Chậm thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần, phạt vi phạm như nào?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mới đây, TAND TP Hà Nội xem xét phúc thẩm vụ tranh chấp chuyển nhượng cổ phần giữa cổ đông CTCP Thương mại và phát triển quốc tế IPM.

Trước đó, vào cuối năm 2017, bà Nguyễn Thanh H. đã chuyển nhượng 60.000 cổ phần, chiếm 30% vốn điều lệ Công ty IPM cho ông Hoàng Tuấn D. Cùng với đó, hai bên ký bản thỏa thuận, với nội dung bà H. chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của mình và chuyển giao các chức vụ, quyền lợi cho ông D. với giá trị 6,5 tỷ đồng.

Cùng ngày, Công ty IPM đã họp ĐHĐCĐ họp bầu bổ sung ông Hoàng Tuấn D. là Thành viên HĐQT Công ty. Ông D. giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty.

Sau khi ký thỏa thuận, bà H. đã hoàn tất các thủ tục. Ông D. đã thanh toán số tiền hơn 6,1 tỷ đồng, tương ứng 95% giá trị hợp đồng. Do bà H. nhiều lần yêu cầu nhưng ông D. không trả nốt 5% còn lại, buộc bà H. phải khởi kiện ra tòa án.

Năm 2020, tòa sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của bà H, buộc ông D. phải thanh toán nợ gốc và lãi là 368,5 triệu đồng, gồm nợ gốc 325 triệu đồng, tiền lãi 16,2 triệu đồng, phạt vi phạm hợp đồng (lãi suất 8%) là 27,3 triệu đồng.

Không chấp nhận quyết định trên, bà H. đã có đơn kháng cáo, cho rằng theo điều 4 thỏa thuận, mức phạt vi phạm là 5 triệu đồng/ngày. Do ông D. chậm thanh toán từ ngày 22/12/2018 đến ngày 29/12/2020 nên phải chịu lãi là 2,52 tỷ đồng. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm áp dụng mức phạt vi phạm là 8% theo Luật Thương mại năm 2005 là không đúng.

Theo bà H., Bộ luật Dân sự không quy định giới hạn phạt vi phạm nên cần xác định mức phạt như các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Tại tòa, đại diện của bà H. yêu cầu giảm mức phạt vi phạm từ 5 triệu đồng xuống còn 2 triệu đồng/ngày, buộc ông D. phải thanh toán số tiền 1 tỷ đồng.

Tòa phúc thẩm cho rằng, đây là vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại nên mức phạt vi phạm theo Luật thương mại. Tòa sơ thẩm xác định số tiền phạt vi phạm là 8%, tương đương 27,3 triệu đồng là có căn cứ. Do đó, tòa phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của bà H.

Được biết, Công ty IPM được thành lập năm 2012 gồm 3 cổ đông sáng lập. Năm 2017, Công ty đăng ký thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 7, tăng vốn điều lệ từ 9,9 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng.

Công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

Tin bài liên quan