Quán quân và đội sổ
Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) vừa công bố Báo cáo Chỉ số APCI 2018 với những thông tin đáng chú ý. Báo cáo này đánh giá chi phí thực tế mà doanh nghiệp và tổ chức phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định hiện hành.
Việc thu thập thông tin về gánh nặng chi phí của doanh nghiệp được tiến hành trực tiếp với những doanh nghiệp đã thực hiện TTHC trong 6 tháng cuối năm 2017 thuộc 1 trong 8 nhóm TTHC quan trọng tại 63 tỉnh, thành phố bao gồm: Khởi sự doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh; thuế; đầu tư; giấy phép và chứng chỉ hành nghề; hải quan; đất đai; môi trường; xây dựng.
Những nhóm TTHC được APCI 2018 ưu tiên lựa chọn đã và đang được các tổ chức quốc tế lựa chọn để đánh giá môi trường kinh doanh quốc gia (Chỉ số Doing Business) của Ngân hàng Thế giới và năng lực cạnh tranh quốc gia (Chỉ số về năng lực cạnh tranh quốc gia) của Diễn đàn kinh tế thế giới.
“2018 là năm đầu tiên Chỉ số APCI được công bố. Đây là sáng kiến được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và nhiều tổ chức quốc tế quan tâm. Chúng ta không chỉ phấn đấu để có mặt trong Top đầu ASEAN về môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn nỗ lực vươn lên đạt tiêu chí của các nước trong OECD”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC cho biết.
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Văn phòng Chính phủ, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội đồng tư vấn cải cách TTHC, trong số 8 TTHC được khảo sát, nhóm thủ tục liên quan đến thuế đạt thứ hạng cao nhất.
Kết quả khảo sát từ doanh nghiệp cho thấy, chi phí tuân thủ trung bình của TTHC thuế là thấp nhất khi chỉ mất 2,9 giờ làm việc để thực hiện thủ tục (từ lúc tìm hiểu thông tin đến nhận kết quả), với chi phí tuân thủ trung bình là 73.700 đồng/lần thực hiện, tương đương 0,58% chi phí tuân thủ trung bình của 8 nhóm TTHC được khảo sát (12,7 triệu đồng) và chỉ tương đương với 0,1% chi phí tuân thủ cao nhất là nhóm TTHC xây dựng với 64,1 triệu đồng.
Tuy đứng ở thứ hạng cao nhất, nhưng với TTHC thuế, phần lớn doanh nghiệp trả lời khảo sát về thủ tục khai thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ đều gặp lỗi Java hoặc lỗi phần mềm, khiến cho việc nộp hồ sơ mất thời gian, đặc biệt là vào những ngày gần cuối hạn nộp hồ sơ.
Hầu hết doanh nghiệp trả lời đều khuyến nghị Tổng cục Thuế nên nâng cấp phần mềm khai thuế để việc thực hiện thủ tục được nhanh gọn và hiệu quả hơn.
Xếp vị trí thứ hai sau “ngôi vương” nhóm thuế là nhóm TTHC liên quan đến khởi sự doanh nghiệp/đăng ký kinh doanh, với chi phí tuân thủ trung bình là 700.000 đồng/lần thực hiện, thời gian để thực hiện thủ tục là 10,4 giờ làm việc.
Hiện các doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục như: Đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chuyển đổi công ty… đều có thể thực hiện trực tuyến.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thực hiện TTHC khởi sự doanh nghiệp còn có nhiều băn khoăn liên quan đến quy trình thực hiện thủ tục, yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí tuân thủ và chi phí trực tiếp của nhóm thủ tục này.
Cụ thể, tại địa phương có thời gian thực hiện TTHC cao nhất là Hà Nội, sau khi đã nộp hồ sơ trực tuyến, doanh nghiệp vẫn phải nộp bổ sung bản cứng.
Do đó, các doanh nghiệp phản ánh, họ mất nhiều thời gian để hiểu và điền chính xác các nội dung trong biểu mẫu, cũng như thời gian đi lại để thu thập đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Chưa kể, các thông tin yêu cầu về thời gian không rõ ràng, dễ hiểu, khiến nhiều doanh nghiệp phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ.
Trong khi đó, ở vị trí “đội sổ” là TTHC xây dựng. Kết quả khảo sát 309 doanh nghiệp cho thấy, chi phí tuân thủ của TTHC xây dựng gấp 869 lần so với chi phí tuân thủ của TTHC lĩnh vực thuế. Chi phí trực tiếp chiếm tới 93% trong tổng chi phí tuân thủ mà các doanh nghiệp phải bỏ ra khi thực hiện TTHC xây dựng.
Theo phản ánh từ phía doanh nghiệp, nguyên nhân khiến chi phí trực tiếp cao là do mất nhiều chi phí trong việc thuê các đơn vị tư vấn khi chuẩn bị hồ sơ cũng như chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Đáng chú ý, chênh lệch chi phí giữa các địa phương là rất lớn: Nơi có chi phí trực tiếp nhiều nhất là 255 triệu đồng, thấp nhất là 440.000 đồng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cho biết, chi phí trực tiếp của TTHC xây dựng cao không chỉ bắt nguồn từ chi phí thuê tư vấn, mà còn xuất phát từ các yêu cầu pháp luật về quy hoạch tại địa phương, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật không rõ ràng. Điều này dẫn đến chi phí cho việc chuẩn bị hồ sơ lẫn chỉnh sửa hồ sơ thực hiện TTHC cao, bao gồm cả chi phí chính thức lẫn không chính thức.
Thông điệp đổi mới từ APCI 2018
Thực tế, APCI 2018 đang phát đi nhiều thông điệp đổi mới. Trong đó, Chính phủ phải chủ động thiết kế hệ thống văn bản pháp quy tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, thay vì bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế.
Có như vậy mới kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn phấn đấu vươn lên tiêu chí của các nước trong OECD.
Đồng thời, cần xây dựng chính quyền điện tử, thương mại điện tử đến tòa án điện tử. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng Chính phủ kiến tạo.
“Cốt lõi là giải quyết yếu tố con người và công nghệ. Công nghệ để kiểm soát con người, lòng tham của cán bộ trong thực thi công vụ”, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC cho biết.
Chia sẻ thêm về ý nghĩa của việc thành công trong thúc đẩy cải cách TTHC, ông Phan cho rằng, điều này sẽ tạo ra dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian tới.
TTHC minh bạch sẽ giám sát được tình trạng lót tay
Cải cách TTHC nếu không quyết liệt, đồng bộ, không áp từ trên xuống thì không ai muốn làm, bởi chẳng ai muốn từ bỏ quyền lợi của cán bộ thực thi TTHC. Khi TTHC công khai, minh bạch, thì sẽ giám sát được tình trạng “lót tay”, “đưa bao thư”.
Ở một số địa phương thực hiện trung tâm hành chính công, triển khai chính quyền điện tử tốt như Bắc Ninh, Quảng Ninh, tuy người dân và doanh nghiệp có kẹp phong bì vào sổ khi đến làm TTHC, nhưng không biết đưa cho ai, vì chỉ có một cửa giải quyết trực tiếp các thủ tục. Doanh nghiệp muốn cảm ơn người làm cũng không biết tìm ai. Chúng ta rất mong đạt được như vậy trên diện rộng.
Hiện tại, cần đẩy mạnh cải cách để hướng tới nền quản trị thông minh. Đương nhiên trong quá trình cải cách không tránh khỏi va chạm, nhưng đây là nhiệm vụ cần thực hiện cho đất nước, nên không muốn cải cách cũng phải làm. Hiệu quả của cải cách TTHC phải đo lường được bằng tiết kiệm tiền, thời gian, không phải chung chung. Khi hiệu quả của cải cách TTHC ngấm đến người dân, doanh nghiệp, thì chính địa phương cũng sẽ gặt hái được nhiều lợi ích.
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Thiếu thốn về hạ tầng, nhưng không thiếu ý chí
APCI 2018 mang nhiều ý nghĩa, nhưng điều quan trọng là làm sao phát huy hiệu quả của chỉ số này trong thực tế thúc đẩy cải cách TTHC ở các bộ ngành, địa phương. Phải hiểu những thông điệp phía sau bộ chỉ số này thì mới thúc đẩy thực thi các giải pháp để cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Trên cơ sở chỉ số này, nếu năm sau chất lượng cải cách TTHC tăng lên, thì chứng tỏ các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, ngược lại nếu tụt hạng, rõ ràng là có vấn đề.
Việc phát triển APCI 2018 trong những năm tới càng đơn giản, hiệu quả càng tốt, qua đó đảm bảo tính hữu dụng của bộ chỉ số này. Là một nước đang phát triển, chúng ta còn khó khăn, thiếu thốn về hạ tầng, nhưng ý chí thì không thiếu, nên chắc chắn nỗ lực cải cách TTHC sẽ có bước tiến.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách TTHC