Tình trạng sở hữu chéo, cho vay sân sau tại ngân hàng còn phức tạp

Tình trạng sở hữu chéo, cho vay sân sau tại ngân hàng còn phức tạp

Chặn thao túng ngân hàng nhìn từ vụ Vạn Thịnh Phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự việc cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan thao túng và “rút ruột” Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) số tiền lên tới 304.000 tỷ đồng cho thấy công tác quản lý hoạt động tín dụng còn tồn tại kẽ hở, cần phải được kiểm soát và điều chỉnh kịp thời.

Sở hữu chéo, cho vay sân sau còn phức tạp

Tại kết luận điều tra vụ án tham ô tài sản, vi phạm hoạt động ngân hàng, đưa hối lộ, nhận hối lộ… xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) nhận định, bị can Trương Mỹ Lan đã thao túng, lũng đoạn hoàn toàn SCB để phục vụ mục đích cá nhân.

Từ tháng 12/2011, bằng cách nhờ người đứng tên sở hữu cổ phần, bà Trương Mỹ Lan đã nắm giữ 81,43% cổ phần Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ) dưới tên của 32 cổ đông; 98,74% cổ phần Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa dưới tên của 36 cổ đông và 80,46% cổ phần Ngân hàng TMCP Đệ Nhất dưới tên của 24 cổ đông.

Sau khi 3 ngân hàng này được hợp nhất vào ngày 10/1/2012 với tên gọi là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), bà Trương Mỹ Lan tiếp tục nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu 85,606% cổ phần SCB, đồng thời trực tiếp đứng tên cổ phần tại SCB để đạt tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này lên tới 91,545% vào ngày 1/1/2018.

Tính đến tháng 10/2022, SCB có vốn điều lệ hơn 15.200 tỷ đồng (tương ứng 1,523 tỷ cổ phần), với tổng số 4.129 cổ đông. Trong đó, bà Trương Mỹ Lan sở hữu, chi phối 1,394 tỷ cổ phần (chiếm 91,536% vốn điều lệ SCB), bao gồm trực tiếp sở hữu gần 75,89 triệu cổ phần (4,98%), số còn lại do 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ.

Với vai trò là cổ đông chính, dù không giữ chức vụ, không tham gia quản trị hay điều hành SCB, nhưng thông qua những người thân tín tại SCB, bị can Trương Mỹ Lan vẫn có thể chi phối, lũng đoạn hoạt động của ngân hàng này, biến ngân hàng thành công cụ tài chính để huy động vốn rồi chiếm đoạt.

Kết luận điều tra xác định, từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các lãnh đạo chủ chốt của SCB và các nhân sự tại một số công ty trong hệ sinh thái 1.000 công ty con, công ty liên kết của Vạn Thịnh Phát (trong đó có nhiều công ty “ma”) lập khống 916 hồ sơ vay vốn để rút tiền, chiếm đoạt của SCB số tiền hơn 304.000 tỷ đồng, làm phát sinh lãi hơn 129.000 tỷ đồng, gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân chính khiến SCB mất thanh khoản, dư nợ tín dụng rất lớn không có khả năng thu hồi, vốn chủ sở hữu âm 443.769 tỷ đồng.

“Đây là tổ chức tội phạm có quy mô rất lớn, hoạt động hết sức tinh vi, xảo quyệt, hậu quả mà tổ chức tội phạm này gây ra là đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế”, kết luận nêu rõ.

Để “lách” quy định của Luật Các tổ chức tín dụng về việc cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ một ngân hàng, bà Trương Mỹ Lan đã “núp bóng sở hữu” thông qua hàng loạt cá nhân, tổ chức khác.

Để tránh sự kiểm soát của cơ quan quản lý cấp trên, bị can còn lập đơn vị có chức năng cho vay riêng đối với các khoản vay của mình. Điểm khác biệt của các đơn vị này là thuộc quản lý của hội sở, không có con dấu riêng mà dùng dấu của đơn vị khác, không có bộ phận kho quỹ riêng. Các khoản vay có giá trị rất lớn nhưng đa số được giải ngân trước, hợp thức hồ sơ sau; tài sản đảm bảo giống nhau, được ký hiệu riêng để không cần thẩm định khách hàng, không thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn…

Trong quá trình này, bị can Trương Mỹ Lan đã thao túng công ty thẩm định giá để nâng khống tài sản, đưa tài sản không đủ pháp lý vào thế chấp; đồng thời mua chuộc, đưa hối lộ cho một số cán bộ cơ quan quản lý nhà nước để những người này làm trái công vụ, tiếp tay cho các bị can thực hiện hành vi phạm tội. Trong đó, bà Đỗ Thị Nhàn, nguyên Trưởng đoàn thanh tra liên ngành Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 5 triệu USD.

Cần nâng cao vai trò giám sát và giám sát lại

Ngày 18/9/2023, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, “sở hữu chéo, sân trước - sân sau” trong hoạt động ngân hàng là những hạn chế được Quốc hội, Chính phủ quan tâm và yêu cầu sớm xây dựng cơ sở pháp lý điều chỉnh, xử lý.

Trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đang diễn ra, Thống đốc cho biết, cơ quan soạn thảo tiếp tục có những điều chỉnh nhằm siết chặt hơn các quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần; cấm cho vay “nội bộ”, người có liên quan và siết hạn mức dư nợ cấp tín dụng… để bịt các “kẽ hở” sở hữu chéo; lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.

Theo đó, dự thảo Luật giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông cá nhân tại ngân hàng từ 5% xuống 3% vốn điều lệ (sau đó khôi phục lại mức 5% tại dự thảo mới nhất trình Quốc hội chiều ngày 23/11 vừa qua), tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông là tổ chức không quá 10% (quy định hiện tại là 15%). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng…

Các chuyên gia kinh tế nhận xét, dự thảo Luật đã có bước tiến đáng kể trong việc nỗ lực nâng cao tính đại chúng, minh bạch, xử lý các lỗ hổng về sở hữu chéo, hạn chế khả năng một cá nhân hoặc một tổ chức có thể ảnh hưởng tới quyết định cấp tín dụng của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nhìn vào vụ Vạn Thịnh Phát thì thấy rằng, những điều chỉnh này chưa thực sự bịt được sơ hở, thiếu sót để ngăn chặn sở hữu chéo và thao túng ngân hàng.

Trong một phát biểu mới đây, TS. Lê Đạt Chí - Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận xét, các quy định về tỷ lệ sở hữu trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chưa thể ngăn chặn hoàn toàn sở hữu chéo, đầu tư chéo tại các ngân hàng bởi hệ sinh thái các công ty “ma”, các cá nhân đứng thay cổ phần sẽ tăng lên hơn trước, tinh vi hơn trước.

Đưa ra kiến nghị, ông Chí cho rằng, cần tăng trách nhiệm đối với thành viên hội đồng quản trị của các ngân hàng. Đồng thời, thành viên hội đồng quản trị độc lập được Ngân hàng Nhà nước đề cử tham gia vào các ngân hàng để giám sát và phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường, thường xuyên luân chuyển cán bộ để sớm phát hiện sai sót hay bao che trong các hợp đồng vay vốn.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng đề xuất, cần trao cho Ngân hàng Nhà nước quyền điều tra hoạt động của ngân hàng thương mại, nếu phát hiện có “sở hữu ngầm” vượt quá tỷ lệ cho phép thì Ngân hàng Nhà nước được phép tịch thu khoản sở hữu ngầm đó. Nếu không, cần phải có quy định quản lý hoạt động ngân hàng bám sát tỷ lệ sở hữu, chẳng hạn cổ đông sở hữu 50% chỉ được cho vay một khách hàng không quá 5% vốn tự có của ngân hàng, sở hữu 90% chỉ được cho vay một khách hàng không quá 1%...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đoàn đại biểu Đồng Nai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) nhìn nhận, vụ án đặc biệt nghiêm trọng này có trách nhiệm rất lớn của một số cơ quan chức năng khi thực hiện vai trò quản lý nhà nước đã không làm tròn trách nhiệm, thậm chí một số cán bộ thoái hóa, biến chất khi thực thi công vụ có hành vi tham nhũng.

Theo ông Long, cơ chế kiểm soát ngược đối với những cơ quan, cán bộ thực thi nhiệm vụ hiện rất kém. Từ vụ Vạn Thịnh Phát có thể nhìn ra “kẽ hở” từ quá trình thanh tra nhưng không đi kèm với đối chiếu kết quả thanh tra, giám sát nhưng không có giám sát lại. Đây là nguy cơ rất lớn bởi kết quả thanh tra đúng hay sai có thể sửa đổi bởi chính đoàn thanh tra đó.

Cùng góc nhìn, ông Trịnh Xuân An - đại biểu chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, vụ Vạn Thịnh Phát - SCB là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đặt ra cho chúng ta nhiều bài học về xây dựng chính sách, đặc biệt là Luật Các tổ chức tín dụng đang được bổ sung, sửa đổi; về phòng ngừa, kiểm soát, xử lý từ sớm, từ xa; về kiểm soát quyền lực cán bộ và cuối cùng là bài học cho nhiệm vụ lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo ông An, Quốc hội đã quyết định lùi thông qua dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng đến kỳ họp sau, đây là cơ hội để rà soát chỉnh lý hoàn thiện Luật.

“Bên cạnh hoàn thiện pháp lý, chúng ta phải có một hệ thống cảnh báo thực sự khoa học, chuẩn mực, phải thiết kế một mô hình giám sát, kiểm tra đủ mạnh, có thể độc lập hoặc nằm trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước để phòng ngừa từ xa. Đồng thời, cần áp dụng hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn thế giới. Đây cũng là cơ hội để chúng ta thanh lọc lại hệ thống các tổ chức tín dụng”, ông An nhấn mạnh.

Tin bài liên quan