Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh An Giang tỏ ra băn khoăn về quy định tại Điều 17.5: HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư công trình, dự án trọng điểm nhóm B của địa phương… “Có nên giao cho HĐND quyết định các dự án nhóm B hay để Chính phủ quyết định cho công bằng. Bởi nếu như vậy, HĐND có quyền quyết định, nhưng lại không phải chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư”, ông Khánh đặt vấn đề.
Đồng tình với ý kiến của ông Khánh, đại biểu tỉnh Bến Tre cho rằng, quy định như thế nào là công trình trọng điểm ở các địa phương cũng khá phức tạp, quyền quyết định nên thuộc về Chính phủ để tránh so bì giữa các địa phương. Đại biểu tỉnh Bến Tre góp ý thêm, Điều 81 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân (UBND) cũng cần nêu rõ hơn nữa nội dung quản lý của UBND các cấp, để trách sơ hở, dẫn đến sai sót khi thực hiện.
Bàn luận về vấn đề đầu tư công thời gian qua tại sao lãng phí lớn và trách nhiệm quy về ai, đại biểu Hoàng Thanh Tâm, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh Trà Vinh nhận định, do chưa có văn bản nào quy định tội danh lãng phí nên mới có tình trạng cả nước lãng phí, chứ không chỉ riêng địa phương nào. Tuy nhiên, chống sự lãng phí đó bằng cách nào thì Dự thảo Luật Đầu tư công chưa thể hiện rõ.
Đại biểu Hoàng Thanh Tâm cũng không đồng ý với ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Khánh rằng, HĐND không có trách nhiệm gì với quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trọng điểm nhóm B. “Các cấp quyết vấn đề gì thì phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó”, ông Tâm nói.
Theo ông Hùynh Thành Lập, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, Dự thảo Luật Đầu tư công ra đời là một cố gắng lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự thảo đã thể hiện được sự phân cấp, tính công khai, minh bạch và đảm bảo quyền quyết định của UBND, HĐND.
Tuy nhiên, về thẩm quyền quyết định chương trình, dự án đầu tư công trong Dự thảo Luật cũng cần làm rõ nội dung: HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trọng điểm nhóm B (Điều 17.5); Chủ tịch UBND quyết định đầu tư các chương trình, dự án nhóm A, B, C… (Điều 28.3). Vậy trách nhiệm với dự án đầu tư này thuộc về HĐND hay Chủ tịch UBND? Ông Lập cũng băn khoăn về quy định tại Điều 80.3 về quyền hạn của HĐND trong việc giám sát thực hiện kế hoạch đầu tư công của địa phương. “Cần phải nêu cụ thể hơn HĐND được giám sát cái gì?”, ông Lập nói.
Góp ý cho Dự thảo Luật, ông Trương Văn Vở, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Dự luật đã khá chặt chẽ, tuy nhiên, cần phải thống nhất thêm một số khái niệm. Chẳng hạn, thế nào là dự án kém hiệu quả? Ví dụ như, một số dự án thủy điện có thể có hiệu quả về mặt kinh tế, nhưng hiệu quả về mặt xã hội thì còn phải bàn.
Cũng như một số đại biểu khác, ông Vở đề nghị cần nêu rõ tiêu chí công trình trọng điểm là như thế nào để từ Trung ương tới địa phương có cơ sở xem xét cụ thể. Vì hiện nay phát triển theo vùng kinh tế nên việc xác định công trình trọng điểm sẽ khó thống nhất.
“Phải quy định cụ thể từng khái niệm thì mới có căn cứ để xử lý trách nhiệm cũng như xác định thẩm quyền của từng cá nhân và tổ chức”, ông Vở chia sẻ.
Về tổng thể, theo ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, Dự án Luật Đầu tư công nếu được Quốc hội thông qua sẽ là bước đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động đầu tư bằng vốn ngân sách. Và để thông qua một dự án Luật có tính đổi mới này đòi hỏi phải có sự chấp nhận “hy sinh” những lợi ích cục bộ của một số bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, khi Luật được thực hiện, sẽ chấm dứt được tình trạng tùy tiện trong việc quyết định chủ trương đầu tư hiện nay.
Giải đáp các ý kiến của nhiều đại biểu về thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Thủ tướng đã phân cấp cho các địa phương quyết định phê duyệt dự án, Thủ tướng chỉ phê duyệt chủ trương đầu tư.
“Dự thảo Luật Đầu tư công có những quy định rất mới, chẳng hạn như thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Tình trạng lãng phí không ai chịu trách nhiệm cũng là do chủ trương không sát. Với những quy định trong Luật, các địa phương khi làm dự án phải nghiên cứu, khảo sát, lập kế hoạch rất chi tiết, cụ thể mới có thể được phê duyệt thực hiện”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Được biết, sau khi khi tổ chức Hội nghị để tiếp thu, lấy ý kiến các đại biểu tại khu vực miền Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, dự kiến đến cuối tháng 3/2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị lần 3 tại Hà Nội để hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đầu tư công, dự kiến trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng 5 tới.