Gu chọn không gian sống của giới trẻ đang tác động lớn đến tư duy phát triển dự án của các chủ đầu tư.

Gu chọn không gian sống của giới trẻ đang tác động lớn đến tư duy phát triển dự án của các chủ đầu tư.

Chân dung nhà đầu tư Millennials trên thị trường địa ốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Millennials là từ dùng để chỉ thế hệ đầu tiên lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội - những người có năm sinh từ 1980 - 1990 với ý thức về cái tôi cá nhân rất cao và tư duy đầu tư quyết liệt với suy nghĩ… “người trẻ có quyền được mắc sai lầm”.

Không giống như những thế hệ đi trước, Millennials được tiếp cận cực nhiều với công nghệ, số còn dưới mái trường thì tiếp tục lớn lên song song với sự phát triển của kỹ thuật số, số lớn tuổi hơn thì đã gia nhập vào lực lượng lao động trọng yếu của xã hội.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Nielsen, nhóm Millennials chiếm khoảng 35% dân số - tương đương 33 triệu người. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở thế hệ này nằm ở sự tự tin, quyết tâm thực hiện điều mình mong muốn và cái tôi cá nhân cao hơn hẳn thế hệ cha anh.

Nghiên cứu của Nielsen cho thấy, số đông trong nhóm người trong lứa tuổi này vẫn cần thêm nhiều năm nữa để thực sự trưởng thành, nhưng sự khác biệt thói quen chi tiêu của nhóm này ảnh hưởng không nhỏ tới việc định hình các phân khúc nhà ở của các chủ đầu tư nhanh nhạy “bắt trend”.

Phương Anh (30 tuổi), đã quyết định nghỉ hẳn công việc tại một đơn vị hành chính sự nghiệp để quay sang bán hàng online, đồng thời nhận ship hàng xuyên biên giới.

“Tôi không thích bị ràng buộc giờ giấc. Tôi thích tự do làm điều mình thích, mình muốn và tự quyết định thu nhập của mình”, Phương Anh nói và cho biết, với hai vợ chồng, chiếm phần lớn khoảng thời gian giao tiếp là câu chuyện về sắc xanh, đỏ của thị trường chứng khoán, của khoản lợi tức từ lãi suất trái phiếu hay khu đất nền nào đáng giá để đầu tư.

Các kênh đầu tư đã bắt đầu phản ánh cách sống và sự lựa chọn của thế hệ như Phương Anh, mang tên “Millennials”. Chuyển đổi số là cụm từ xuất hiện trong vài năm trở lại đây và gần như mặc định là xu hướng phục vụ cho Millennials, thế hệ mà công nghệ là sự chủ đạo với việc người nào cũng phải có trên tay mình một chiếc smartphone để lướt, chạm tìm kiếm thông tin và chỉ cần một cú “click chuột” là chốt cơ hội đầu tư ngay tắp lự.

Đặc biệt, năm 2020, giãn cách xã hội vì Covid-19 khiến người ta rảnh rỗi hơn, lại được truyền cảm hứng và hỗ trợ từ những người ảnh hưởng trên mạng xã hội, những nhà đầu tư non trẻ là một phần trong làn sóng nhà đầu tư cá nhân gia nhập thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản.

Ấn Độ, Hàn Quốc và một phần nào đó ở Việt Nam là những thị trường ghi nhận sự gia nhập mạnh mẽ nhất của thế hệ Millennials vào thị trường chứng khoán, địa ốc.

Hồi đầu tháng 10/2020, CDSL - một trong những công ty lưu ký chứng khoán hàng đầu tại Ấn Độ đã ghi nhận số tài khoản mới đăng ký tăng đến gần 20%. Con số này thậm chí cán mốc 25 triệu tài khoản vào tháng trước. Phần lớn trong số những tài khoản này được mở bởi người trẻ từ 24 - 39 tuổi, theo dữ liệu từ cơ quan quản lý thị trường, thuộc Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Ấn Độ.

Các chuyên gia đầu tư chứng khoán độc lập xuất hiện đông đảo trên các mạng xã hội như Youtube và Instagram đưa ra các lời khuyên, lời tư vấn tham gia thị trường cho những nhà đầu tư trẻ.

Họ thảo luận, giải thích và phân tích các chủ đề đa dạng, từ các báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp đến các công cụ phân tích kỹ thuật tài chính với lối truyền tải dí dỏm và hóm hỉnh, đã tạo ra trào lưu tham gia thị trường của thế hệ F0.

Tại Việt Nam, mỗi status chia sẻ về đầu tư chứng khoán của hoa hậu nổi tiếng Mai Phương Thúy nhận được hàng chục nghìn like kèm theo cả ngàn lời bình luận khác nhau. Sự nổi tiếng của hoa hậu này là một chuyện, sự tò mò, thích thú về việc người đẹp này chia sẻ những góc nhìn thú vị về cách đầu tư chứng khoán cũng tạo nên những điểm nhấn trên thị trường trong năm vừa qua.

“Người ta thấy hấp dẫn bởi một người trẻ, xinh như hoa hậu Mai Phương Thúy mà vẫn… đánh đâu thắng đó khi chơi chứng khoán”, Thành - một nhà đầu tư cá nhân trẻ chia sẻ.

Khi đại dịch Covid-19 khiến chỉ số VN-Index giảm sâu hồi đầu năm, Thu Thảo, 31 tuổi, đã mở tài khoản giao dịch chứng khoán lần đầu tiên thông qua ứng dụng trên smartphone. Chị nói: “Đây là cơ hội đầu tư có một lần trong đời và tôi không muốn bỏ lỡ”.

Ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, các công ty chứng khoán ở Việt Nam ghi nhận số khách hàng trẻ là nhóm F0 tăng vọt trong năm vừa qua. Dẫu nhiều tháng giãn cách, nhưng trong năm 2020 đã có thêm gần 400.000 tài khoản lần đầu tiên tham gia sàn chứng khoán. Nhờ đó, dù nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh, nhưng năm vừa qua VN-Index vẫn thăng hoa với thanh khoản thị trường liên tiếp lập kỷ lục mới.

Trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, thế hệ Millennials cũng tạo ra xu hướng đầu tư mới quan trọng năm vừa qua, giúp thanh khoản thị trường không bị giảm quá sâu. Nếu những người thuộc thế hệ trước luôn biết rõ mình là ai và cần gì, thì Millennials thường đặt những câu hỏi: "Tôi là ai, điều gì dành cho tôi?".

Chính sự ưa thích khám phá và dám chấp nhận thử thách khiến họ tỏ ra sẵn sàng hơn trong việc chi tiền, vay tiền mua sắm những tài sản lớn như bất động sản, dù tích lũy không nhiều.

Sự tự tin về sức khỏe, tri thức và tiềm năng phát triển là giá trị tín chấp khiến những khách hàng Millennials sẵn sàng vay một số tiền lớn gấp cả chục lần so với tổng thu nhập thực tế trong một năm để đầu tư.

Một cuộc khảo sát “bỏ túi” của người viết về kênh đầu tư bất động sản với 30 bạn học tại một cuộc họp khóa đại học cuối năm qua cho thấy, 25/30 người cho biết có thể vay tiền để đầu tư nhưng dự án phải đủ tốt, trong đó 20/30 người cho biết đòn bẩy tài chính là phương thức đầu tư chính thường xuyên của mình thời gian qua, trong khi chỉ có 10/30 người hững hờ với câu hỏi có nên vay tiền để đầu tư bất động sản vào thời điểm này?

Cuộc khảo sát không mang tính phổ cập nhưng cho thấy gu đầu tư của giới Millennials giờ mạnh bạo hơn nhiều so với các thế hệ trước.

Đặc biệt, kể từ sau giai đoạn khủng hoảng thị trường bất động sản những năm 2008 - 2013 trở lại đây, nhờ vào chính sách tín dụng ưu đãi hấp dẫn, bên cạnh mặt bằng thu nhập được nâng cao đáng kể, xu hướng người trẻ sẵn sàng vay tiền ngân hàng để đầu tư bất động sản hoặc sắm cho mình một mái ấm trở nên phổ biến hơn rất nhiều.

Trong năm 2020 vừa qua, mức lãi suất vay mua nhà thấp nhất theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán hiện nay chỉ còn 4,99%/năm, có thể xem là mức thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, nếu không tính lãi suất vay áp dụng cho trường hợp vay gói ưu đãi mua nhà ở xã hội.

Lãi suất giảm, cùng điều kiện về thị trường cải thiện hơn nhờ việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ tài chính của các chủ dự án khiến nhiều người mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để sở hữu tài sản bất động sản.

Ngoài hai kênh chứng khoán và bất động sản nêu trên, không thể không kể đến các kênh đầu tư khác cũng đang trở thành hàng “hot” trong nhóm đầu tư thuộc thế hệ Millenials là Forex và tiền điện tử.

Mặc dù đây là kênh đầu tư không chính thống, không được thừa nhận và bảo hộ bởi các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng lại cực kỳ hấp dẫn với giới trẻ, bởi tỷ lệ đòn bẩy cao cũng như tỷ suất lợi nhuận lớn.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLaw chia sẻ, nhóm nhà đầu tư trẻ tuổi có sự nhìn nhận và tư duy nhanh nhạy hơn so với các thế hệ trước, đặc biệt là trong việc lựa chọn các loại hình tài sản đầu tư. Với kiến thức tài chính tốt, họ sẵn sàng chủ động tiếp cận và sử dụng đòn bẩy tài chính nếu cảm thấy mang lại lợi ích nhanh và sớm. Ngay cả trong trường hợp gặp rủi ro, họ vẫn sẵn sàng đón nhận hơn bởi họ cho rằng kèm theo cơ hội thì đó là rủi ro cần phải có, có điều việc chấp nhận rủi ro ở mức nào.

Dẫu vậy, ông Hà cho rằng, ngoài kiến thức về chuyên môn, kiến thức về pháp lý vẫn là câu chuyện nhà đầu tư phải hướng tới, đồng thời nên thường xuyên cập nhật và bổ sung để từ đó có hành trang cho mình khi tham gia thị trường. Việc sẵn sàng chấp nhận rủi ro không có nghĩa mọi rủi ro đều chấp nhận, mà cần ở mức tối thiểu trong giới hạn có thể có của mình.

Tin bài liên quan