Việc thay đổi này xuất phát từ áp lực của các cổ đông khi CDC nhiều lần hoãn trả cổ tức từ năm 2011 và cho đến thời điểm diễn ra ĐHCĐ năm 2014, CDC mới chỉ trả được 5% cổ tức của năm 2011. Tỷ lệ 5% còn lại được Chủ tịch HĐQT CDC đề xuất chuyển sang trả bằng cổ phiếu.
Lý do thay đổi này là do CDC trong mấy năm qua gặp áp lực lớn về dòng tiền khi số vốn vay ngân hàng bị đọng trong dự án bất động sản chưa bán được, đồng thời lãi suất vay vốn quá cao. Tiền thu được từ hoạt động xây lắp chỉ đủ cho Công ty xoay xở trả lãi ngân hàng. “5% cổ tức chỉ khoảng 7,5 tỷ đồng mà không thu xếp được cũng là một nỗi buồn với chúng tôi, những người quản lý Công ty”, ông Trần Mai Cường, Chủ tịch HĐQT CDC chia sẻ khi cổ đông có ý kiến bức xúc vì cổ tức chưa được thanh toán.
Đây không phải lần đầu tiên phóng viên ĐTCK ghi nhận bức xúc của cổ đông khi CDC liên tục hoãn trả cổ tức. Nhìn vào bức tranh tài chính và thực trạng dự án của CDC, hoàn toàn có thể chia sẻ với Ban lãnh đạo CDC vì sao phải nợ cổ tức.
Tuy nhiên, nhìn từ quyền lợi của nhà đầu tư, việc treo cổ tức và liên tục hoãn không chi trả đã làm sai lệch quyết định của nhiều nhà đầu tư trong mấy năm qua. CDC là cổ phiếu thị giá thấp, dao động từ 4.500 đồng/cổ phiếu đến 9.000 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, nhiều nhà đầu tư đã mua cổ phiếu CDC với kỳ vọng để hưởng cổ tức hoặc tại thời điểm chi trả cổ tức, giá cổ phiếu CDC sẽ tăng lên. Nhưng các quyết định hoãn cổ tức của CDC khiến nhiều nhà đầu tư không hiện thực hóa được lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ tỷ lệ nhất định.
CDC không phải trường hợp cá biệt khi treo cổ tức trong thời gian dài. CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (SMA) đã 9 lần hoãn trả cổ tức của năm 2011 và 2012. Lý do cũng xuất phát từ việc thiếu nguồn tiền để chi trả, do phát sinh chi phí trong xây dựng Nhà máy Thủy điện Đăk Glun. Khi nhà máy đi vào hoạt động thì nguồn tiền vẫn bị thiếu hụt, doanh thu bán điện sụt giảm do mùa khô kéo dài năm 2013 và 2014.
Theo Sở GDCK TP. HCM (HOSE), thời gian qua, Sở đã nhắc nhở một số công ty chậm trả cổ tức. Khi công ty có quyết định chi trả cổ tức, Sở thường kiểm tra báo cáo tài chính để xem doanh nghiệp có nguồn thực để chi trả không. Tuy nhiên, có một thực tế là nguồn trên sổ sách khác nguồn chi trả trên thực tế. Vì vậy, Sở cũng đã kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phải có chế tài với những công ty khất lần cổ tức. Có thể sang năm sẽ có quy định xử phạt DN chậm trả cổ tức.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hằng, Giám đốc Phòng Quản lý và niêm yết HOSE, nếu xử phạt chậm trả cổ tức thì Hội đồng quản trị bị phạt, vì họ là người đưa ra chủ trương mà không thực hiện được. “Nhưng hiện nay chưa có quy định pháp lý nào đề cập đến việc DN chậm trả cổ tức bị phạt, hay cá nhân liên quan bị phạt”, bà Hằng cho biết.
Nếu phạt DN thì cổ đông lại là những người gánh chịu khoản tiền phạt. Cho dù thế nào thì việc treo một khoản cổ tức dẫn đến quyết định sai lầm của nhà đầu tư vào cổ phiếu là điều nên trách trong một thị trường cần sự minh bạch và kỷ luật. Xét các DN chậm trả cổ tức thời gian qua, đa số đều do gặp khó khăn về tài chính kéo dài ngoài dự đoán. Trong bối cảnh này, những người có trách nhiệm chỉ làm một biện pháp đơn giản là xin hoãn chi trả cổ tức là hết nghĩa vụ với cổ đông?
Thay vì nhiều lần xin hoãn, lãnh đạo DN cần nêu thẳng trước ĐHCĐ về những khó khăn để xin hủy phương án trả cổ tức. Hoặc phát đi một thông điệp rõ ràng hơn về khả năng chi trả cổ tức giúp nhà đầu tư hiểu rõ tình hình tài chính của công ty, thay vì chỉ hoãn và hứa hẹn một thời hạn chi trả mới. Chính việc nhiều lần hoãn rồi hứa trả cổ tức khiến nhà đầu tư hy vọng, nắm giữ cổ phiếu để chờ cổ tức. Khi không nhận được đúng hạn, nhà đầu tư lại thấy vọng và bức xúc dồn nén.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc phạt các cá nhân lãnh đạo công ty liên quan đến chậm chi trả cổ tức sẽ tạo ra áp lực minh bạch thông tin hơn về tình hình tài chính cũng như triển vọng sản xuất - kinh doanh của DN. Tuy nhiên, quan điểm này sẽ được UBCK, Bộ Tài chính xem xét kỹ, trong bối cảnh các văn bản pháp quy cao hơn như Luật, Nghị định chưa có điểm nào mở ra khả năng phạt lỗi này.