Những con số đáng suy ngẫm
Báo cáo cho thấy, danh sách doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm qua gồm 364 đơn vị, tương ứng với tỷ lệ khoảng 50%, thấp hơn so với tỷ lệ 52% của kỳ khảo sát liền trước.
Xét theo quy mô vốn hoá, năm 2023, nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn (Large Cap) có 44/72 doanh nghiệp đạt chuẩn công bố thông tin, tương đương 61% và đây là nhóm có tỷ lệ đạt chuẩn cao nhất; nhóm vốn hóa vừa (Mid Cap) có 118/219 doanh nghiệp, tương đương tỷ lệ 54% đạt chuẩn công bố thông tin; tỷ lệ này ở nhóm vốn hóa nhỏ và siêu nhỏ (Small & Microcap) là 46%.
Như vậy, nhóm Large Cap tiếp tục giữ vững vị trí có tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn công bố thông tin cao nhất trên thị trường và cách tương đối xa so với hai nhóm còn lại. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn công bố thông tin của nhóm Large Cap và Small & Microcap giảm nhẹ so với năm ngoái, tương ứng với mức giảm lần lượt là 3 điểm phần trăm và 4 điểm phần trăm. Riêng nhóm Mid Cap tăng nhẹ 1 điểm phần trăm, lên mức 54%.
Xét trên những ngành tiêu biểu, chứng khoán là ngành có tỷ lệ doanh nghiệp đạt chuẩn công bố thông tin năm 2023 cao nhất thị trường, với 20/25 doanh nghiệp đạt chuẩn, tương đương tỷ lệ 80%. Con số này lớn hơn rất nhiều so với ngành đứng vị trí kế tiếp là ngân hàng (tỷ lệ đạt 65%). Nhóm doanh nghiệp bất động sản dù có sự cải thiện lớn về tỷ lệ đạt chuẩn công bố thông tin nhưng vẫn đứng ở giữa bảng xếp hạng.
Xây dựng và bảo hiểm là hai ngành đứng cuối bảng xếp hạng về tỷ lệ đạt chuẩn công bố thông tin trong năm 2023. Trong đó, ngành bảo hiểm gây bất ngờ với tỷ lệ đạt chuẩn chỉ là 33% (năm 2022 có 5 doanh nghiệp nhóm này đạt chuẩn công bố thông tin nhưng đến 2023, chỉ còn 3 doanh nghiệp).
Khi thống kê tỷ lệ các doanh nghiệp niêm yết đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn công bố thông tin năm 2023 theo một số tiêu chí, có thể thấy, 100% doanh nghiệp đạt chuẩn công bố thông tin đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên lần đầu thành công, tuân thủ quy định chi trả cổ tức và quy định giao dịch cổ phiếu; đồng thời trên 90% các doanh nghiệp này không nằm trong diện cảnh báo, kiểm soát và được kiểm toán chấp nhận toàn phần.
Đối với các doanh nghiệp niêm yết chưa đạt chuẩn công bố thông tin, các chỉ tiêu kể trên có tỷ lệ doanh nghiệp đáp ứng thấp hơn đáng kể so với nhóm đạt chuẩn công bố thông tin, ngoại trừ hai chỉ tiêu về tuân thủ quy định chi trả cổ tức và quy định giao dịch cổ phiếu. Đối với chênh lệch lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán, hai nhóm không có sự khác biệt quá lớn, cho thấy hiện vẫn còn khoảng 1/3 doanh nghiệp niêm yết chưa hạch toán và công bố chính xác số liệu về lợi nhuận thuần.
Nếu như trong năm 2022, doanh nghiệp thường chưa đáp ứng được quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán liên quan đến đại hội cổ đông thường niên thì trong năm 2023, các lỗi liên quan đến báo cáo tài chính lại áp đảo. Trong kỳ, có 161 doanh nghiệp bị các cơ quan quản lý nhắc nhở hoặc xử lý vi phạm về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Việc vi phạm các quy định trong công bố thông tin (trễ hạn, không công bố hoặc quá hạn gửi thông tin) đang diễn ra phổ biến, với khoảng 50% số trường hợp vi phạm quy định liên quan đến công bố thông tin.
Nâng cao tính minh bạch, cần chế tài mạnh hơn
Thống kê cho thấy, 100% doanh nghiệp đạt chuẩn công bố thông tin đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên lần đầu thành công.
Thực tế tại nhiều thị trường chứng khoán đang phát triển cho thấy, việc phụ thuộc vào mức độ tự nguyện trong cung cấp thông tin của các doanh nghiệp niêm yết thường đem lại hiệu quả không cao, do các doanh nghiệp hiện nay chưa hiểu đúng về các lợi ích của minh bạch thông tin. Kể cả khi các cơ quan quản lý có đưa ra hệ thống các quy định, văn bản pháp luật đầy đủ về nghĩa vụ công bố thì việc tuân thủ của các công ty vẫn rất hạn chế. Một số công ty công khai thông tin mang tính hình thức, thông tin không đầy đủ, thậm chí đôi khi còn thiếu chính xác nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, để nâng cao minh bạch thông tin thị trường, vai trò của thanh tra, giám sát thị trường là rất quan trọng. Cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động trên thị trường chứng khoán; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích; thực hiện phân bảng cổ phiếu niêm yết, nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu trong từng bảng; bổ sung các tiêu chí về quản trị công ty, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng và tỷ lệ lợi nhuận trên quy mô vốn. Đồng thời, cần nâng cao khả năng phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm theo chế tài xử phạt đối với các công ty không công bố thông tin theo quy định.
Thứ hai, cân nhắc việc áp dụng thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN và tăng cường liên kết trao đổi thông tin quốc tế. Việc áp dụng thẻ điểm quản trị doanh nghiệp ASEAN sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường chất lượng quản trị theo tiêu chuẩn của khu vực, từ đó nâng cao chất lượng hàng hoá trên thị trường chứng khoán nội địa. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình kết nối và trao đổi thông tin giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và các thị trường khu vực nhằm tăng cường chất lượng công khai thông tin theo các thông lệ quốc tế cũng như nâng cao mức độ minh bạch của thị trường cũng như các chủ thể tham gia thị trường.
Thứ ba, cần đảm bảo đúng tiến độ áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ VAS sang IFRS, đặc biệt là tại các doanh nghiệp có quy mô vốn hóa vừa và nhỏ, thông qua việc tổ chức các khóa tập huấn đối với bộ phận tài chính - kế toán của công ty, ban hành sổ tay hướng dẫn công việc, thành lập các tổ tư vấn, xây dựng kênh giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp...
Thứ tư, cần tăng cường các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Thực tế, tình trạng vi phạm quy định về công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính không suy giảm trong các năm qua. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, nhưng nguyên nhân quan trọng là hiện nay chưa có chế tài cụ thể các vi phạm về công bố thông tin tài chính. Chẳng hạn, nếu kết quả công bố của một công ty trước và sau kiểm toán có chênh lệch thì hiện nay, các đối tượng này chỉ cần giải trình sự chênh lệch đó, hoàn toàn không có biện pháp chế tài hay xử phạt nặng nào đối với nội dung công bố trên.
Thứ năm, cần tích cực hoàn thiện cơ chế quản trị công ty tại các doanh nghiệp niêm yết. Nhiều ví dụ cho thấy cơ chế quản trị công ty chưa tốt dẫn đến thông tin công bố trước và sau kiểm toán còn sai lệch nhiều, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư vào các thông tin mà các doanh nghiệp niêm yết công bố. Hội đồng quản trị doanh nghiệp cần tăng cường các hoạt động giám sát, báo cáo các rủi ro của công ty, đặc biệt là bảo đảm có chính sách, quy trình để thiết lập môi trường kiểm soát hiệu quả, trong đó có việc thành lập bộ phận kiểm toán nội bộ. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của cổ đông, hạn chế hành vi lạm quyền hay lợi dụng kẽ hở để mưu lợi riêng tư của nhà quản lý.