Trước đó, ngày 10/5, VAFI cũng đã có công văn với yêu cầu tương tự. Tuy nhiên, đại diện của Sabeco (ông Lê Hồng Xanh – Phó Tổng giám đốc) và đại diện Bộ Công Thương (ông Phan Đăng Tuất – Vụ trưởng, thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp của Bộ) có phản hồi, rằng: "Sabeco chưa đủ điều kiện niêm yết nên đã không thực hiện niêm yết" vì "để Sabeco được niêm yết thì cổ phần nhà nước phải dưới 80%/vốn điều lệ".
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, cả Sabeco và Habeco đều chưa đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu.
VAFI: Sabeco và Habeco hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết
Tuy vậy, theo khẳng định của VAFI thì Sabeco và Habeco hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết. Bởi Nghị định số 84 năm 2010 của Chính phủ có quy định điều kiện niêm yết đó là: “Tối thiểu 20% cổ phần có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không phải là cổ đông lớn nắm giữ trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chuyển đổi thành công ty cổ phần theo qui định của Thủ tướng chính phủ”.
Điều này có ý nghĩa rằng mọi DNNN đã cổ phần hóa mà kinh doanh có lãi và có trên 100 cổ đông đều đủ tiêu chuẩn niêm yết, không tính tới việc cổ đông bên ngoài nắm giữ bao nhiêu cổ phần.
Năm 2012, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 58 thay thế các quy định cũ thì các DNNN đã được cho phép thực hiện cổ phần hóa phải gắn với việc niêm yết, bất kể tỷ trọng nhà nước là bao nhiêu, chẳng hạn như BIDV đang niêm yết với cổ phần nhà nước chiếm tới 95%/vốn điều lệ.
Việc "trốn" niêm yết của Sabeco và Habeco, theo VAFI là đã xâm phạm lợi ích của tất cả cổ đông, tước đi quyền và lợi ích của các cổ đông và hạ thấp giá trị của chứng khoán.
Không bị mất thương hiệu doanh nghiệp khi thoái toàn bộ vốn nhà nước
VAFI cho rằng, nếu như Sabeco và Habeco được niêm yết sớm và nếu như Bộ Công Thương lựa chọn được nhân sự giỏi làm người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì giá trị tài sản nhà nước tại hai doanh nghiệp này phải cộng thêm ít nhất 1 tỷ USD nữa.
Cho rằng phương án bán hết vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco là lựa chọn "cực kỳ thông minh", VAFI lý giải, khi đó giá trị doanh nghiệp sẽ đạt được giá tối đa. Còn nếu nhà nước tiếp tục nắm giữ 36% cổ phần, tức là tiếp tục nắm giữ quyền phủ quyết tại đại hội cổ đông và có thể tiếp tục cử cán bộ không đủ năng lực tham gia HĐQT thì giá bán sẽ giảm và như vậy thu ngân sách sẽ giảm rất nhiều.
Có ý kiến cho rằng nếu bán toàn bộ cổ phần nhà nước thì 2 thương hiệu Sabeco và Habeco sẽ lọt vào tay nhà đầu tư nước ngoài. Khả năng này có thể xảy ra song theo VAFI, thương hiệu Sabeco và Habeco không mất bởi "nếu không còn thương hiệu này thì coi như nhà đầu tư nước ngoài tự sát".
Ngoài ra, hiệp hội này cũng nhận xét, việc điều một số cán bộ công chức từ Bộ Công Thương xuống doanh nghiệp làm thành viên HĐQT là không đủ tiêu chuẩn. Chẳng hạn, điều Chánh Văn phòng Bộ không có kinh nghiệm và thành tích về quản trị doanh nghiệp về làm Chủ tịch HĐQT Sabeco.
"Bộ Công Thương nên hiểu rằng Chủ tịch HĐQT phải là linh hồn của doanh nghiệp, phải có nhiều thành tích xuất sắc về quản trị doanh nghiệp, phải kinh qua thử thách tại nhiều vị trí công tác tại doanh nghiệp...", theo VAFI.
Bên cạnh đó, Hiệp hội này đặt câu hỏi về việc Bộ Công Thương cử một nhân sự trẻ (sinh năm 1986) về làm thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco sau khi từng làm lỗ rên 220 tỷ đồng trong 2 năm đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI). Điều đáng nói là trước đó (năm 2008, 2009, 2010), PVFI đều có lãi.
VAFI cho biết, sau khi khiến PVFI đã gần như tê liệt mọi hoạt động như 1 con tàu đã bị đắm chỉ còn chờ thanh lý tài sản, vị tổng giám đốc trên bị miễn nhiệm, về Bộ Công Thương công tác, nhưng hơn 1 năm sau đó lại được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Sabeco với mục đích bổ nhiệm là: "Nhằm tăng cường nhân sự trẻ, có năng lực và kinh nghiệm quản lý điều hành doanh nghiệp làm tiền đề cho việc trẻ hóa nguồn cán bộ lãnh đạo của Sabeco".