3 trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế đã có những kết quả bước đầu, nhưng còn bộc lộ hạn chế - Ảnh: Hoài Nam

3 trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế đã có những kết quả bước đầu, nhưng còn bộc lộ hạn chế - Ảnh: Hoài Nam

Chậm tái cơ cấu nền kinh tế, chưa rõ trách nhiệm

(ĐTCK) Báo cáo giám sát phản ánh sinh động thực trạng tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng đánh giá được gì, mất gì, chậm ở cấp nào, và trách nhiệm mỗi cấp như thế nào vẫn chưa rõ.

Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trong buổi thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Nhìn chung, các ý kiến đại biểu đều nhấn mạnh yêu cầu cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong tái cơ cấu nền kinh tế từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Bản Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, đánh giá, 3 trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế đã có những kết quả bước đầu, nhưng còn bộc lộ hạn chế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2015 không đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội (6,5 - 7%), khả năng chỉ đạt 5,8%. Những yếu kém của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, mô hình tăng trưởng mới chưa định hình một cách rõ nét.

Còn nhiều tồn tại trong cả 3 trụ cột về tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, nhưng vấn đề trách nhiệm chưa được đề cập một cách tương xứng, mặc dù bản báo cáo được tổng hợp từ hơn 6.000 trang tài liệu báo cáo của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương về tái cơ cấu.

“Tái cơ cấu gắn liền với đổi mới mô hình, tức là liên quan đến toàn bộ thể chế. Bởi thế, giám sát phải chỉ ra được trong 3 năm qua, từ Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã xây dựng thể chế gì, cái nào đi vào cuộc sống phù hợp, cái nào không phù hợp, vì sao và làm rõ còn thiếu thể chế gì”, đại biểu Quyền nói.

Một ví dụ điển hình là tập đoàn kinh tế, thực hiện thí điểm nhiều năm, đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là qua các vụ việc ở Vinalines, Vinashin, nhưng đến nay hành lang pháp lý vẫn chỉ là văn bản quy định việc thực hiện thí điểm. Những tập đoàn kinh tế là xương sống của doanh nghiệp nhà nước, vậy đổi mới cơ cấu những thực thể này được thực hiện ra sao?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, phải chỉ ra trách nhiệm của những tồn tại, bất cập thuộc về ai? Chính phủ, bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm ra sao? Kể cả Quốc hội cũng phải có trách nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Phan Trung Lý nhận xét, báo cáo ngại nói về trách nhiệm, câu “nặng” nhất liên quan đến trách nhiệm trong báo cáo giám sát cũng chỉ là “chưa thể hiện quyết tâm”.

Theo ông Phan Trung Lý, ngay từ đầu, chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế đã rõ, nhưng việc triển khai không kiên quyết, không rõ ràng. Phương án tái cơ cấu trình Quốc hội từ năm 2011, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, nhưng đến năm 2013, Chính phủ mới có Đề án, trong đó chưa nêu cụ thể, rõ ràng mục tiêu.

Đáng chú ý, báo cáo giám sát nêu kiến nghị: “xem xét dành một phần chi ngân sách để xử lý nợ xấu”. Đại biểu Phan Trung Lý phản đối kiến nghị này. “Nếu đây là kiến nghị của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi sau đó thành kiến nghị của Quốc hội đưa vào Nghị quyết, thì theo tôi, cần phải xem xét lại”, đại biểu Lý nói.

Trước những ý kiến trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bổ sung hoàn thiện báo cáo giám sát, bám sát nội dung chuyên đề giám sát, phải đánh giá được tác động từ tái cơ cấu đến phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, phải đánh giá được từ khâu ban hành chính sách, chỉ đạo, triển khai thực hiện và kết quả từng lĩnh vực so với Đề án và đưa ra giải pháp cho thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu đánh giá trách nhiệm trong thực hiện tái cơ cấu từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hoàn thiện thể chế pháp luật, trách nhiệm của giám sát của Quốc hội, trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương.

Theo Nghị quyết 47/2013/QH13 về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 sắp tới (trong tháng 10 này), Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về tái cơ cấu kinh tế.    

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Phan Trung Lý:

Xử lý nợ xấu phải xem đề án tổng thể, đánh giá như thế nào về VAMC, sắp tới có gì về thể chế, văn bản quy định. Có người đánh giá cao giải pháp khoanh nợ để làm “sạch”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nhưng thực tế cho thấy, VAMC mua nợ 56.000 tỷ đồng, chỉ bán được 16.000 tỷ đồng.

Quan hệ giữa VAMC với SCIC như thế nào, có khác nhau không, là ngân hàng hay tài chính? Nợ xấu không phải là vấn đề của riêng ngành ngân hàng, mà còn là vấn đề của cả xã hội. Ở Hàn Quốc còn huy động, quyên góp của người dân để xử lý nợ xấu, khoanh lại nợ xấu để tránh lây lan.

Tin bài liên quan