Chặn bán bảo hiểm ẩu, cần áp xử phạt theo doanh thu

Chặn bán bảo hiểm ẩu, cần áp xử phạt theo doanh thu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là đề xuất của ông Trần Nguyên Đán, giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM trong chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán.

Sau khi đăng tải bài báo “Băn khoăn đề xuất cấm bán bảo hiểm qua ngân hàng”, Báo Đầu tư Chứng khoán tiếp tục nhận được những luồng ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này, ông nghĩ sao?

Trước tiên, cần quay trở lại cái gốc của vấn đề là vì sao khách hàng phải mua bảo hiểm khi vay vốn để hiểu lý do phải mua loại bảo hiểm này. Thực tế, chỉ khách hàng vay hàng tín chấp mới phải mua bảo hiểm, chứ không phải khách hàng nào cũng phải mua. Khách hàng có tài sản thế chấp khi vay vốn thì không cần mua bảo hiểm cho khoản vay, bởi khi vay đã thế chấp tài sản cho ngân hàng, trường hợp này thường là mua bảo hiểm tài sản (phi nhân thọ - PV). Do đó, việc mua bảo hiểm không phải là yếu tố quan trọng đến mức bắt người vay tiền phải mua.

Ông Trần Nguyên Đán, giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM

Ông Trần Nguyên Đán, giảng viên chuyên ngành bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM

Như vậy, ở đây, với bảo hiểm nhân thọ, có thể hiểu là nếu khách hàng đã có bảo hiểm thì trong trường hợp không may sau này có rủi ro xảy ra, gây tổn thất thì khi đó, khách hàng/người nhà sẽ dùng số tiền được bảo hiểm này để trả nợ ngân hàng, giúp giảm rủi ro mất vốn của ngân hàng.

Thế nhưng, việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đã và đang cho thấy một mục đích khác, đó là ngân hàng bán bảo hiểm chỉ nhằm giải quyết vấn đề lợi nhuận, chứ không phải mục đích chính là đề phòng rủi ro mất vốn.

Do đó, nhiều ý kiến phản đối khi cho rằng việc tìm kiếm lợi nhuận trên sự mất mát của khách hàng là không phù hợp nên mới xuất hiện đề xuất cấm hoàn toàn hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Hiện tại, bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã là xu thế và phát triển tại hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các ngân hàng trong nước có thể bán bảo hiểm một cách chuyên nghiệp giống như các nước và tệp khách hàng tốt nhất là những khách hàng sử dụng những dịch vụ khác, bên cạnh khoản vay. Ngân hàng cũng có nhiều nhân viên có trình độ, hoàn toàn có năng lực tư vấn bảo hiểm tốt. Như vậy, sao lại phải cấm, sao lại bỏ phí một lực lượng đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp tiềm năng trong tương lai?

Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đang gặp nhiều vấn đề

Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đang gặp nhiều vấn đề

Thế nhưng, có một thực tế là việc tư vấn bảo hiểm tại ngân hàng thời gian qua còn nhiều hạn chế, thậm chí còn tư vấn sai?

Đó mới là mấu chốt của vấn đề. Ngân hàng có tư vấn đúng, đủ cho khách hay không mới là mấu chốt, chứ không phải là việc có cho ngân hàng bán bảo hiểm hay không.

Nhân viên ngân hàng khi được đào tạo đầy đủ cả về kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm trong bán bảo hiểm và có chứng chỉ đại lý thì có đủ điều kiện để để tư vấn cũng như giải quyết các thắc mắc bồi thường cho khách hàng khi cần. Đây cũng là nền tảng để khách hàng duy trì hợp đồng bảo hiểm xuyên suốt thời hạn, gắn bó dài lâu với công ty bảo hiểm.

Một vấn đề quan trọng khác là khâu kiểm tra, quản lý và giám sát từ các cơ quan quản lý trực tiếp hoạt động này là Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) và Ngân hàng Nhà nước. Về nguyên tắc, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm không được phép “soi” đối tác của công ty bảo hiểm là các ngân hàng, điều này có gây ra những hạn chế, theo ông?

Hiện tại, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm chỉ có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra hoạt động bán bảo hiểm của công ty bảo hiểm, còn với các ngân hàng thẩm quyền này thuộc về Ngân hàng Nhà nước, trong khi nhiều sai phạm cần phối hợp xử lý.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Bộ Tài chính (đại diện là Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm) chỉ được phép giám sát hoạt động đại lý là các ngân hàng thông qua công ty bảo hiểm nếu ngân hàng đó ký hợp đồng đại lý với công ty bảo hiểm và chỉ gói gọn trong hoạt động đại lý bảo hiểm tại ngân hàng đó mà thôi.

Ở đây, cần hiểu rõ là việc kiểm tra, giám sát hoạt động chào bán bảo hiểm tại các ngân hàng thông qua các công ty bảo hiểm là một việc làm chưa đầy đủ để đảm bảo tính tuân thủ của các ngân hàng trong việc kinh doanh đại lý bảo hiểm.

Tôi cho rằng, Bộ Tài chính có cơ sở pháp lý để tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động đại lý bảo hiểm của ngân hàng có ký kết hợp tác bán bảo hiểm với công ty bảo hiểm. Chỉ bằng cách đó mới có thể bảo vệ được lợi ích của người tiêu dùng dịch vụ bảo hiểm, bởi nếu chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra tại công ty bảo hiểm sẽ khó phát hiện ra các sai phạm theo kiểu “ép vay” hay “lừa” khách hàng chuyển từ sổ tiết kiệm sang hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Dẫu vậy, ngay cả khi mở rộng thẩm quyền, nếu chế tài xử lý sai phạm không đủ sức nặng thì cũng khó đưa kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đi đúng hướng?

Ở các thị trường phát triển, khi ngân hàng bán bảo hiểm sai sẽ bị phạt rất nặng. Khoảng 10 năm trước, một ngân hàng của Anh từng chịu mức phạt lên tới gần 1 tỷ bảng do bán sai sản phẩm bảo hiểm, bán không đúng nhu cầu của khách hàng. Nói như vậy để thấy một thực tế là chúng ta còn giám sát chưa thực sự chặt chẽ, các mức phạt cũng chưa mang tính răn đe hiệu quả.

Bộ Tài chính mới đây đề xuất tăng mức phạt lên 100 triệu đồng trong trường hợp bên bán không giải thích kỹ cho người mua bảo hiểm hoặc cưỡng ép mua. Dẫu vậy, mức phạt này còn quá khiêm tốn so với mức doanh thu hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mà kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng mang lại.

Bởi vậy, thay vì cấm bán, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét lại mức xử phạt đối với các hành vi sai phạm khi bán bảo hiểm qua ngân hàng, có thể học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường tiên tiến như áp dụng xử phạt theo tỷ lệ doanh thu, lợi ích kiếm được, chẳng hạn nếu doanh thu thu từ việc bán bảo hiểm ẩu đạt 1.000 tỷ đồng thì có thể xem xét phạt tới 100% doanh thu, nghĩa là phạt tới 1.000 tỷ đồng, thậm chí cao hơn.

Khi hoạt động kiểm tra, giám sát được tăng cường, đi kèm với đó là chế tài xử lý vi phạm mạnh tay, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng, hoạt động bán bảo hiểm nói chung sẽ đi vào khuôn khổ, thị trường bảo hiểm sẽ ổn định, bền vững.

“Chúng ta thường có tư duy 'không quản được thì cấm', vậy sao không nghĩ cách quản lý thật tốt để thị trường bảo hiểm dần phát triển? Thực tế, không phải ai cũng quay lưng với việc mua bảo hiểm qua ngân hàng, nhu cầu mua bảo hiểm qua kênh này là có thật. Do đó, đề xuất cấm bán bảo hiểm qua ngân hàng cần được lấy ý kiến rộng rãi của người dân là những khách hàng - đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng.

Chưa kể, vì muốn hưởng hoa hồng cao mà một số tư vấn viên, nhân viên ngân hàng sẵn sàng lừa dối khách hàng… nên những người này cùng các cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) mới là đối tượng cần xử lý, không nên để ‘con sâu làm rầu nồi canh’, ảnh hưởng tới số đông. Cần phạt thật nặng đối với các hành vi bán bảo hiểm ẩu, để lại hệ lụy nặng nề” - Khách hàng Đỗ Thành Trung, Đống Đa, Hà Nội.

Tin bài liên quan