Ngày 4/10/2024, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 - 13 năm tù tội Rửa tiền, 8 - 9 năm tù tội Vận chuyển trái phép tiền tệ, tổng hình phạt là chung thân.

Ngày 4/10/2024, Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan mức chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 12 - 13 năm tù tội Rửa tiền, 8 - 9 năm tù tội Vận chuyển trái phép tiền tệ, tổng hình phạt là chung thân.

Chặn đứng tội phạm “cổ cồn trắng” câu kết quan tham - Bài 3: “Nâng tầm” thủ đoạn đáng sợ

0:00 / 0:00
0:00
Tội phạm “cổ cồn trắng” đã “nâng tầm” thủ đoạn làm ăn phi pháp, sẵn sàng bất chấp để đạt được mục đích kiếm tiền.

Bài 3: “Nâng tầm” thủ đoạn đáng sợ

Dùng mối quan hệ cấp cao để áp xuống cấp cơ sở; dùng thủ đoạn khiến quan tham nhận hối lộ mà “không nhận ra”, rồi “mất sức đề kháng”; điều khiển cả lực lượng thực thi pháp luật đổi trắng thay đen; tẩu tán tài sản và “lặn” ra nước ngoài… Các hành vi trên cho thấy, tội phạm “cổ cồn trắng” đã “nâng tầm” thủ đoạn, sẵn sàng bất chấp để đạt được mục đích.

Lũng đoạn cả hệ thống chính trị cơ sở

“Đây là hành vi rất nguy hiểm, là loại tội phạm mới, không chỉ gây thiệt hại đối với tài sản của Nhà nước, nhân dân, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị, làm xấu hình ảnh của Đảng, của chính quyền”. Đó là lời của Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành (Bộ Công an) khi ông trực tiếp thụ lý vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) do Nguyễn Văn Hậu (biệt danh Hậu “pháo”) làm Chủ tịch HĐQT.

Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (tại tỉnh Lâm Đồng).
Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (tại tỉnh Lâm Đồng).

Theo điều tra, đầu tiên, Hậu “pháo” nã “đạn bọc đường” vào tầng tầng, lớp lớp lãnh đạo chính quyền cơ sở nhiều địa phương.

Điển hình là Nguyễn Văn Khước (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc); Chu Quốc Hải (cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc); Hoàng Văn Nhiệm (cựu Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc) và Cao Đại Nghĩa (cựu Phó trưởng phòng Giá đất, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã “dính đạn bọc đường”, rồi tạo điều kiện cho Công ty Bất động sản Thăng Long của Hậu “pháo”, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 200 tỷ đồng.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Hậu “pháo” để giúp Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu gói thầu thi công tuyến chính Dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc; nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh nhận tiền để cho doanh nghiệp của Hậu “pháo” thực hiện Dự án Chợ đầu mối Vĩnh Tường.

Ngay cả nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cũng “ăn” hàng tỷ đồng của Hậu “pháo”.

Đó là chưa nói tới hàng loạt quan chức như Cao Khoa (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi); Đặng Văn Minh (nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)… đều bị khởi tố tội nhận hối lộ.

Các quan chức, cựu quan chức đã giúp sức cho Nguyễn Văn Hậu (Hậu “pháo”), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn.

Các quan chức, cựu quan chức đã giúp sức cho Nguyễn Văn Hậu (Hậu “pháo”), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn.

Không chỉ vậy, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành cho biết, Hậu “pháo” còn “sử dụng mối quan hệ thân thiết với người có quyền hạn, chức vụ cao để gây tác động, ảnh hưởng đến chính quyền cơ sở nhằm trục lợi”.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô (hiện là Trợ lý Tổng Bí thư), ở đại án này, quan tham dù bị tấn công bằng “đạn bọc đường”, nhưng lại “không phát hiện ra, để lượng đường trong máu cao, gây ra suy giảm miễn dịch, mất sức đề kháng...”.

Bởi vậy, hàng loạt quan tham tại nhiều tỉnh, thành phố đã “răm rắp” dùng quyền công giao dự án “khủng” để giúp Tập đoàn Phúc Sơn “lớn nhanh như thổi”.

Cụ thể, năm 2010, Phúc Sơn mới có vốn điều lệ hơn 129 tỷ đồng, chỉ là doanh nghiệp tư nhân cấp huyện, nhưng từ năm 2015, tập đoàn này bỗng “vươn mình mạnh mẽ”, được giao tới 21 dự án khắp cả nước, với tổng vốn đầu tư 40.000 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Khu đô thị Bàu Giang của Hậu “pháo” liên tiếp báo lỗ, nhưng năm 2022 vẫn được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao đầu tư Dự án Khu đô thị Bàu Giang (trị giá 3.318 tỷ đồng).

Thậm chí, kể cả khi Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng các dự án trung tâm hành chính, nhưng năm 2016, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn giao Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện Dự án Trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang.

Chỉ mới điều tra 2 dự án ở Vĩnh Phúc, Bộ Công an đã phát hiện Tập đoàn Phúc Sơn trốn thuế, gây thiệt hại hơn 640 tỷ đồng.

Điều khiển lực lượng thực thi pháp luật đổi đen thành trắng

Khi bị phanh phui sai phạm, tội phạm “cổ cồn trắng” còn “nã tiền” để điều khiển cán bộ cơ quan hành pháp thay đổi cả bản chất vụ việc. Điển hình là đại án tại Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (Dự án Khu đô thị Đại Ninh) do Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh thực hiện.

Tháng 6/2020, Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra số 929/KL/TTCP đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi Dự án, do để rừng bị phá, lấn chiếm hơn 368 ha, chậm tiến độ nhiều năm...

Sau 4 lần doanh nghiệp gửi đơn, Thanh tra Chính phủ lập tổ công tác kiểm tra, rồi ban hành Kết luận số 1033/KL-TTCP rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất, thậm chí còn đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục giãn tiến độ, điều chỉnh và gia hạn cho Dự án.

Tổ công tác tiến hành thanh tra dẫn tới thay đổi trên gồm Lê Quốc Khanh (Phó cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ); Hoàng Văn Xuân, Nguyễn Nho Định (thanh tra viên Cục II, Thanh tra Chính phủ) và Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh thanh tra tỉnh Lâm Đồng (đã bị bắt để điều tra về tội nhận hối lộ).

Liên quan vụ việc này, mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Thanh tra Chính phủ giải quyết đơn trái luật; kiến nghị cho Dự án Khu đô thị Đại Ninh được giãn tiến độ, gia hạn sử dụng đất trái quy định; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Bộ Chính trị kỷ luật hình thức cảnh cáo đối với ông Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng thanh tra Chính phủ do đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và ngành thanh tra.

Hành vi “vươn tầm thế giới”

Ở đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, sau khi chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng cùng với 445.748 tỷ đồng tham ô của Ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã giao 85 công ty chuyển tiền từ Việt Nam đi nước ngoài và 63 công ty nhận tiền từ các công ty nước ngoài chuyển về Việt Nam thông qua SCB.

Sau đó, các công ty tại Việt Nam và nước ngoài lập khống các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp… để giúp Trương Mỹ Lan vận chuyển tiền trái phép qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD.

Ở đại án này, có 5 cựu lãnh đạo SCB sau khi “ăn đủ” đã xuất cảnh ra nước ngoài cư ngụ.

Tương tự, ở đại án Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng thoát ra nước ngoài trước khi vụ án khởi tố.

Dù cơ quan chức năng kêu gọi tự thú, phát lệnh truy nã, dù “thế giới phẳng”, tất cả vẫn mất dạng. Bởi, tội phạm “cổ cồn trắng” vốn có trình độ, nên hiểu khó khăn của cơ quan chức năng Việt Nam trong việc yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ.

Như vậy, hành vi của tội phạm “cổ cồn trắng” khu vực kinh tế tư nhân đã “vươn tầm thế giới”.

Thực tế này buộc cơ quan chức năng Việt Nam cần có giải pháp trong hợp tác tương trợ tư pháp với các quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay luôn tiềm ẩn nguy cơ tội phạm trốn ra nước ngoài, tẩu tán tài sản…

Đột tử đúng vào giai đoạn mấu chốt của vụ án

Đây cũng là sự việc gây chấn động ở đại án Vạn Thịnh Phát. Ngày 29/10/2022, tức 22 ngày sau khi Bộ Công an bắt Trương Mỹ Lan (ngày 7/10/2022), người phát ngôn Bộ Công an thông tin, có bị can và một số người liên quan đột tử. Việc này gây thêm một vài khó khăn cho công tác điều tra, song với quyết tâm của lực lượng thực thi pháp luật, thì “bản chất sẽ được làm rõ, pháp luật sẽ được thực thi nghiêm minh”.

Những người đột tử đúng vào giai đoạn mấu chốt của vụ án, cũng là những nhân vật “chủ chốt” giúp sức tích cực cho Trương Mỹ Lan gồm Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng giám đốc SCB), Nguyễn Tiến Thành (thành viên HĐQT Ngân hàng SCB, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Tân Việt), Nguyễn Ngọc Dương (Tổng giám đốc Tập đoàn Sài Gòn Peninsula). Tòa án Nhân dân TP.HCM không xem xét được trách nhiệm hình sự với cá nhân đã chết, nhưng vẫn xác định được hành vi sai phạm gây thiệt hại và phong tỏa tài sản để đảm bảo thi hành án.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan