Thích nghi với thị trường
Ngành chứng khoán trong năm qua có sự chuyển biến rất lớn với các hoạt động M&A, tăng vốn diễn ra sôi động. Dòng chảy vốn hàng nghìn tỷ đồng của các tập đoàn tài chính ngoại đã nhanh chóng nhập cuộc đua tranh giành thị phần, với kỳ vọng đón đầu cơ hội nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, ngoài những CTCK lớn đã có thị phần ổn định trong Top 10, các CTCK nội sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với trước đây.
“Ngoài những thách thức lớn trong cạnh tranh về nguồn lực vốn, chảy máu nhân sự, hệ khách hàng dịch chuyển; các CTCK ở quy mô nhỏ còn gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ cổ đông, phát triển đội ngũ môi giới, gia tăng giá trị giao dịch và phát triển khách hàng mới.
Chưa kể, việc cho vay vướng quy định về các hạn mức theo quy mô cho vay từng mã, từng khách hàng, với lãi suất không thể thấp như các CTCK ngoại. Ðiều này đồng nghĩa với việc các CTCK nhỏ mất dần vị thế cạnh tranh trong khi thị trường chứng khoán ngày một tăng trưởng. Ðể tồn tại được, mỗi CTCK phải tự chọn cho mình lối đi riêng”, ông Hiệp chia sẻ.
Nhận định về hướng đi của mình, CEO VISE cho rằng, trong một ngành mang tính trí tuệ cao như chứng khoán, ngoài việc mang đến các sản phẩm dịch vụ, tiện ích tốt nhất cho khách hàng, VISE mong muốn chia sẻ tầm nhìn, hỗ trợ trang bị đầy đủ các kỹ năng về tài chính, doanh nghiệp cho khách hàng, để cùng tối ưu hóa việc quản lý tài sản, đồng thời xây dựng nên mối quan hệ gắn kết.
“Chúng tôi luôn xây dựng hệ thống, quy trình quản trị kiểm soát chặt chẽ rủi ro, song hành với việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ðịnh hướng kinh doanh dịch vụ của VISE luôn xác định đặt quyền lợi của khách hàng lên vị trí hàng đầu”, ông Hiệp nói và cho biết thêm, ông luôn phải trăn trở, suy tính đường lối, chiến lược hoạt động cho Công ty, bởi hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của các biến động chỉ số thị trường.
Ông Dương Kỳ Hiệp.
Xây dựng rào chắn quản trị rủi ro
Là nhân sự đã gắn bó và trải qua các giai đoạn thăng trầm của thị trường từ trước năm 2006 đến nay, CEO VISE thấu hiểu việc giữ được Công ty phát triển lành mạnh và bền vững thì công tác quản trị rủi ro phải được đặt lên hàng đầu. Bài học nhãn tiền chạy đua thị phần giao dịch mở rộng margin quá mức để cạnh tranh đã để lại hậu quả mà có những CTCK mất nhiều năm sau chưa xử lý xong.
Chính vì vậy, ông Hiệp định hướng xây dựng một rào chắn quản trị rủi ro trên hệ thống với mục đích bảo vệ nhà đầu tư thông qua đội ngũ tư vấn tài chính chuyên nghiệp.
Ðội ngũ này có thể hỗ trợ khách hàng đạt được mục tiêu bằng cách đầu tư các kênh dịch vụ chứng khoán đúng quy định và an toàn. Bên cạnh đó, xu hướng mà các CTCK, trong đó có VISE hướng tới là tạo các sản phẩm tài chính mới, đặc thù để xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững, thay vì giành giật thị phần bằng chính sách margin tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Năm 2018, chúng tôi đã tiến hành đổi mới vận hành, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, ký kết với các định chế tài chính lớn như Ngân hàng OCB trong việc quản lý cổ đông, làm đại lý, tư vấn phát hành trái phiếu, tư vấn tài chính doanh nghiệp với các hợp đồng giá trị hơn chục nghìn tỷ đồng.
Năm nay, VISE sẽ tiến hành cập nhật Core giải pháp công nghệ mới, đồng bộ hóa các dịch vụ tài chính trong hệ thống Hometrading trên mọi nền tảng ứng dụng Mobile, tích hợp xác thực người dùng, phân tích, tư vấn, quản lý biến động tài khoản”, ông Hiệp chia sẻ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có gần 20 năm phát triển, sau nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường, khối CTCK có sự sàng lọc mạnh mẽ. Ông Hiệp chia sẻ, người làm CEO cần hài hòa nhiều yếu tố và luôn giữ lửa trong công ty. Bởi đối với ngành chứng khoán, nếu không có nhiệt huyết và tinh thần học hỏi mỗi ngày sẽ không thể trụ lại với nghề.