Chưa rõ lùi đến kỳ họp nào
Sau nhiều lần miễn cưỡng cho lùi, cho hoãn, năm 2018, Quốc hội quyết định đưa Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào chương trình năm 2020, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra.
Nhưng, trước Kỳ họp, Chính phủ đề nghị được lùi với lý do: nội dung của Dự án Luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn. Đó là các vấn đề như kinh tế, tài chính đất đai; khung giá đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp và an ninh lương thực; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh; chế độ quản lý, sử dụng đất để xây dựng căn hộ, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú; chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo; việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài…
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với đề xuất này, để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục những vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị, xây dựng Dự án Luật bảo đảm chất lượng.
Phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận của Quốc hội cuối tuần qua, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) đề nghị cần đánh giá trách nhiệm của cơ quan liên quan trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, trước khi rút ra khỏi chương trình, bởi dự án luật này đã đưa vào chương trình Kỳ họp thứ 8, sau đó xin rút ra và chuyển qua Kỳ họp thứ 9 và đến giờ lại lùi đến kỳ họp nào cũng chưa nói rõ.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé cũng nhấn mạnh, từ nhiệm kỳ trước, bà đã phản ánh nhiều vướng mắc trong quản lý đất đai, nhiều điều khoản trong luật khó hiểu, khó áp dụng, nhưng đến nay vẫn chưa được đưa ra sửa đổi.
Cho rằng, cần xem xét đưa Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội trong năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị Chính phủ “có động thái tích cực hơn, có trách nhiệm hơn đối với việc chuẩn bị trình dự án luật này”.
Cũng đồng tình, chậm nhất là năm 2021 phải sửa Luật Đất đai, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) nhấn mạnh, vấn đề đất đai luôn được cử tri đặc biệt quan tâm. Cử tri cũng nhiều lần kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, hoàn thiện những vấn đề vướng mắc, phát sinh. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có nội dung liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ rất cao. “Nếu Quốc hội, Chính phủ chậm xem xét, sửa đổi, bổ sung, thì sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và việc giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong thời gian sắp tới”, đại biểu Xuân sốt ruột.
Chưa đầu tư hết công sức
Dẫn quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là ưu tiên các dự án luật triển khai chủ trương của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, đây là sự xác định rất đúng, nhưng với sửa Luật Đất đai, thì việc đưa vào chương trình xây dựng pháp luật và lùi thời hạn lại không đúng với tinh thần này.
“Đây là một đạo luật rất quan trọng cho cả doanh nghiệp và người dân. Hơn 70%, 80%, thậm chí 90% tranh chấp, xung đột hiện nay trong xã hội là do vấn đề đất đai. Doanh nghiệp cũng nguy khốn về đất đai, người dân cũng vô cùng vất vả về đất đai”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận, hệ thống pháp luật đất đai còn nhiều điểm bất hợp lý và là một trong những cản trở lớn nhất cho việc huy động nguồn lực phát triển. Bởi bất cứ công trình, dự án nào cũng đều phải có yêu cầu về tiếp cận đất đai, mà tiếp cận đất đai thì đang là trở ngại, khó khăn hàng đầu.
Chính vì vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị, việc đẩy nhanh sửa đổi Luật Đất đai phải là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long nói, Luật Đất đai là đạo luật hết sức khó, trên thực tế, Chính phủ đã nâng lên, đặt xuống ít nhất 2 lần, 2 lần xin đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, rồi xin rút ra, sau đó đề xuất sẽ có một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý các vấn đề vướng mắc, bức xúc.
“Chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến bức xúc và phê bình của các đại biểu Quốc hội. Tôi thấy nguyên nhân chủ quan là, các cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ cũng chưa đầu tư hết công sức”, Bộ trưởng phát biểu.
Bộ trưởng cũng trình bày nguyên nhân mà theo ông là khách quan. Đó là Luật Đất đai thông qua vào năm 2013, tức là cùng với Hiến pháp năm 2013. Năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương thông qua một nghị quyết về những chính sách cơ bản, định hướng chủ trương về các vấn đề liên quan đến đất đai, đến năm 2021 sẽ tổng kết việc này.
“Bây giờ muộn thì cũng đã muộn rồi, nếu chúng ta cứ tiếp tục đưa vào chương trình, thì sợ chưa chín. Đây là việc khó, Luật Đất đai năm 2013 trình Quốc hội thông qua trong 3 kỳ họp, đồng thời phải xin ý kiến nhân dân”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Lê Thành Long hứa sẽ báo cáo lại Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo cách đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị sửa ngay từ bây giờ, đến năm 2021, khi tổng kết nghị quyết của Trung ương, Luật Đất đai sửa đổi được thông qua được vào đầu nhiệm kỳ thì sẽ là điểm mở đầu rất tốt cho nhiệm kỳ sau.
Luật Đất đai quá nhiều bất cập
Tranh luận với một số đại biểu cho rằng việc rút Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đặt vấn đề: vì sao trước đây Quốc hội lại bấm nút thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó có việc sửa đổi Luật Đất đai. Như vậy, phải chăng trước đây, việc Quốc hội đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là không cần thiết và thiếu chính xác.
Nhấn mạnh Luật Đất đai hiện nay quá nhiều bất cập, bà Tâm kỳ vọng sẽ sửa Luật Đất đai đồng bộ với các luật Quy hoạch đô thị và Xây dựng để khi thực thi sẽ bớt những chồng chéo, vướng mắc, những khó khăn và lỗ hổng về pháp luật. Đặc biệt, công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch phải đồng bộ và hài hòa với lợi ích của người dân và người/tổ chức sử dụng.
“Tại sao những người sử dụng đất sẵn sàng ủng hộ quy hoạch của chính quyền, ủng hộ quyết định thu hồi đất, nhưng đến khi thu hồi đất thì xảy ra chuyện tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, bức xúc trong các tầng lớp nhân dân. Nguyên nhân là do độ vênh pháp luật giữa các luật với nhau”, bà Tâm phát biểu.