“Cha đẻ” Glee tuyên bố từ chức

“Cha đẻ” Glee tuyên bố từ chức

(ĐTCK) Người đứng đầu lĩnh vực giải trí truyền hình của Tập đoàn truyền thông quốc gia Mỹ Fox, Kevin Reilly vừa đưa ra thông báo sẽ rút lui khỏi bộ máy quản lý của Công ty vào tháng tới, sau chuỗi thất bại liên tiếp trong công cuộc cạnh tranh tỷ lệ bạn xem đài với những tập đoàn truyền thông sừng sỏ khác trong khu vực.

Phát ngôn từ chức của Kevin Reilly diễn ra chỉ sau 2 tuần ông có bài diễn văn trước các nhà quảng cáo trong buổi họp thường kỳ của Fox tại Thành phố New York, nhằm tuyên bố về những kế hoạch đầy tham vọng trong các mùa chiếu tới.

Sau 7 năm đứng đầu mảng giải trí truyền hình ở Tập đoàn truyền thông đa phương tiện Twenty-First Century Fox Inc do tỷ phú Rupert Murdoch sáng lập, hành động đột ngột kết thúc nhiệm kỳ trước 2 năm của Kevin Reilly khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Bởi ông nằm trong số ít người có công lớn đưa Fox trở thành một trong những kênh truyền hình hàng đầu quốc gia, với tỷ lệ bạn xem đài cao ngất ngưởng và thu về nhiều hợp đồng quảng cáo truyền hình béo bở.

Dưới sự lãnh đạo của Reilly, Fox độc chiếm ngôi vị hàng đầu ở tỷ lệ bạn xem đài từ độ tuổi 18 đến 49 trong vòng 8 năm liên tiếp, đánh bật mọi đối thủ tầm cỡ khác như ABC, CBS, NBC…, với những chương trình giải trí truyền hình nổi tiếng toàn cầu như American Idol hay Glee, thu hút hơn 30 triệu người xem mỗi mùa chiếu.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ của Kevin Reilly có thể sẽ không phải chấm dứt sớm nếu như một trong những chương trình đỉnh cao một thời American Idol không phải chứng kiến tỷ lệ người xem sụt giảm nhanh chóng, đi kèm theo đó là sự ra đi của hàng loạt hợp đồng quảng cáo có giá trị lớn. Theo đó, tỷ lệ người xem của chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng American Idol giảm tới 30% trong vòng 3 năm liên tiếp, buộc Fox đối mặt với thử thách tìm kiếm những chương trình giải trí hấp dẫn khác thay thế, nhằm cạnh tranh với những chương trình chiếu cùng thời điểm. Đồng thời, tổn thất vô cùng lớn này cũng khiến Fox mất đi vị trí dẫn đầu ngành giải trí truyền thông Hoa Kỳ, nhường ngôi vị cho đài NBC thuộc quyền sở hữu của ông lớn truyền thông Mỹ Comcast.

Mùa giải thất bại của American Idol đã vô tình bộc lộ một số yếu điểm của Fox trong việc duy trì tỷ lệ bạn xem đài ổn định khi bộ phim truyền hình ca nhạc đình đám Glee cũng vừa chứng kiến mức theo dõi giảm sút trong mùa chiếu này. Thậm chí, hàng loạt chương trình hoạt hình giải trí tối Chủ nhật như “The Simpsons” hay “Family Guy” cũng bắt đầu bị lung lay. Dù cho một trong những chương trình làm nền tạo cú hích trong mùa chiếu trước của Fox là “Sleepy Hollow”, giúp Fox đạt tỷ lệ người xem trung bình hàng ngày 7,3 triệu người, cũng không thể khiến tình hình kinh doanh của Fox khá khẩm hơn. Bên cạnh đó, kỷ lục lôi kéo 111,5 triệu người xem giải bóng đá Super Bowl vào tháng 2 vừa qua cũng không giúp Fox cải thiện chỗ đứng so với các đối thủ mạnh khác, khi mới đây đơn vị này vừa bị tụt xuống 1 hạng trong ngành công nghiệp giải trí Hoa Kỳ, xếp sau 3 đại gia truyền thông CBS, NBC và ABC.

Nhằm vực dậy tên tuổi của Fox, một trong những chương trình Kevin Reilly ấp ủ trước thời điểm nộp đơn từ chức đó là seri chương trình một mùa chiếu “Gracepoint”, với nội dụng phỏng theo mô tuýp chương trình truyền hình “Broadchurch” nổi tiếng của Anh. Reilly kỳ vọng, với việc thoát khỏi mô hình truyền thống nhiều suất chiếu như trước, Fox sẽ chú trọng phát triển những chương trình có yếu tố bất ngờ vào mùa Thu và mùa Đông.

Trước khi gia nhập Fox vào năm 2007, Kevin Reilly từng điều hành lĩnh vực giải trí truyền thông ở kênh truyền hình NBC cũng như hệ thống truyền hình cáp FX. Sự nghiệp của ông gắn liền với một loạt chương trình tên tuổi gồm có “Nip/Tuck”, “The Shield”, “The Office”, “Glee” và “New Girl”. Sự chỉ trích duy nhất ông nhận được trong quá trình lãnh đạo đó là thói quen lựa chọn phát sóng chương trình theo cảm giác, không theo thị hiếu khán giả. Đơn cử là 2 chương trình “The Mindy Project” và “Brooklyn Nine - Nine” đều thành công về mặt giải thưởng khi giành được 2 giải Golden Globes chỉ với tỷ lệ người xem ít ỏi.

Tin bài liên quan