(Ảnh minh họa: Internet)
Theo đó, yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh mặt hàng này và ổn định thị trường xăng dầu trong nước.
Cụ thể, theo chỉ thị, Vụ Thị trường trong nước tăng cường chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tìm kiếm, có phương án bảo đảm nguồn hàng từ nguồn trong nước và nhập khẩu; tuân thủ nghiêm quy định về dự trữ lưu thông theo tinh thần của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP để bảo đảm nguồn cung xăng dầu đầy đủ và kịp thời, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh;
Chỉ thị yêu cầu Vụ này phải theo dõi sát tình hình thị trường, cung cầu mặt hàng xăng dầu, diễn biến giá xăng dầu trong nước và thế giới để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện tại, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát;
Phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường rà soát việc thực hiện các điều kiện về kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trong việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có;
Khẩn trương phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan hoàn tất việc xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu báo cáo Chính phủ phê duyệt ban hành để tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu.
Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu trên cả nước (kiểm soát chặt chẽ chất lượng, số lượng, giá bán xăng dầu kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu); thực hiện các hoạt động kiểm tra chấp hành pháp luật tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu (các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng xăng dầu trong hệ thống phân phối); xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, các hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng và buôn lậu xăng dầu; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Chỉ thị cũng yêu cầu Cục Xuất nhập khẩu rà soát các thị trường nhập khẩu xăng dầu để có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp cận nguồn hàng xăng dầu chất lượng tốt, giá hợp lý, bảo đảm thực hiện kế hoạch cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đồng thời phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, chỉ đạo, giám sát các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc hạn mức nhập khẩu và tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được Bộ Công Thương giao để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và phát triển sản xuất kinh doanh của cả nước; rà soát và điều chỉnh hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu, tiến độ nhập khẩu của các doanh nghiệp cho phù hợp với nhu cầu và diễn biến thị trường hiện nay.
Để sớm khôi phục nguồn cung trong nước, Vụ Dầu khí và than có trách nhiệm đốc thúc chỉ đạo các Nhà máy lọc dầu trong nước đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định, cung ứng đủ số lượng, chủng loại xăng dầu theo kế hoạch sản xuất đã được phê duyệt; đôcn đốc các Nhà máy sản xuất xăng dầu sớm hoàn thành việc bảo dưỡng để vận hành trở lại và cung cấp đủ lượng hàng theo tiến độ đã ký kết với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.
Ngoài ra, các Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm theo dõi sát diễn biến thị trường, đặc biệt là hoạt động bán xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, thông tin nhanh đối với các vấn đề phát sinh về Bộ Công Thương để phối hợp xử lý; giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định về việc bảo đảm bán hàng liên tục, trường hợp ngừng bán hàng phải có báo cáo giải trình và được sự chấp thuận của Sở Công Thương. Đồng thời phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu, xử lý nghiêm kịp thời các hành vi vi phạm.
Theo Bộ Công thương, Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới có chiều hướng giảm, các nước bắt đầu triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhu cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng tăng trở lại, thị trường xăng dầu trong nước và thế giới đang có diễn biến phức tạp.
Trong nước, sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh. Đồng thời, một số nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế cắt giảm công suất, tận dụng thời gian xảy ra dịch bệnh để thực hiện việc bảo dưỡng nên nguồn cung xăng dầu thành phẩm bị sụt giảm. Việc thực hiện chỉ thị là nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước, phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp