Chặn quảng cáo xuyên biên giới lộng hành

0:00 / 0:00
0:00
Từ ngày 15/9, khi Nghị định 70/2021/NĐ-CP có hiệu lực, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, Netflix, TikTok... buộc phải tuân thủ các quy định khi cung cấp dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam.

Trốn tránh nghĩa vụ

Các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới lâu nay vẫn hoạt động ngoài vòng kiểm soát với doanh thu, lợi nhuận khủng. Báo cáo Vietnam Digital Marketing Trends dự báo, năm 2021, mức doanh thu quảng cáo trực tuyến của Việt Nam sẽ đạt khoảng 955,7 triệu USD, trong đó đến 80% “miếng bánh” này rơi vào túi Google, Facebook, TikTok...

Điều đáng nói, các nền tảng xuyên biên giới này hoạt động tại Việt Nam, nhưng không thiết lập văn phòng đại diện, đặt máy chủ, nhằm đùn đẩy nghĩa vụ đóng thuế cho nhà thầu, tránh sự quản lý của Nhà nước.

Chưa kể, các nền tảng xuyên biên giới cho phép quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam như: quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bị cấm (cờ bạc, cá độ bóng đá); quảng cáo sản phẩm, dịch vụ tài chính bất hợp pháp (tín dụng đen, mua bán tiền điện tử bất hợp pháp); quảng cáo thực phẩm (thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng). Nội dung của nhiều quảng cáo trực tuyến còn nhảm nhí, không đúng sự thật, thổi phồng công dụng quá mức...

Đặc biệt, họ còn làm ngơ để dùng các nội dung có bản quyền của các cơ quan báo chí, kênh truyền hình, phim truyện, nhạc, tranh để câu view, thu hút người xem, tạo tương tác để thu lợi từ quảng cáo.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần cảnh báo hoạt động quảng cáo trên không gian mạng tại Việt Nam xuất hiện khá nhiều sai phạm, đặc biệt là hoạt động quảng cáo thông qua các mạng lưới quảng cáo (Ad Network) xuyên biên giới như Google Adsense, MGID, AdAsia, AdChoices, Advernative, Dable, AdBro... Thế nhưng, việc xử lý đối với các nền tảng là rất khó khăn.

Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý quảng cáo trực tuyến, nhưng quảng cáo xuyên biên giới lại do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý, do đó, việc phát hiện, giám sát, loại bỏ quảng cáo sai phạm còn chồng chéo, chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Buộc “ông lớn” xuyên biên giới tuân thủ

Đánh giá về Nghị định 70, luật sư Vũ Hoài Phan, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, nghị định này được kỳ vọng sẽ bịt các lỗ hổng trong quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới, góp phần ngăn chặn quảng cáo không phép, vi phạm pháp luật, phản cảm đang lộng hành. Đồng thời, đưa quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới vào khuôn khổ pháp luật, quản lý, kiểm duyệt nội dung trên một cách hiệu quả.

Tại Nghị định 70, Chính phủ yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng như của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đồng thời, họ cũng phải cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng.

Người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với bên cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có quyền yêu cầu không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm theo Luật An ninh mạng và Luật Sở hữu trí tuệ. Không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được thông báo vi phạm pháp luật.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Nghị định 70 nhằm siết quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook... đem lại sự công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cho các cơ quan báo chí truyền thông, sản xuất nội dung.

Điểm đáng chú ý tại nghị định này là các doanh nghiệp, nhãn hàng hay đại lý quảng cáo sẽ không được quảng cáo nội dung trên các nền tảng mà Bộ Thông tin và Truyền thông công bố là có nội dung vi phạm pháp luật. Các nền tảng xuyên biên giới sẽ phải chịu trách nhiệm ngăn quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật. Ví dụ, một video clip đăng tải trên YouTube vi phạm pháp luật thì YouTube sẽ không được gắn quảng cáo hợp pháp của các nhãn hàng, doanh nghiệp vào clip này.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng, việc ban hành Nghị định 70 là cần thiết, nhưng chưa phải là toàn diện, trong khi Luật Quảng cáo, Nghị định 181/2013/NĐ-CP ban hành đã 8 năm cũng bộc lộ một số điểm hạn chế chưa phù hợp với tình hình phát triển mới của quảng cáo Việt Nam và thế giới. Từ đó, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ và Quốc hội cho phép sửa đổi, điều chỉnh toàn diện Luật Quảng cáo 2012 để ngành công nghiệp quảng cáo Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Một số điểm mới của Nghị định 70/2021/NĐ-CP

Các đơn vị sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định có quảng cáo vi phạm thì phải xử lý. Nếu không xử lý và không có lý do chính đáng, Bộ sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn những quảng cáo này.

Trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam sẽ thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn.

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông báo đến Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh. Trong các nội dung yêu cầu có thông tin về địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có), đầu mối liên hệ.

Tin bài liên quan