Chặn tình trạng nhờ "người quen" đứng tên giao dịch cổ phiếu

Chặn tình trạng nhờ "người quen" đứng tên giao dịch cổ phiếu

(ĐTCK) “Để tránh các hiện tượng 'lách' nghĩa vụ công bố thông tin quy định tại Thông tư 52/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 52/2012, với nhiều nội dung mới…”, bà Tạ Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK cho biết.

“Nóng” nhiều câu hỏi

Nhiều câu hỏi liên quan đến nghĩa vụ minh bạch thông tin của doanh nghiệp niêm yết, cổ đông nội bộ tại doanh nghiệp, đã được nêu ra tại Hội thảo phổ biến Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán, do UBCK tổ chức sáng nay (30/9), tại Hà Nội.

Giải đáp thắc mắc, khi doanh nghiệp công bố thông tin qua Hệ thống công bố thông tin IDS của UBCK, sau đó phát hiện lỗi chính tả, doanh nghiệp vào hệ thống chỉnh sửa lại lỗi này (không làm thay đổi nội dung thông tin công bố), nhưng hệ thống tự động ghi nhận thời điểm chỉnh sửa là thời điểm công bố thông tin, như vậy doanh nghiệp có bị coi là công bố thông tin chậm hay không, có bị xử phạt không, bà Bình cho biết, thời hạn công bố thông tin tính từ thời điểm doanh nghiệp công bố thông tin lần đầu, nên doanh nghiệp không bị coi là chậm công bố thông tin.

Trả lời câu hỏi một công ty đại chúng có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 51% cổ phần, thường khi họp ĐHCĐ, thì biên bản và nghị quyết được lập bằng tiếng Anh, vậy có phải dịch sang tiếng Việt để công bố thông tin hay không, bà Bình cho biết, theo quy định thì doanh nghiệp phải công bố thông tin bằng tiếng Việt, đồng thời khuyến khích công bố bằng tiếng Anh.

Giải đáp thắc mắc, khi lập báo cáo tài chính mà doanh nghiệp các khoản mục bằng ngoại tệ, thì có phải chuyển đổi sang tiền đồng hay không, việc công bố thông tin này như thế nào, bà Bình cho biết, vấn đề này được quy định tại các văn bản pháp lý về kế toán. Tuy nhiên, trên khía cạnh công bố thông tin, thì các doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính bằng tiền đồng, sau đó công bố thông tin bằng tiếng Việt. Như đã chia sẻ, cơ quan quản lý khuyến khích doanh nghiệp công bố thông tin cả bằng tiếng Anh.

Siết nghĩa vụ minh bạch thông tin

Liên quan đến quan ngại hiện nay có tình trạng nhiều cổ đông nội bộ tại doanh nghiệp nhờ người nhà, người quen đứng tên giao dịch cổ phiếu để “lách” quy định tại Thông tư 52/2012, bà Bình cho biết, để ngăn ngừa tình trạng này, tại dự thảo thông tư thay thế Thông tư 52/2012 mà UBCK đang hoàn tất ở giai đoạn cuối để trình Bộ Tài chính ban hành trong thời gian tới, có đưa ra nhiều giải pháp.

Trong đó có việc thay đổi khái niệm cổ đông nội bộ bằng người nội bộ tại doanh nghiệp. Với khái niệm mới này cho phép bao trùm hơn các chức danh quản lý và tương đương tại doanh nghiệp.

Chẳng hạn với quy định hiện hành, thì cổ đông nội bộ bao gồm thành viên HĐQT, ban kiểm soát, kế toán trưởng… Tuy nhiên, thực tế cho thấy để “lách” quy định về nghĩa vụ công bố thông tin, các doanh nghiệp “ẩn” các chức danh trên dưới dạng giám đốc tài chính (tên gọi khác của kế toán trưởng tại nhiều doanh nghiệp), hay giám đốc các khối nghiệp vụ…

Ngoài quy định cụ thể nguyên tắc phải công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, một điểm mới nữa của dự thảo thông tư thay thế Thông tư 52/2012 là với trường hợp phải công bố thông tin bất thường, thì thời hạn công bố là 24 giờ kể từ khi xảy ra sự kiện, sự việc, thay vì 72 giờ như hiện tại.

Trong trường hợp sự kiện, sự việc bất thường xảy ra vào ngày lễ, tết, thì doanh nghiệp có trách nhiệm đăng tải thông tin trong vòng 24 giờ lên website của công ty, sau đó sẽ công khai trên các phương tiện công bố thông tin của Sở GDCK, UBCK…

Một điểm mới nữa tại dự thảo thông tư, theo bà Bình là làm rõ khái niệm ngày hoàn tất giao dịch, để làm mốc cho tính thời điểm các đối tượng có liên quan phải công bố thông tin. Theo đó ngày hoàn tất giao dịch là hoàn tất thành toán (T+3) hoặc hoàn tất chuyển quyền sở hữu chứng khoán qua Trung tâm Lưu ký. 

Tin bài liên quan