Đầu năm nay, Grab đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính (fintech), công nghệ di động mới (mobility) và logistics.
Ngày 17/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP về vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải, có hiệu lực vào ngày 1/4/2020, chấm dứt thí điểm mô hình taxi công nghệ đã khiến đối tác tài xế của Grab hoang mang.
Đại diện Grab cho rằng, việc chấm dứt thí điểm mô hình taxi công nghệ là do khi Nghị định 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực, sẽ thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP và Quyết định 24, nên không có gì phải lo lắng.
Theo Công văn số 1755/VPCP-CN ngày 23/2/2018 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý kéo dài thời gian thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1850/TTg-KTN cho đến khi có Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP) được ban hành và có hiệu lực thi hành.
“Quyết định dừng thí điểm này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab tại Việt Nam. Hành khách vẫn có thể đặt xe, gọi đồ ăn, giao hàng bình thường. Đối tác tài xế của Grab vẫn hoạt động bình thường trên nền tảng ứng dụng Grab. Kể từ ngày 1/4/2020, hoạt động của Grab sẽ tuân thủ chặt chẽ theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP”, vị đại diện này nói.
Đại diện Grab cho biết, Công ty đang nghiên cứu Nghị định 10/2020/NĐ-CP để tìm ra lựa chọn tốt nhất cho mô hình hoạt động của mình, đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động đó.
Đầu năm nay, Grab cho biết sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính (fintech), công nghệ di động mới (mobility) và logistics.