Đầu năm ngoái, Andrew Yang – một doanh nhân 44 tuổi tại Mỹ gây chú ý khi tuyên bố muốn chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020. Trọng tâm chiến dịch của ông là Thu nhập Cơ bản Phổ thông (UBI) - chia số tiền bằng nhau cho tất cả mọi người, bất chấp tình trạng việc làm. Yang gọi ý tưởng của mình về UBI là Freedom Dividend. Ông cho biết nếu đắc cử, Chính phủ sẽ chia cho mỗi người Mỹ tuổi 18 - 64 mỗi tháng 1.000 USD.
Tháng trước, Yang đã có buổi phỏng vấn với CNBC về cuộc sống và công việc của mình. Ông cao khoảng 1,8m, mặc quần màu xanh nước biển, áo khoác và sơ mi cũng vậy. Từ những bức ảnh Yang đăng trên trang cá nhân, có vẻ đây là kiểu trang phục ưa thích của Yang. Rất ít tấm ông mặc quần jeans.
Tuy nhiên, Yang không phải người kiểu cách. Ông hay cười và có thể khoác vai người khác khá tự nhiên, thoải mái. Trụ sở tranh cử của ông tại New York là một căn phòng lớn, tường cao, nhiều bàn ghế, góc phòng có một chiếc ghế dài màu xám và tường treo nhiều banner. Hai trong số đó là "Yang for President" và "Math" (toán học).
"Một trong những người ủng hộ tôi nói rằng người trái ngược với Donald Trump là một người châu Á thích toán", Yang cho biết trên CNBC. Trước khi chạy đua vào Nhà Trắng, Yang là CEO công ty giáo dục Manhattan GMAT - đã được Kaplan mua lại năm 2009. Năm 2011, Yang thành lập Venture for America - tổ chức đào tạo doanh nhân có trụ sở tại New York.
"Khi tôi nói với vợ mình: "Anh sẽ tranh cử Tổng thống", cô ấy trả lời: "Tuyệt. Anh cứ làm đi", rồi chúng tôi tiếp tục ăn tối. Chúng tôi đã ở bên nhau lâu lắm rồi. Tôi là doanh nhân khởi nghiệp, đã gây dựng một công ty triệu USD từ tay trắng. Vì thế, cô ấy hẳn là đã quen với việc chấp nhận các thách thức lớn", ông nhớ lại.
Yang cũng là người phần nào trải nghiệm Giấc mơ Mỹ. Ông sinh ra tại Đài Loan (Trung Quốc), sau đó chuyển đến Schenectady, New York (Mỹ). "Tôi học đại học ngành luật, sau đó làm luật sư trong 5 tháng, rồi mới chuyển qua khởi nghiệp. Việc kinh doanh đầu tiên thất bại, nhưng rồi tôi vẫn mở ra nhiều công ty khác nữa", Yang nói.
Andrew Yang cùng vợ và hai con. Ảnh:Clara Lu.
Với Venture for America, Yang đã được Nhà Trắng vinh danh là Champion of Change. Năm 2015, ông còn được Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama công nhận là "Đại sứ Tổng thống cho Khởi nghiệp Toàn cầu".
Venture for America cũng giúp Yang có trải nghiệm trực tiếp về nền kinh tế đang thay đổi rất nhanh tại Mỹ. "Tôi mở Venture for America để tạo ra hàng nghìn việc làm trên khắp đất nước, và nhận ra chúng ta đang tự động hóa nhiều việc làm hơn là tạo thêm ra", ông nói.
Yang tin rằng tự động hóa sẽ thay thế việc làm nhanh hơn các cuộc cách mạng công nghiệp khác. Vì thế, ông chọn trọng tâm chiến dịch tranh cử của mình là thu nhập cơ bản phổ thông.
Ý tưởng này không hề mới. CEO Tesla – Elon Musk từng nói thu nhập cơ bản phổ thông (UBI) là không thể tránh khỏi, khi robot dần làm thay công việc của con người. CEO Facebook - Mark Zuckerberg năm 2017 cũng gợi ý UBI nên được nghiên cứu. Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hàng đầu thế giới - Y Combinator cũng đang thử nghiệm UBI.
Để có số tiền này, Yang đề xuất áp thuế VAT 10% lên hàng hóa và dịch vụ trong nước. Năm ngoái, Eric Toder tại Trung tâm Chính sách Thuế cho biết trên CNBC rằng VAT 10% tại Mỹ có thể mang lại 500 – 1.000 tỷ USD, tùy thuộc vào phạm vi áp dụng.
Yang cũng cho rằng UBI sẽ giảm nhu cầu an sinh xã hội trong nước. Do những người được nhận trợ cấp sẽ không đủ điều kiện nhận toàn bộ 1.000 USD mỗi tháng. Chia 1.000 USD mỗi người cũng kích thích nền kinh tế, do mọi người sẽ có xu hướng tiêu tiền.
Ngoài UBI, Yang còn nhiều sáng kiến khác để tranh cử. Đó là chính sách cấu trúc nền kinh tế "hướng tối đa vào quyền lợi con người", thay vì lợi nhuận doanh nghiệp. Ông cũng đề xuất trả lương Tổng thống 4 triệu USD mỗi năm và các thành viên nội các, người đứng đầu các cơ quan 1 triệu USD mỗi năm. Họ sẽ không được tham gia các buổi diễn thuyết trả tiền hậu hĩnh và đảm nhận các vị trí thành viên hội đồng sau khi mãn nhiệm. Ông cho rằng lương cao sẽ giúp các thành viên chính phủ không nhẹ tay với những người có thể cho họ các quyền lợi này sau khi rời nhiệm sở.
Với Yang, việc tranh cử dĩ nhiên có nhiều thách thức. "Ông ấy chưa tham gia chính trường bao giờ, cũng không phải người nổi tiếng. Và dù là doanh nhân thành công, ông ấy cũng không phải tỷ phú thu hút truyền thông", James M. Lindsay – Phó giám đốc cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại bình luận.
Dù vậy, Yang vẫn dành toàn bộ tâm trí cho việc này. Ông đã đến bang Iowa 8 lần, New Hampshire 8 lần và lên kế hoạch tới Baltimore, thủ đô Washington và Ohio.
"Tranh cử tổng thống cũng khá thú vị. Cái tôi học được nhiều nhất là phần lớn người Mỹ rất tốt. Tôi đã đến mọi nơi, phần lớn người Mỹ rất thông minh, tử tế, thực tế và luôn tìm kiếm giải pháp. Họ luôn khao khát tìm ra cách cải thiện cuộc sống của mình và cả gia đình", ông nói.