Lỗi nặng…
Không chỉ các bên tham gia cảm nhận được tính chất phức tạp của các vi phạm trên TTCK, mà cả đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự quan ngại về tình trạng này. Phát biểu tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đang diễn ra, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhìn nhận, tội phạm và vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế như ngân hàng, chứng khoán... vẫn diễn ra phức tạp.
Quan ngại trên được đưa ra trong bối cảnh các hành vi vi phạm, nhất là vi phạm về thao túng giá chứng khoán, giao dịch có tính chất nội gián, diễn ra khá nhức nhối, có tính chất lặp đi lặp lại. Đây là 2 hành vi vi phạm chiếm tỷ trọng lớn trong số nhiều vụ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phanh phui và xử phạt.
Từ đầu năm đến nay nhiều trường hợp thao túng giá chứng khoán bị xử phạt kịch khung, nhưng tính chất và mức độ vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm, khi chỉ trong 2 tuần đầu của tháng 11 này, UBCK tiếp tục xử phạt thêm 2 trường hợp khác sau khi cơ quan công an xác định chưa có căn cứ chứng minh có hành vi vi phạm pháp luật hình sự.
Mới đây nhất, ngày 6/11, căn cứ kết quả kiểm tra của UBCK và kết quả xác minh của cơ quan công an, UBCK đã áp dụng mức phạt gần 700 triệu đồng với ông Bùi Ngọc Bút (trú tại số 12, ngõ 68 Triều Khúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vì đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu IBC của Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Ông Bút đã sử dụng 38 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu IBC. Đáng chú ý, ngoài mức phạt chính 550 triệu đồng, UBCK còn buộc ông Bút nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm là gần 150 triệu đồng…
Luật Chứng khoán sửa đổi cần tăng chế tài xử phạt theo hướng phù hợp với bối cảnh hiện tại, cũng như đặc thù của vi phạm trên thị trường chứng khoán để đảm bảo tính khả thi và răn đe.
Trước đó, vào đầu tháng 11, UBCK đã phạt ông Vũ Huy Sơn (trú tại 308 lô D, Chung cư 79D, phường 19, quận Bình Thạnh, TP. HCM) số tiền 550 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi thao túng cổ phiếu KVC của Công ty cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ trên niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Ông Sơn đã sử dụng 31 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu KVC.
Ngoài thao túng giá chứng khoán, một hành vi vi phạm phổ biến nữa là giao dịch không công bố thông tin theo quy định. Một trong những vụ việc gần đây là giao dịch cổ phiếu YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 trên sàn HOSE.
Sau khi xác định có sai phạm trong giao dịch cổ phiếu YEG, UBCK quyết định phạt 130 triệu đồng đối với DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd (British Virgin Islands) và 65 triệu đồng đối với ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT YEG vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu YEG.
Cụ thể, ngày 18/5/2018, DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd - tổ chức có liên quan tới ông Hoàng Đức Trung, Thành viên HĐQT YEG, đồng thời là Giám đốc DFJ Vinacapital Venture Investment Ltd, đã chuyển nhượng 7.820.000 cổ phiếu YEG nhưng không báo cáo UBCK. Cùng ngày, ông Tống đồng thời thực hiện nhận chuyển nhượng và chuyển nhượng số cổ phiếu này, nhưng cũng không báo cáo UBCK.
… Cần phạt nặng hơn
Một trong những nguyên nhân khiến các hành vi vi phạm, nhất là các vi phạm có tính chất nghiêm trọng như tháo túng giá chứng khoán, giao dịch nội gián tiếp tục diễn biến phức tạp, theo nhìn nhận của các chuyên gia pháp lý, nhà đầu tư là do chế tài xử phạt hiện còn nhẹ, chưa phù hợp với bối cảnh hiện tại, cũng như đặc thù của lĩnh vực chứng khoán.
“Mức phạt 500-600 triệu đồng/lần vi phạm đối với các đối tượng có hành vi thao túng giá chứng khoán như hiện nay là quá nhẹ. Mức phạt này chỉ phù hợp với thời điểm cách đây 10 năm, còn bây giờ thì không.
Cơ quan quản lý không chỉ tăng mức phạt tiền, mà điều quan trọng hơn là phải áp dụng thêm các chế tài xử phạt khác theo thông lệ quốc tế như cấm có thời hạn việc mua bán chứng khoán hay tham gia các hoạt động liên quan tới chứng khoán…”, Luật sư Lê Thanh Sơn, Văn phòng Luật sư AIC nhìn nhận.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Luật Basico cũng cho rằng, mức phạt theo quy định hiện hành còn nhẹ, cộng với tính nghiêm minh trong xử phạt còn hạn chế nên chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Theo Luật sư Đức, chế tài xử phạt cần tăng mức tiền phạt lên gấp nhiều lần so với hiện nay, đồng thời phải đảm bảo tính thống nhất với hệ thống quy định của pháp luật có liên quan để có tính khả thi.
Sửa đổi Luật Chứng khoán đang tạo cơ hội tốt cho Bộ Tài chính, UBCK đề xuất tăng chế tài xử phạt theo hướng phù hợp với đặc thù của vi phạm trên TTCK. Những người mong muốn Việt Nam có một TTCK minh bạch và liêm chính chắc chắn sẽ ủng hộ việc tăng mức xử phạt và vì thế, dự án Luật có cơ hội nhận được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội trong kỳ xem xét tới đây.
(Kỳ 2: Thêm chế tài mới, tư duy không thể cũ)