đến ngày 17/8/2018, nhưng lại bán toàn bộ lượng cổ phiếu này từ ngày 14/8/2018 đến ngày 29/8/2018...
Đề xuất thêm một cấp giám sát
Để ngăn chặn các hành vi vi phạm trên TTCK, Phó Chủ tịch UBCK Vũ Thị Chân Phương cho biết, trong dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến trong ít ngày tới sẽ đưa ra nhiều nội dung mới, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các bên có liên quan.
Thay vì hệ thống giám sát hai cấp (gồm sở giao dịch chứng khoán và UBCK) hiện tại, tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đề xuất mô hình giám sát ba cấp. Theo đó, cấp giám sát đầu tiên là công ty chứng khoán. Ở cấp này, trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng, nếu phát hiện những dấu hiệu nghi vấn, bất thường, công ty chứng khoán có trách nhiệm báo cáo với cấp giám sát thứ hai là sở giao dịch chứng khoán.
Trên cơ sở triển khai các biện pháp giám sát, sở giao dịch chứng khoán báo cáo, phối hợp với cấp giám sát thứ ba là UBCK để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Riêng Trung tâm Lưu ký chứng khoán, tuy không phải trực tiếp tham gia quá trình giám sát, nhưng có trách nhiệm cung cấp dữ liệu, thông tin cho UBCK để phân tích, xử lý vi phạm.
Câu hỏi đặt ra là công ty chứng khoán coi khách hàng là “Thượng đế”, vậy khi phát hiện nhà đầu tư vi phạm, liệu họ có trung thực báo cáo sở giao dịch chứng khoán, cơ quan quản lý để xử lý vi phạm không? Nếu công ty chứng khoán phát hiện khách hàng vi phạm, mà không thông tin cho tổ chức vận hành thị trường, nhà quản lý thì sẽ bị xử lý ra sao? Tính khả thi của cấp giám sát thứ nhất là công ty chứng khoán có khả thi? Bà Phương cho biết, quy định này được cơ quan soạn thảo đề xuất theo thông lệ quốc tế, cụ thể là tham khảo kinh nghiệm của các thị trường trong khu vực ASEAN, Liên minh châu Âu…
Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng như thao túng giá chứng khoán, theo bà Phương, đang gặp khó khăn do nhiều quy định hiện hành còn thiếu, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Điển hình là thẩm quyền của UBCK hạn chế trong thu thập thông tin với dòng tiền có nghi vấn về giao dịch thao túng giá chứng khoán...
“Để có bằng chứng xử lý vi phạm, chúng tôi phải chứng minh được các nhà đầu tư chuyển tiền cho nhau, trao đổi thông tin qua email, qua điện thoại. Để làm được việc này là rất khó khăn. Kinh nghiệm nhiều thị trường quốc tế cho thấy, để tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý TTCK thu thập chứng cứ để làm cơ sở kịp thời xử lý vi phạm, các nước trao nhiều quyền cho cơ quan quản lý TTCK, trong đó có cả quyền được nghe lén điện thoại.
Từ thông tin thu thập được, cơ quan quản lý TTCK phối hợp với cơ quan công an bóc băng nghe, thu thập chứng cứ. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lần này đưa ra nhiều đề xuất theo hướng trao thêm quyền cho cơ quan quản lý TTCK theo thông lệ quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả tranh, kiểm tra, xử lý vi phạm, đặc biệt là các hành vi vi phạm về giao dịch nội gián, thao túng chứng khoán…”, bà Phương cho hay.
Dự thảo Luật cũng bổ sung một số quyền cho UBCK như yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra; yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK; yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi bị cấm...
Sẽ nâng mức phạt lên 5 tỷ đồng và tịch thu khoản lời bất chính
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó chánh thanh tra UBCK
Để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường, điểm mới của bản dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi lần này là quy định mức phạt tối đa theo hướng: đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ..., mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Đối với các hành vi vi phạm khác, quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân…
Với đề xuất mới trên, ngoài việc bị tịch thu toàn bộ khoản thu lợi bất chính do vi phạm mà có, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xem xét xử phạt theo khoản thu trái pháp luật.
Mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần đối với cá nhân, được UBCK tính toán trên cơ sở căn cứ vào các chế tài xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, đồng thời đảm bảo tính khả thi, không quá cao trong mối tương quan so sánh với các ngành, lĩnh vực khác.
Theo ước tính của chúng tôi, mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức, tương đương khoảng 5 tỷ đồng, còn mức phạt 5 lần đối với cá nhân sẽ tương đương khoảng 2,5 tỷ đồng, nên đảm bảo khả thi.