“Khi tôi thành lập Xiaomi vào năm 2010, tôi biết chắc phải mất ít nhất 15 năm để Công ty bước lên sàn chứng khoán, bởi mô hình kinh doanh của Xiaomi vô cùng phức tạp và người tiêu dùng cần nhiều thời gian để trau dồi niềm tin vào các sản phẩm của chúng tôi”, Lei Jun nói. Ông cũng cho biết, Xiaomi đang lên kế hoạch mở thêm 1.000 cửa hàng trong 3 - 4 năm tới và sẽ tiếp tục mở rộng các hạng mục đầu tư.
Quyết định này cho thấy những toan tính rất cẩn thận của Lei Jun, bởi IPO không chỉ mang lại cơ hội, mà còn đi kèm nhiều thách thức lớn. Nếu thuận lợi, IPO giúp thu về nguồn vốn đầu tư khổng lồ từ thị trường chứng khoán, nhưng nguy cơ hàng tỷ USD “bốc hơi” vì nhà đầu tư rút lui cũng luôn hiện hữu. Vì lẽ đó, việc có thêm thời gian chuẩn bị sẽ giúp Xiaomi ổn định tình hình kinh doanh, giảm bớt rủi ro trước khi bước lên sàn chứng khoán.
Thực tế, Xiaomi là thương hiệu nhanh chóng gây được tiếng vang tại thị trường Trung Quốc, gặt hái không ít thành quả. Điển hình, năm 2014, Công ty đã bán được 61 triệu chiếc smartphone tại thị trường nội địa, đánh bại Samsung và Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại có doanh số bán hàng lớn nhất tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Với việc đạt được nhiều kỷ lục doanh thu, Xiaomi được coi là “Apple của Trung Quốc”, trong khi Lei Jun - người sáng lập và CEO của Công ty - được mệnh danh là “Steve Jobs của Trung Quốc”.
Lei Jun (47 tuổi), sinh ra và lớn lên tại Hồ Bắc, học chuyên ngành khoa học máy tính tại Đại học Vũ Hán. Thời sinh viên, ông đã đọc cuốn “Fire in the Valley” (Lửa trong thung lũng) - cuốn sách viết về sự khai sinh ngành công nghiệp máy tính của tác giả Paul Freiberger và Michael Swaine, cũng như những tác phẩm viết về thành công của Steve Jobs. Các trang sách này thổi bùng khát vọng thành lập một công ty đẳng cấp hàng đầu trong lòng Lei Jun.
Trước khi thành lập Xiaomi, Lei Jun từng có nhiều năm làm việc và trau dồi kinh nghiệm tại Công ty phần mềm Kingsoft, sau đó trở thành Chủ tịch kiêm CEO của Công ty tại Trung Quốc. Trong thời gian làm việc tại Kingsoft, ông đã triển khai Joyo.com - một cửa hàng bán sách trực tuyến mà sau đó được Amazon mua lại với giá 75 triệu USD năm 2004. Khi rời Kingsoft, ông trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu Trung Quốc, đã bỏ vốn vào nhiều công ty thành công như cổng trò chơi điện tử trực tuyến YY, Công ty Internet di động UCWeb.
Tháng 4/2010, Lei Jun thành lập Xiaomi cùng 7 nhà đồng sáng lập khác. Ngay từ những năm đầu, Xiaomi đã phất lên như diều gặp gió. Yếu tố cơ bản khiến Lei Jun và các cộng sự thành công khi mới tham gia thị trường chính là bán ra những mẫu điện thoại có cấu hình tốt với giá cực rẻ.
Lĩnh vực thiết bị di động thông minh luôn là nơi tồn tại sự cạnh tranh khốc liệt. Năm ngoái, “đại gia viễn thông” Huawei đã vượt lên ngoạn mục và thách thức vị trí thống trị của Xiaomi tại Trung Quốc. Để tồn tại và phát triển, Xiaomi không ngừng vạch ra những chiến lược mới. Đi ra toàn cầu là cách để tăng doanh thu hiệu quả - Lei Jun và các cộng sự của mình đã chọn đi theo con đường này. Đến nay, Xiaomi đã có mặt ở 10 quốc gia trên thế giới, trong đó có Ấn Độ, Malaysia, Nga, Mỹ…, và sắp sửa thâm nhập vào thị trường châu Phi. Theo Hiệp hội Di động toàn cầu (GSMA), số lượng người sử dụng smartphone sẽ tăng nhanh ở các quốc gia phía nam hoang mạc Sahara.
Lei Jun luôn ấp ủ khát khao rằng một ngày nào đó, Xiaomi sẽ có vị thế uy quyền như Sony trong những năm 70 hay Samsung của những năm 80, 90 – là công ty đóng vai trò dẫn đầu hoạt động sản xuất tại nước nhà và vươn mình mạnh mẽ ra thế giới.
"Trong vòng 10 năm nữa, Trung Quốc sẽ dẫn đầu nhiều lĩnh vực của thế giới", Lei Jun tự tin tuyên bố.
Lei Jun đặc biệt nổi tiếng với phát ngôn: "Thậm chí lợn cũng có thể bay khi nó bị cuốn vào vòi rồng". Câu nói này đã trở thành châm ngôn cho các công ty khởi nghiệp với ngụ ý rằng, bất kỳ ai cũng có thể thành công nếu bắt kịp được xu hướng. Và có lẽ, đây là chiến lược giúp Lei Jun đưa Xiaomi tới vị thế ngày hôm nay.