Chặn đứng những liên minh “ma quỷ” làm suy tàn Đất nước - Bài 3: Lôi ra ánh sáng những cái “bắt tay” dưới gầm bàn

0:00 / 0:00
0:00
Những cuộc “đi đêm”, những cái “bắt tay” bẩn dưới gầm bàn nhằm trục lợi tiền bạc của Nhà nước và nhân dân ắt sẽ bị lôi ra ánh sáng.
Trước “ma lực” của đồng tiền, không ít cán bộ, quan chức đã bất chấp pháp luật, “bắt tay” cá nhân, tổ chức làm ăn bất chính để bỏ qua, làm ngơ, tiếp tay cho các vi phạm, tội phạm

Trước “ma lực” của đồng tiền, không ít cán bộ, quan chức đã bất chấp pháp luật, “bắt tay” cá nhân, tổ chức làm ăn bất chính để bỏ qua, làm ngơ, tiếp tay cho các vi phạm, tội phạm

Bài 3: Lôi ra ánh sáng những cái “bắt tay” dưới gầm bàn

Cho đến trước khi tra tay vào còng số 8, nhiều cán bộ các cấp đều quả quyết trong sạch, có những phát ngôn, chỉ đạo hùng hồn về chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng sự thật chỉ có một. Những cuộc “đi đêm”, những cái “bắt tay” bẩn dưới gầm bàn ấy ắt sẽ bị lôi ra ánh sáng.

“Cháy nhà” lòi ra… hoa hồng

Hải Dương là “điểm nổ” đầu tiên của đại án Việt Á. Ngày 17/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án “vi phạm các quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan, khởi tố 7 bị can, trong đó bắt tạm giam Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á; Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương và Nguyễn Mạnh Cường, Kế toán trưởng CDC Hải Dương.

Vài ngày sau, ngày 21/12/2021, tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, ông Phạm Xuân Thăng, khi đó đang giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy, đã khẳng định, sai phạm của ông Phạm Duy Tuyến là rất nghiêm trọng, đi ngược với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nhưng gần một năm sau, giữa tháng 9/2022, chính ông Phạm Xuân Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam do sai phạm liên quan đến vụ việc. Điều đáng nói là, chính ông Thăng là Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh Hải Dương.

Đây không phải trường hợp đầu tiên, cán bộ, quan chức trước khi “ngã ngựa” vẫn cố gắng bằng mọi giá giấu kín hành vi sai phạm của mình, thậm chí còn quả quyết mình “trong sạch”. Chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, đưa ra chứng cứ thuyết phục, thì những cái “bắt tay” dưới gầm bàn của họ mới bị lộ sáng.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thông tin khi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội), các ông Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh “lúc đầu cũng chưa nhận thức hết sai phạm”; sau này, với cách làm chặt chẽ, bài bản, chứng cứ rõ ràng, các đương sự mới nhận tội.

Một trường hợp khác là cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Thế Anh, khi ra tòa vẫn ngoan cố chối tội đến cùng, khẳng định không nhận tiền của “trùm” buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu. Cơ quan chức năng phải cho Nguyễn Thế Anh đối chất với Hữu, rồi chính đối tượng là em họ của Nguyễn Thế Anh thừa nhận trước tòa đã cả chục lần được Nguyễn Thế Anh cử đi nhận tiền.

Trong vụ Việt Á, còn nhiều trường hợp khác, như Giám đốc CDC Nghệ An Nguyễn Văn Định từng khẳng định với báo chí, bản thân “minh bạch, làm đúng trình tự, quy trình, thủ tục trong các gói thầu cung cấp vật tư kit test với Công ty Việt Á”; Giám đốc CDC Bắc Giang Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu, Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế Hoàng Văn Đức… từng quả quyết “không nhận một đồng nào” từ Công ty Việt Á. Thậm chí, ông Đức còn mạnh miệng khẳng định: “Công ty Việt Á cho tôi dù một ly cà phê, tôi đi tù cũng xứng đáng”… Nhưng sau một thời gian, cơ quan chức năng đã xác định, chính những cán bộ tuyên bố hùng hồn đó đều đã tư lợi, trục lợi từ các hợp đồng đấu thầu, mua bán kit test của Việt Á.

Đáng chú ý, theo cơ quan điều tra, để che giấu hành vi “đi đêm” của mình, trong vụ Việt Á, việc chuyển tiền chiết khấu cho các cá nhân trong cơ sở y tế công được Việt Á thực hiện rất tinh vi, sử dụng các tài khoản phụ, tài khoản cá nhân cùng hàng chục công ty trong hệ thống do Phan Quốc Việt thành lập, điều hành.

Để tránh cho các quan chức bị phát hiện việc nhận tiền, Phan Quốc Việt yêu cầu nhân viên phụ trách vùng sau khi nhận được chuyển khoản sẽ rút tiền mặt, đưa trực tiếp cho các cá nhân trong cơ sở y tế công. Trường hợp chuyển khoản từ tài khoản của em vợ Phan Quốc Việt đến số tài khoản theo chỉ định của các cá nhân trong cơ sở y tế công, thì đều ghi nội dung dưới dạng “thanh toán tiền mua hàng”, “nhờ thanh toán tiền mua hàng”.

Toàn bộ hoạt động kinh doanh của các công ty thuộc hệ thống Công ty Việt Á cũng sử dụng 2 hệ thống phần mềm, sổ sách, đồng thời sử dụng hệ thống quản trị mạng bảo mật rất cao, chiêu nạp hàng chục chuyên gia công nghệ để bảo mật thông tin, cũng như nhanh chóng xóa dữ liệu điện tử khi bị phát hiện.

Song, dù thủ đoạn của các đối tượng tinh vi đến đâu, các giao kết, hành vi có mờ ám, lẩn khuất đến đâu, thì sự thật vẫn bị phơi bày, những cái “bắt tay” bẩn dưới gầm bàn vẫn bị lôi ra ánh sáng.

Gục ngã trước “virus kim tiền”

Qua thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các đại án, nhất là vụ Việt Á, có thể thấy, cả các cá nhân, tổ chức tư nhân làm ăn bất chính lẫn các cán bộ, quan chức biến chất đều chủ động thực hiện hành vi trục lợi và khi có nguy cơ bại lộ, họ đều ngoan cố, “đấu” đến cùng để qua mắt cơ quan chức năng và dư luận.

Nhìn lại, từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã có 7 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm bị kỷ luật (trong đó, có 4 người bị xử lý hình sự, 3 người thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII) do liên quan đến những vụ án, vụ việc phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.

Dư luận đặt câu hỏi, vì sao liên tiếp các vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã bị xử lý; liên tiếp cán bộ, lãnh đạo các cấp, kể cả cấp chiến lược bị xử lý; “lò” đang hừng hực nóng như vậy, mà nhiều cán bộ, quan chức vẫn chưa biết “sợ”?

Phải chăng, hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều sơ hở, khiến các đối tượng dễ dàng lợi dụng? Hay do nhiều cán bộ suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, bản lĩnh yếu kém?

Theo TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Thanh tra Chính phủ), phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần đồng bộ cả hai hướng, như hai gọng kìm: một là, cơ chế, chính sách để kiểm soát từ bên ngoài; hai là, kiểm soát từ bên trong mỗi tổ chức (bằng cơ chế kiểm soát nội bộ) và mỗi cá nhân (bằng bản lĩnh, đạo đức).

Hiện nay, bên cạnh xử lý nghiêm để “không dám tham nhũng”, Đảng, Nhà nước đang hoàn thiện cơ chế, chính sách, bịt các lỗ hổng, tăng hiệu quả kiểm soát từ bên ngoài, để “không thể tham nhũng”.

Nhưng ông Minh cho rằng, cái gốc của vấn đề chính là tiêu cực; nhận thức, đạo đức yếu kém, muốn kiếm lợi bất chính thúc đẩy dẫn đến tham nhũng. Như vụ Việt Á, sự thao túng diễn ra trên diện rộng; cán bộ ở gần như khắp các tỉnh, thành phố, CDC, cơ sở y tế công có tham gia mua bán thiết bị y tế đều bị “nhiễm” “virus kim tiền” của Việt Á. Nó cho thấy, “sức đề kháng” của cán bộ trước cám dỗ vật chất rất yếu, nên rất dễ bị lôi cuốn, sa ngã vào tiêu cực, tham nhũng.

“Vừa qua, ta xử lý nhiều người, nhiều vụ việc là sự cảnh tỉnh rất lớn. Nhưng không chỉ là chuyện giám sát, phát hiện, xử lý; không thể đổ hết lỗi cho cơ chế, mà trước hết, gốc rễ vẫn phải là từ bản lĩnh, phẩm chất của người cán bộ; là khả năng tự kiểm soát từ bên trong mỗi người”, TS. Đinh Văn Minh bày tỏ quan điểm.

Đây cũng là quan điểm được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ khi tiếp xúc cử tri tại Sóc Sơn (Hà Nội) cuối tháng 9/2022 vừa qua. Trước lo ngại, băn khoăn của một số cử tri về việc, những hạn chế, lỗ hổng về cơ chế hiện nay có thể khiến nhiều người sợ sai, không dám làm, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, những người sai phạm, bị bắt đều có “leng keng, ting ting” cả.

“Vừa rồi Covid-19, ‘ting ting’ nhiều lắm. Ban Chỉ đạo có tinh thần rất rõ ràng. Cán bộ không có mặc cả, không đòi hỏi hoa hồng, thì xử lý rất nhân văn. Chúng ta cứ làm trong sáng thì không vấn đề gì cả. Làm trong sáng mà có quá tay một tí thì bị ‘thổi còi’, xử lý hành chính, kỷ luật thôi…”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.

Những cuộc “đi đêm”, thỏa hiệp với “ting ting”, “leng keng” đã và đang bị lôi ra ánh sáng, nhưng câu hỏi căn cơ hơn là, phải làm gì để chặn đứng những cuộc ngã giá, chia chác, trao đổi giữa cá nhân, tổ chức làm ăn bất chính ở khu vực tư với các quan chức suy thoái, để không còn những “Việt Á” khác hoành hành, tàn phá Đất nước?

Năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp diễn như: thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi; tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…

(Ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022)

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan