Chấn chỉnh ngay tình trạng thanh tra, kiểm tra quá mức cần thiết với doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, tiếp tục xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm.
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Theo nội dung Nghị quyết số 31/NQ-CPphiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Chính phủ cho biết, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ rào cản, khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh với tinh thần đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tiếp tục duy trì các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Trên một số bảng xếp hạng quốc tế năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm trước, chất lượng môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực hơn.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta được cải thiện nhưng chưa bền vững, chất lượng, thứ hạng còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm; còn nhiều quy định của pháp luật chưa thống nhất, phù hợp và khả thi, còn nhiều điều kiện kinh doanh vẫn là rào cản đối với doanh nghiệp, làm cho các nguồn lực chưa được khơi thông, sử dụng hiệu quả.

Để tiếp tục thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tại Báo cáo 1463/BC-BKHĐT nêu trên; trong đó chú trọng một số nội dung sau:

1. Tiếp tục xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, trong đó chú trọng vào các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.

2. Tích cực rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí tuân thủ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp; đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo đúng chủ trương của Chính phủ. Không quy định thêm các điều kiện tạo rào cản cho đầu tư, kinh doanh. Nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức đưa ra các yêu cầu bổ sung về hồ sơ, giấy tờ thực hiện thủ tục hành chính trái hoặc không có quy định.

3. Đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết và nâng cao chất lượng, triển khai thực chất các dịch vụ công trực tuyến. Nhanh chóng áp dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục hành chính có tần suất sử dụng cao và đủ điều kiện. Tích cực hỗ trợ, khuyến khích, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

4. Cập nhật, công khai chính xác, đầy đủ, kịp thời quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh, phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan hoạt động kinh doanh được tham vấn, lấy ý kiến và phản hồi ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp trên Cổng. Đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân chủ động, tích cực tham gia phản biện, đóng góp ý kiến, phản ánh các vấn đề vướng mắc, khó khăn, đề xuất kiến nghị chính sách để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

5. Đẩy mạnh tuyên truyền với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài về đường lối, chủ trương, chính sách và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về duy trì, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

6. Chấn chỉnh ngay tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, quá mức cần thiết khi không có dấu hiệu vi phạm với mục tiêu hướng dẫn để doanh nghiệp thực thi pháp luật tốt hơn, không gây khó cho doanh nghiệp.

7. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; hằng quý thực hiện báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về vấn đề này; hằng tháng cập nhật các thông tin liên quan (nếu có).

8. Giao Văn phòng Chính phủ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; phát huy hiệu quả cao hơn nữa các trung tâm phục vụ hành chính công trong giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong đối thoại, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để chủ động, kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ.

Tin bài liên quan