VN-Index vẫn chưa phục hồi được điểm số kể từ phiên giao dịch lập kỷ lục về thanh khoản 9/8. Có ý kiến cho rằng, do thị trường đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết nên sẽ có sự điều chỉnh tiếp. Quan điểm của ông như thế nào?
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán trong nước có nhiều phiên giao dịch có khối lượng đột biến, nhưng phiên 9/8 là phiên kỷ lục. Điều nguy hiểm là nhà đầu tư mua ở vùng 790 điểm (mở cửa phiên 9/8 - PV) và nay Index về vùng 760 điểm chịu thua lỗ nặng sẽ có tâm lý tiêu cực. Nếu thời gian để VN-Index lấy lại mức điểm trên càng kéo dài thì áp lực càng lớn vì nhà đầu tư phải trả lãi vay margin, nếu giá tiếp tục giảm thì áp lực call margin còn mạnh hơn.
Đáng chú ý, với thông tin mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm của ngành ngân hàng được điều chỉnh lên 21%, ước tính sẽ có gần 700.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế trong 5 tháng còn lại. Theo nguyên tắc, tiền được bơm vào nền kinh tế thì giá cổ phiếu cũng được tác động tích cực, nhưng vì sao đến nay không tăng? Như vậy, có thể hiểu, cổ phiếu đã hết lực tăng.
Ông Phan Dũng Khánh
Tính hết tháng 7, chỉ số VN-Index tăng khoảng 17 - 18%. Trong khi đó, tăng trưởng của nền kinh tế khoảng 6%, còn đối với doanh nghiệp, chỉ cần tăng trưởng lợi nhuận 20% trong cả năm đã là rất xuất sắc. Theo thống kê, nhiều doanh nghiệp có báo cáo lợi nhuận không bằng cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp còn lỗ nhiều hơn.
Trong bối cảnh trên, thị trường cần điều chỉnh và đang trong xu hướng điều chỉnh. Sáu tháng đầu năm, thị trường có thể đã hình thành đỉnh; nếu chưa thì đỉnh sẽ đâu đó quanh 800 điểm. Điều này khá dễ lý giải khi động lực tăng ở các cổ phiếu dẫn dắt yếu, chưa kể những cổ phiếu được xem là “vua” nhiều năm qua không sụt giảm thì thời gian qua đã giảm rất mạnh, điển hình là BMP; mặt khác, có nhiều cổ phiếu đang ở đỉnh của đỉnh như VND, SSI, REE…
Diễn biến ở thị trường thế giới trong 2 tháng qua phản ánh điều gì, có ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam, thưa ông?
Trong 2 tháng nay, nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực châu Á, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông và giờ là thị trường Việt Nam đã có những phiên sụt giảm đáng kể sau đà tăng mạnh từ năm ngoái đến nay.
Tại thị trường Mỹ, chỉ số VIX tháng trước (chỉ số đo lường sự sợ hãi của nhà đầu tư) lại đang thấp nhất trong lịch sử, có nghĩa là nhà đầu tư đang rất lạc quan. Kể từ giữa năm 2016 đến nay, chứng khoán Mỹ chưa có đợt sụt giảm 5% nào, xác lập chuỗi tăng điểm dài nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ.
Điều này sẽ là hoàn toàn bình thường trong điều kiện nền kinh tế tốt. Tuy nhiên, Blackstone Group, tập đoàn tài chính chuyên đầu tư vốn cổ phần tại Mỹ, đang quản lý tài sản hơn 1.000 tỷ USD đã đưa ra những cảnh báo đáng chú ý.
Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 3 lần, dự kiến tháng 9 tới đây sẽ tăng tiếp và các gói QE đã chấm dứt, đồng nghĩa chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng thị trường chứng khoán lại ngày càng tăng vọt. Theo cảnh báo của Blackstone, thị trường chứng khoán đang vượt trội bảng cân đối tài chính của Fed.
Ngoài ra, đồng Bitcoin đang lên cao nhất trong lịch sử - được xem như một dạng của vàng- tức nhà đầu tư có sự lo ngại trong các kênh đầu tư thường sẽ tìm tới nơi trú ẩn khác như vàng, Bitcoin. Hiện giá vàng cũng đang xu hướng tăng lên dù chưa mạnh.
Trong xu thế chung đó, thị trường chứng khoán khó có thể tiếp tục tăng, bởi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập với kinh tế thế giới.
Các cổ phiếu mới lên sàn không còn tăng như làn sóng diễn ra thời gian qua và sự tăng giá mạnh mẽ của cổ phiếu nhỏ (penny) trong thời gian gần đó có phải xu hướng dòng tiền đang đảo chiều?
Từ cuối năm 2016 đến nay, nhiều cổ phiếu thuộc doanh nghiệp quy mô lớn như NVL, VJT, SAB… tăng mạnh sau khi lên sàn, nhiều nhà đầu tư đã gom cổ phiếu ngoài sàn để đón đầu sóng tăng này. Nhưng nay, một số cổ phiếu lên sàn lại giảm so với thời điểm giao dịch trên thị trường tự do. Các cổ phiếu lớn kể trên cũng đang xu hướng giảm dần đều cho thấy xu hướng tăng của thị trường đang yếu đi.
Dòng tiền đang đảo chiều, chứ chưa rút ra khỏi thị trường, bắt đầu chuyển sang nhóm penny. Lịch sử cũng cho thấy, giai đoạn năm 2008 – 2012, thị trường giảm rất mạnh, nhiều cổ phiếu penny có mức tăng tính bằng lần như VE9, PVA…
Gần đây, các cổ phiếu penny tăng mạnh như HAI, HAR, trước đó có QCG, OGC. Dĩ nhiên, “bạo phát thì bạo tàn”, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi lựa chọn các cổ phiếu dòng này, mà nên ưu tiên những cổ phiếu có nền tảng cơ bản thật sự tốt sẽ giảm thiểu rủi ro.