Thông tư 07 được đánh giá sẽ hướng dòng tiền cho vay ký quỹ của các CTCK đi theo đúng chuẩn

Thông tư 07 được đánh giá sẽ hướng dòng tiền cho vay ký quỹ của các CTCK đi theo đúng chuẩn

Chặn margin dưới chuẩn, công ty chứng khoán nào bị ảnh hưởng?

(ĐTCK) Quy định CTCK không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba trong Thông tư số 07/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa được ban hành, được nhiều chuyên gia nhìn nhận sẽ chặn dòng tiền cho vay dưới chuẩn của các CTCK. 

Điều này được đánh giá sẽ có tác động nhiều nhất đến CTCK có quy mô nhỏ.

Trao đổi với ĐTCK, ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritime (MSI) cho rằng, mục đích của cơ quan quản lý khi ban hành Thông tư 07 là minh bạch hóa hoạt động margin, hướng dòng tiền của các CTCK chảy vào các mã cổ phiếu trong danh sách được phép cho vay đúng chuẩn.

“Phải nhìn nhận một thực tế là tổng cung tiền trên thị trường hoàn toàn không thay đổi, nghĩa là cung tiền vào TTCK không thay đổi, có chăng chỉ ảnh hưởng đến cơ chế giải ngân, mà cụ thể ở đây là sẽ ảnh hưởng đến những mã cổ phiếu margin đang được áp dụng dưới hình thực hợp đồng ba bên”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, trên thị trường hiện đang tồn tại 2 hình thức margin chính: Thứ nhất là margin chuẩn (theo đúng quy định về mã cổ phiếu và tỷ lệ cho vay, hoạt động này chiếm tỷ trọng rất lớn). Thứ hai là một số CTCK “lách luật” áp dụng cho nhà đầu tư vay ký quỹ đối với các cổ phiếu không nằm trong danh mục cho phép, hay cho vay vượt quá tỷ lệ 50% theo quy định dưới dạng hợp đồng hợp tác ba bên, giữa ngân hàng thương mại, CTCK và nhà đầu tư. Ở giai đoạn hiện tại, những CTCK áp dụng theo những hình thức cho vay thứ hai không nhiều.

Theo ông Huy, đối với những CTCK có tiềm lực vốn lớn hầu như không bị ảnh hưởng, chỉ là các CTCK sẽ phải thay đổi cách giải ngân đối với một số hình thức margin tạm gọi là chưa chuẩn. Trong khi đó, với những CTCK nhỏ sẽ ít nhiều chịu tác động của Thông tư 07.

Trong thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu khách hàng cũng là để gia tăng thị phần môi giới, một số CTCK cũng đã liên kết với các ngân hàng để tăng nhu cầu margin cho khách hàng. Và với việc siết nguồn vốn từ phía ngân hàng, các CTCK có thể lại phải sử dụng thêm “thủ thuật” để hợp lý hóa nguồn tiền cho vay. Các ngân hàng có thể trực tiếp cho vay khách hàng, với tài sản đảm bảo là tiền gửi của CTCK, song vẫn yêu cầu gửi trực tiếp vào trong ngân hàng rồi dùng tài sản đó làm tài sản bảo lãnh.

Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc với Thông tư 07, CTCK sẽ không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc của khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba liệu có “siết” dòng vốn vào TTCK, ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc CTCK ACBS cho biết, điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

“UBCK nhắm đến mục tiêu tăng cường tính minh bạch trong hoạt động huy động và tài trợ ký quỹ của CTCK, nhằm giảm thiểu rủi ro hoạt động của khối doanh nghiệp trung gian của TTCK. Về nguồn vốn, chỉ một số nhỏ CTCK huy động từ bên thứ ba và hoàn toàn có thể chuyển đổi hình thức huy động thành phát hành trái phiếu”, ông Cần nói và cho biết, các CTCK không bị ảnh hưởng về nguồn vốn, chỉ phải quản lý tài trợ ký quỹ chặt hơn và bản thân ACBS không tham gia hoạt động hợp tác với bên thứ ba nên không bị ảnh hưởng. 

Là một trong những CTCK có tỷ lệ margin cao, CTCK VNDirect cho biết, Thông tư 07 chưa tác động nhiều đến thị trường nói chung và VNDirect nói riêng. Hiện Công ty đang duy trì tỷ lệ cho vay cao nhất là 50% theo quy định, nhưng đối với một số mã, khi giá cổ phiếu tăng mạnh thì Công ty sẽ có sự điều chỉnh giảm tỷ lệ cho vay phù hợp nhằm hạn chế sức mua, tránh rủi ro khi thị trường đột ngột đảo chiều.

Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá về sự cần thiết của Thông tư 07, vẫn có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần hỗ trợ CTCK nâng cao năng lực quản trị, thay vì đưa ra quá nhiều những quy định cấm đoán trong hoạt động. Bởi nếu bị cấm đoán quá, rất dễ dẫn đến tình trạng CTCK “lách luật”.

“Một khi các công ty đi bằng đường vòng thì còn khó đánh giá nguy cơ hơn”, đại diện một CTCK nói.

Tin bài liên quan