Chấm dứt hoạt động Tổng công ty Đầu tư hạ tầng giao thông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long trực thuộc Bộ GTVT sẽ sớm được tổ chức lại cho phù hợp với tình hình mới.
Tổng công ty Cửu Long được Bộ GTVT thành lập năm 2011 với mức vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, từng được kỳ vọng là đầu mối trong việc thu hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc trọng yếu ở phía Nam.

Tổng công ty Cửu Long được Bộ GTVT thành lập năm 2011 với mức vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, từng được kỳ vọng là đầu mối trong việc thu hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc trọng yếu ở phía Nam.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 240/TB – VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc họp về việc tổ chức lại Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) được tổ chức hôm 7/7.

Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực đồng ý chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Cửu Long và thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận) là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Nội vụ hoàn thiện các dự thảo Quyết định thành lập PMU Mỹ Thuận, sửa đổi Quyết định số 33/QĐ-TTg ngày 9/1/2018 và Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 2/3/2016 để bổ sung PMU Mỹ Thuận vào Danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT và Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với các quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 8 năm 2020.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý sáp nhập Tổng công ty  Cửu Long thuộc Bộ GTVT vào Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam thuộc Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xác định tài chính, tài sản với tính chất là tài sản của doanh nghiệp, quyền, nghĩa vụ mà Tổng công ty Cửu Long bàn giao cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy, kiện toàn nhân sự của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Được biết, Tổng công ty Cửu Long được Bộ GTVT thành lập năm 2011 với mức vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, trong đó, PMU Mỹ Thuận (thành lập năm 1994) là nòng cốt của công ty mẹ; 2 đơn vị bảo trì đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường 715 và Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác cầu Cần Thơ) là công ty thành viên. Thời điểm thành lập, Tổng công ty Cửu Long được Bộ GTVT kỳ vọng là đầu mối trong việc thu hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến cao tốc trọng yếu ở phía Nam.

Trên thực tế, việc dừng thí điểm mô hình Tổng công ty Cửu Long đã được Bộ GTVT tính đến từ cuối năm 2017, khi hoạt động của Tổng công ty bộc lộ nhiều khiếm khuyết, trong đó, vốn điều lệ chưa được cấp đủ (thực tế vốn điều lệ được cấp đến nay là 136,42/1.500 tỷ đồng, chỉ đạt khoảng 9%); không tham gia đầu tư tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và chưa thực hiện được nhiệm vụ vay lại vốn vay thương mại.

Hoạt động của Tổng công ty Cửu Long chủ yếu thực hiện công tác quản lý dự án. Vì vậy, giữa mô hình tổ chức bộ máy (doanh nghiệp) với tình hình sản xuất, kinh doanh (quản lý dự án) chưa thực sự phù hợp.

Để xử lý các bất cập trong mô hình tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Cửu Long, tại Tờ trình số 10922/BGTVT – TTr ngày 18/11/2019, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương kết thúc mô hình thí điểm và chấm dứt hoạt động của Tổng công ty Cửu Long, đồng thời quyết định thành lập PMU Mỹ Thuận trực thuộc bộ này.

Cùng với việc đưa PMU Mỹ Thuận vào danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho chuyển một phần tài sản của Tổng công ty Cửu Long sau khi kết thúc mô hình thí điểm (chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp) sang PMU Mỹ Thuận, bao gồm trụ sở làm việc, xe ô tô, một số máy móc thiết bị và điều chuyển tài sản, các nghĩa vụ liên quan còn lại, trong đó có các công ty con cho VEC thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tin bài liên quan