Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, hai năm nay, ngành chăn nuôi tăng trưởng khá. Đặc biệt, 10 tháng đầu năm 2015, có những sản phẩm chăn nuôi tăng 1,5 lần so với năm ngoài. Điều này cho thấy, ngành chăn nuôi vẫn đang phát triển. Tuy nhiên, ông Vân cũng thừa nhận, ngành chăn nuôi có nhiều tồn tại cơ bản, cố hữu đòi hỏi phải khắc phục, nhất là khi TPP sắp được ký kết.
Trước đó, khi Hiệp định TPP hoàn tất đàm phán, nhiều chuyên gia lo ngại, ngành chăn nuôi trong nước là ngành đứng trước rủi ro lớn nhất và có nguy cơ bị nhấn chìm.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, đối với TPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung mà Việt Nam đã và đang đàm phán, mặt hàng nông nghiệp bao giờ cũng được Chính phủ đưa ra lộ trình giảm thuế lâu nhất so với các ngành khác.
Đối với TPP và FTA Việt Nam – EU, lộ trình cắt giảm thuế quan với ngành chăn nuôi là 10 năm. Điều đó có nghĩa, sớm nhất đến năm 2028, thuế nhập khẩu với sản phẩm chăn nuôi mới về 0%.
Cũng theo ông Khanh, từ khi Việt Nam gia nhập WTO (năm 2007) đến nay, Việt Nam đã ký kết thêm hàng loạt FTA, điều này khiến nhập khẩu tăng lên, song xuất khẩu cũng tăng lên.
Ở khía cạnh khác, theo ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội chăn nuôi Việt Nam, với giá thành thức ăn chăn nuôi luôn cao hơn khu vực như hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước là rất khó. Ông Trúc đề nghị, phải đưa giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước ít nhất phải về mức ngang bằng với khu vực.
Liên quan đến chủ đề này, ông Lê Bá Lịch – Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay đang là sinh kế của 11,3 triệu hộ nông nghiệp với khoảng 55-58 triệu người, chiếm 60 - 63% dân số năm 2014. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi chủ yếu quy mô nhỏ, chủ yếu vào vốn vay trong khi lãi suất vay hiện đang cao gấp đôi so với khu vực, dẫn đến năng lực cạnh tranh kém.
Cũng theo ông Lịch, hiện Việt Nam vẫn phụ thuộc 60% nguyên liệu nhập khẩu nên rất khó giảm giá thành. Trong khi đó, trong chiến lược phát triển nông nghiệp của Bộ NN&PTNT vẫn chưa thấy cơ cấu cây trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong quỹ đất canh tác nông nghiệp.
Theo ông Lịch, ngành chăn nuôi Việt Nam có thế mạnh là các sản phẩm nội địa như thịt, trứng, sữa tươi nóng tại chỗ; nuôi trong nông hộ nên giá thành thấp hơn. Song mặt yếu của sản phẩm chăn nuôi nội địa là còn sử dụng chất cấm, chất kháng sinh; quá ít trang trại quy mô lớn; Nhà nước chưa có chính sách khuyến khích trang trại chăn nuôi xuất khẩu.