Đồng loạt ngừng cung cấp gói Facebook, YouTube
Từ ngày 1/1/2018, cả 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone đã “âm thầm” ngừng cung cấp các gói cước data chuyên biệt truy cập Facebook, YouTube. Khi khách hàng đăng ký các gói cước này thì nhận được tin nhắn từ chối cung cấp dịch vụ.
“Từ ngày 1/1/2018, Viettel tạm dừng cung cấp gói cước Facebook. Quý khách có thể sử dụng Facebook bằng các gói cước data khác của Viettel…”, tổng đài 191 của Viettel thông báo.
Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, đại diện nhà mạng Viettel cho biết, việc tạm dừng cung cấp các gói data chuyên biệt truy cập Facebook và YouTube từ ngày 1/1/2018 là “nhằm quy hoạch lại các gói cước sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế và phục vụ khách hàng tốt hơn. Trong thời gian tạm dừng chính sách, khách hàng vẫn có thể truy cập Facebook và YouTube bình thường thông qua các gói cước data khác mà Viettel đang cung cấp”.
Tương tự, đại diện MobiFone cũng cho biết: “Với mục tiêu hoàn thiện các gói cước data hiện tại và tiến tới cung cấp các gói cước tốt hơn cho khách hàng trong thời gian tới, MobiFone tạm dừng cung cấp các gói Facebook Data, Video Data, Facebook Flex… Khách hàng vẫn có thể truy cập Facebook, YouTube với tốc độ cao khi sử dụng các gói data rất ưu đãi khác của MobiFone”.
Bản chất của các gói cước data truy cập Facebook, YouTube mà các nhà mạng cung cấp bấy lâu nay là mức cước quá rẻ, dưới giá thành và thậm chí là miễn phí (chỉ truy cập text, không load ảnh). Ví dụ, với các gói cước 3.000 đồng/ngày, 15.000 đồng/tuần, khách hàng của Viettel được lướt Facebook tốc độ cao không giới hạn dung lượng trong ngày.
Hay với MobiFone, gói FB1 với giá 3.000 đồng/ngày miễn phí truy cập Facebook và tặng 100 MB để truy cập Internet; gói FB30 có giá 20.000 đồng/tháng ngoài việc miễn phí data truy cập Facebook còn tặng thêm 300MB… Còn VinaPhone có các gói cước như FB7, FB30, B70FB, B90FB, B120FB, B200FB, B300…, trong đó, gói FB7 giá 15.000 đồng, thời gian sử dụng 7 ngày và truy cập Facebook miễn phí…
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, theo quy định của pháp luật về viễn thông, thì việc khuyến mại, giảm giá không được quá 50% giá trị thực tế đang lưu hành. Vì vậy, việc cung cấp các gói cước Facebook, YouTube dù có lợi cho người tiêu dùng vì giá rẻ, nhưng lại vướng các quy định của Luật Cạnh tranh.
Còn theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, về nguyên tắc, việc khuyến mại được giới hạn ở mức cụ thể, việc hạ giá quá thấp so với mức khuyến mại đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ bị thất thu thuế giá trị gia tăng.
Cần sự bình đẳng trong cạnh tranh
Liên quan đến vấn đề này, cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, hiện có tình trạng gần như “bảo hộ ngược” cho doanh nghiệp nước ngoài. Ví như nhà mạng có những gói cước tạo điều kiện truy cập Facebook, doanh nghiệp cho các đơn vị này đặt máy chủ miễn phí, trong khi các doanh nghiệp khác như VNG, VCCorp lại phải đi thuê...
Nhiều doanh nghiệp nội dung số bức xúc cho rằng, chính sách ưu ái của các nhà mạng cho Facebook và Google đang ‘bảo hộ ngược’ cho các doanh nghiệp nội dung số nước ngoài
“Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang tìm cách để có những chính sách phù hợp. Chúng ta không cấm doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, nhưng phải đưa ra các chính sách để tạo bình đẳng giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước”, ông Tuấn khẳng định.
Không chỉ có việc nhà mạng cung cấp các gói cước data “rẻ mạt”, “gần như cho không” khi truy cập Facebook, Google, mà theo số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), các doanh nghiệp có hạ tầng mạng lớn như Viettel, VNPT, FPT đang cho Facebook, Google thuê chỗ đặt máy chủ tại trung tâm dữ liệu của doanh nghiệp. Cụ thể, Facebook có 300 máy chủ đặt tại Việt Nam, Google có 1.238 máy chủ đặt tại Việt Nam.
Đáng chú ý là các nhà mạng Việt Nam đang cho Facebook và Google hưởng chính sách ưu đãi miễn cước dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ và cước kết nối Internet khi kết nối máy chủ vào mạng Internet trong nước và quốc tế của doanh nghiệp, trong khi vẫn thu cước của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nội dung tương tự.
Nhiều doanh nghiệp nội dung số bức xúc cho rằng, chính sách ưu ái của các nhà mạng cho Facebook và Google đang “bảo hộ ngược” cho các doanh nghiệp nội dung số nước ngoài. Điều này gây bất bình đẳng và thiệt thòi cho các doanh nghiệp nội dung số trong nước.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Đầu tư đã gửi câu hỏi cho các nhà mạng cung cấp dịch vụ đặt máy chủ miễn phí cho Facebook, Google rằng: “Nhà mạng có ngừng cung cấp máy chủ miễn phí cho Facebook, Google hay không?”, nhưng chưa nhận được câu trả lời.