Như vậy, những vấn đề lớn, những vướng mắc đang cản trở sự phát triển, vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận ở các ngành, lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu, giám định, định giá... sẽ được đặt lên bàn các vị đại biểu Quốc hội, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ sáu sắp tới.
Điều mà giới kinh doanh chờ đợi hơn cả là báo cáo sẽ xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập ở các văn bản luật, dưới luật có liên quan và đề xuất phương án sửa đổi, hoàn thiện.
Suốt từ đầu năm đến nay, mỗi khi có cơ hội lên tiếng, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp liên tục nhấn mạnh khó khăn lớn nhất lúc này là các khúc mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, những chồng chéo, thiếu nhất quán trong các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư, lý do này chiếm tới 70%, được các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp vạch rõ từng điều khoản. Nhiều ngành hàng, lĩnh vực khác, các văn bản tương tự cũng đã được cập nhật liên tục, gửi tới Chính phủ, nhiều văn bản được gửi thẳng tới Quốc hội.
Tuy nhiên, nếu nhìn những hệ lụy đang diễn ra trong hành vi ứng xử, trong tâm lý sợ sai, không dám làm của công chức nhiều cơ quan, nhiều địa phương, có thể nói, những vướng mắc pháp lý có lẽ chiếm tỷ trọng cao hơn, thậm chí là đang chi phối các khó khăn của doanh nghiệp.
Trong nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương, đích thân người đứng đầu Chính phủ đã cảnh báo về cung cách làm việc chỉ tuân theo quy định của ngành mình, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của ngành, không tính tới bối cảnh chung, lợi ích chung đang đẩy nhiều khó khăn lên cao hơn, phức tạp hơn.
Nhưng, đến đầu tuần này, thời điểm trước hạn định khoảng 3 ngày, Bộ Tư pháp mới nhận được báo cáo rà soát của 5 bộ, 20 địa phương và 2 hiệp hội. Mặc dù thời gian vẫn còn và cũng vì việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật lần này có nội dung rà soát rất rộng, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải dành nhiều thời gian, công sức, song những mối lo về tốc độ và cả chất lượng sửa đổi, hoàn thiện hệ thống quy định cũng bắt đầu tái xuất.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp tiếp tục than phiền, tốc độ quyết định thủ tục hành chính đang chậm hơn tốc độ quyết định kinh doanh. Nhiều dự án, nhà máy, công trình không đảm bảo tiến độ có nguyên do từ sự phối hợp không nhuần nhuyễn của các bộ, ban, ngành, địa phương. Ngay trong thời điểm này, sự chậm trễ, kém hiệu quả của nhiều giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hay tháo gỡ khó khăn cho một số ngành, lĩnh vực, nguyên do những vướng mắc, không rõ ràng, thiếu nhất quán trong quy định dẫn đến trục trặc trong thực thi vẫn rất lớn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho biết, sau các cuộc làm việc, gặp gỡ với chính quyền địa phương để bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tâm lý chung vẫn là ướm hỏi và chờ đợi.
Nếu giải pháp và lộ trình sửa đổi, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đưa ra lần này thiều căn cơ, rõ ràng, thì rất có thể, nút thắt khó khăn của doanh nghiệp, của nền kinh tế sẽ lại tăng thêm nhiều vòng.