Việt Nam xếp thứ 69/190 quốc gia về Chỉ số Môi trường kinh doanh (Doing Business 2020 - EoDB) của WB, tụt 1 bậc so với năm trước. Theo đánh giá của ông Ywert Visser, Phó chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam tụt hạng là việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính còn chậm, trong khi nhiều nước tăng tốc khâu này.
Ông Visser cho biết, tại tọa đàm về thách thức và giải pháp cho môi trường kinh doanh Việt Nam do EuroCham tổ chức ngày 8/1, các đại biểu lo ngại rằng, một trong những điểm nghẽn lớn của môi trường kinh doanh là việc các doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian cho khâu nộp thuế, bởi thời gian nộp thuế tại Việt Nam dài hơn nhiều so với một số nước trong khu vực như Indonesia và Malaysia.
Ngoài ra, khâu giải quyết thủ tục liên quan đến việc doanh nghiệp tuyên bố đóng cửa và phá sản cũng phức tạp, kéo dài. Bên cạnh đó là khoảng vênh trong phối hợp và giải quyết các thủ tục giữa cơ quan trung ương, bộ, ngành với địa phương, khiến doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu về thủ tục.
Vấn đề chính không nằm ở chỗ cắt bỏ dòng thuế, mà là cơ cấu đánh thuế sao cho cạnh tranh, công bằng.
Bà Virginia Foote, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) cho rằng, Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác để thu hút nhà đầu tư, thu hút nguồn lực cho phát triển. Để tăng được sức cạnh tranh, Việt Nam buộc phải cải thiện cơ chế.
“Nếu Việt Nam đảm bảo chính sách thuế rõ ràng và những thay đổi về thuế có thể dự báo được hay thông báo trước, thì AmCham có thể cập nhật những thay đổi đó tới các doanh nghiệp Mỹ để điều chỉnh”, bà Foote nói.
Phó chủ tịch AmCham Hanoi khuyến nghị, các thủ tục thuế, hải quan cần được đảm bảo minh bạch, công bằng, nhất quán và nếu có điều chỉnh thì phải được thông báo trước theo lộ trình rõ ràng.
“Hệ thống thuế là điều rất quan trọng trong môi trường kinh doanh. Vấn đề chính không nằm ở chỗ cắt bỏ dòng thuế, mà là cơ cấu đánh thuế sao cho cạnh tranh, công bằng”, bà Foote nhấn mạnh.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu soi Chỉ số Môi trường kinh doanh của WB với mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 là tăng 5 - 7 bậc, thì Việt Nam không thực hiện được.
Về xếp hạng, trong báo cáo EoDB năm 2020, Việt Nam tăng hạng ở 3 chỉ số: tiếp cận tín dụng, nộp thuế và phá sản, nhưng lại tụt hạng ở 6 chỉ số và giữ nguyên hạng ở 1 chỉ số.
Đánh giá về cải cách thủ tục thuế, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, những nỗ lực gần đây của ngành thuế rất đáng khen, khi năm nào cũng có cải thiện so với chính mình, nhưng để đạt mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết 02/NQ-CP thì còn xa.
“Riêng về chỉ số A2 - Nộp thuế và bảo hiểm xã hội, chúng ta có tăng bậc so với báo cáo đánh giá trước, nhưng so với các nước xung quanh thì còn thua xa, vì số ngày giải quyết thủ tục thuế và bảo hiểm ở các nước trong khu vực chỉ bằng một nửa so với Việt Nam”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Dựa trên khảo sát thực tế của WB, ông Hiếu cho rằng, ghi nhận cải cách lớn nhất là khâu nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khi số lần nộp giảm từ 5 xuống còn 1 và thời gian nộp giảm từ 132 giờ xuống 112 giờ. Ngoài ra, khâu hoàn thuế giá trị gia tăng cũng tốt hơn, với thời gian thực hiện thủ tục thuế giá trị gia tăng giảm từ 219 giờ còn 125 giờ.
Theo lý giải của đại diện Bộ Tài chính tại cuộc họp gần đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, ngành tài chính đã nỗ lực thực hiện cải cách thủ tục thuế, trong đó có cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế, nhưng khâu thực hiện thuế giá trị gia tăng vẫn còn 125 giờ, thuế thu nhập doanh nghiệp là 112 giờ và khâu thủ tục bảo hiểm xã hội vẫn “đứng” ở mức 147 giờ.
Để rút ngắn thời gian nộp thuế, Bộ Tài chính đã xây dựng các dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Quản lý thuế theo hướng cắt giảm nhiều thành phần hồ sơ, bởi thời gian chuẩn bị hồ sơ chiếm lượng lớn tổng thời gian nộp thuế, trong khi thời gian kê khai chỉ khoảng 5 giờ và thời gian nộp thuế chỉ có 2 giờ và các khâu được thực hiện qua Internet.
Dự kiến năm nay, khi Luật Quản lý thuế và các văn bản dưới luật liên quan có hiệu lực, thời gian nộp thuế sẽ tiếp tục được cắt giảm. Dẫu vậy, có ý kiến lo ngại rằng, đến tháng 7/2020, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế mới có hiệu lực, nên sẽ lại chậm kỳ đánh giá sắp tới của WB. Điều này có nghĩa là sẽ có độ trễ trong việc ghi nhận cải cách thủ tục thuế thời gian tới.