Chọn hướng đi bền vững
Ðến Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) vào một ngày cuối năm 2018, chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc hối hả, tất bật của nhân viên Công ty. CEO Nguyễn Thị Huyền liên tục nghe điện thoại của đối tác và xử lý các công việc. Cô tiết lộ, mỗi ngày, Vinasamex xuất đi hơn 1 tấn sản phẩm tới nhiều thị trường khó tính như EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…
Câu chuyện với Huyền bắt đầu từ việc vì sao cô lại bước chân vào lĩnh vực kinh doanh này. Huyền chia sẻ, ngành học trước kia của cô vốn chẳng liên quan gì tới nông nghiệp hay thương mại, nhưng ở bên chồng, cô ngấm niềm say mê với việc kinh doanh hồi, quế từ lúc nào không hay.
Chồng Huyền trước kia chuyên thu gom vỏ quế, hoa hồi để xuất sang Trung Quốc. Càng tìm hiểu kỹ, cô càng quyết tâm đưa những loại hương liệu huyền bí, mà từ nhiều thế kỷ trước các nhà buôn phương Tây luôn săn lùng mua về chính quốc tạo nên con đường hương liệu, tới nhiều thị trường trên thế giới.
Dành thời nghiên cứu, Huyền được biết diện tích trồng hồi ở Việt Nam vào khoảng 40.000 ha và tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn; còn diện tích trồng quế lên tới 80.000 ha, tập trung chủ yếu ở Yên Bái, Quảng Nam. Hai nông sản này có nhiều tiềm năng, được dùng để làm nguyên liệu chế biến nhiều sản phẩm có giá trị trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm…
Năm 2011, khi vừa tròn 23 tuổi, Huyền quyết định thành lập Công ty Vinasamex, bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh bằng việc thu mua quế, hồi xuất khẩu ra nước ngoài. Vốn tiếng Anh thời học Ðại học Ngoại ngữ của Huyền được phát huy vào lúc này. Thị trường đầu tiên Huyền tiếp cận thành công là Ấn Ðộ, Banglades và từ năm 2013, Vinasamex bắt đầu đưa được hàng vào Hàn Quốc, Mỹ.
“Tham gia các hội chợ quốc tế, tôi nhận thấy nhiều thị trường có nhu cầu về quế, hồi. Ðặc biệt là các thị trường ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan. Quay trở về Việt Nam, tôi quyết định đi sâu vào vùng nguyên liệu, làm chuẩn từ khâu này, để có thể chinh phục được những khách hàng khó tính. Tôi bắt đầu làm việc với địa phương và người dân về quy trình trồng, tiêu thụ”, Huyền chia sẻ.
Thời điểm quyết định thay đổi quy trình sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm gắn với người nông dân, Huyền kể, không ít người quen bảo cô bị khùng. Họ nói đang làm theo kiểu truyền thống (mua hàng xuất khẩu) có lãi, tại sao lại phải mất thời gian, tốn kém chi phí vào việc phát triển vùng nguyên liệu, đào tạo người nông dân mà không biết hiệu quả có cao hơn.
Nhưng bỏ qua những nghi ngờ, lo ngại, Huyền quyết tâm nâng cao giá trị của sản phẩm quế, hồi với niềm tin kiên định “phải làm tốt từ gốc thì giá trị mới bền vững”.
Chọn hướng đi mới, khó khăn ập đến trước mắt nữ doanh nhân trẻ, khi người trồng quế chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết có hạn, thậm chí nhiều người không biết chữ. Họ dồn ánh mắt nghi ngại vào nhà đầu tư là nữ giám đốc Huyền, rằng tại sao họ phải thay đổi quy trình trồng, chăm sóc quế, hồi, trong khi cách làm truyền thống từ bao đời nay của họ vẫn tốt, rằng họ được lợi gì từ việc thay đổi này. Phải rất khó khăn và mất thời gian thuyết phục, Huyền mới được bà con đồng thuận làm theo.
Ban đầu, chỉ có một vài người dân ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Vinasamex và làm theo quy trình Công ty đưa ra, từ cách trồng, chăm sóc, thu hái phải đảm bảo đạt chất lượng cao, thu hái xong chuyển về Công ty chế biến theo yêu cầu của từng khách hàng. Sau một năm, những hộ dân làm cùng Vinasamex đem lại hiệu quả rõ rệt, thu nhập tăng gấp nhiều lần, từ đó nhiều hộ dân đăng ký làm theo.
Hiện tại, hai vùng trồng quế và hồi có 439 hộ dân hợp tác với Vinasamex để bán cho Công ty sản phẩm hữu cơ. Công ty cũng đưa ra cam kết thu mua cao hơn giá thị trường 10%. Ðời sống bà con dần được cải thiện, họ tin tưởng và đồng hành với Vinasamex cùng đưa giá trị sản phẩm quế, hồi lên tầm cao mới.
Chiến lược kinh doanh bền vững của Vinasimex và cô chủ trẻ đã thực sự chinh phục được khách hàng tại các nước phát triển.
“Có công ty ở Ðức sẵn sàng trả giá cho Vinasamex cao hơn so với giá ban đầu khi họ hiểu được cách thức chúng tôi làm và những giá trị chúng tôi mang lại cho người nông dân”, CEO Nguyễn Thị Huyền vui vẻ chia sẻ.
Sản phẩm quế, hồi của Vinasamex đã đạt được chứng chỉ Fairtrade - chứng nhận quốc tế về thương mại công bằng, khách hàng có lợi ích, người làm ra sản phẩm có lợi ích. Cùng với đó là chứng nhận Organic giúp Vinasamex dễ dàng đưa hàng vào EU - thị trường vốn khó tính nhất thế giới.
Huyền chia sẻ, thực tế, để đưa sản phẩm vào EU không phải dễ dàng gì. Thấu hiểu điều đó nên ngay từ đầu cô đã tập trung xây dựng giá trị cho sản phẩm để người nông dân xây dựng vùng nguyên liệu không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, phát bao mới cho người dân mỗi lần thu hoạch (trước đó họ tái sử dụng bao đựng phân bón hóa học), hỗ trợ công cụ thu hái, đảm bảo an toàn cho người dân. Trong nghề trồng quế, nhiều vụ tai nạn thương tâm trước đó đã xảy ra khi người dân đi thu hoạch vỏ quế.
“Có đam mê, chắc chắn sẽ thành công”
Huyền bảo, cô rất tự hào, hạnh phúc khi đã hướng được doanh nghiệp đi theo con đường phát triển bền vững. “Tốn kém công sức, tiền bạc, nhưng quả thực bõ công”, cô nhấn mạnh.
Năm 2018, Vinasamex đã xây dựng nhà máy rộng 15.000 m2 với hệ thống máy móc hiện đại cho công suất sấy 20 tấn hàng tươi/ngày và thành phẩm 15 tấn hàng khô, với vốn đầu tư lên tới trên 200 tỷ đồng. Danh mục sản phẩm chế biến từ quế, hồi khá đa dạng, từ quế ống, tinh dầu quế, tinh dầu hồi, hoa hồi nguyên cánh, bột hồi, bột quế… Sản lượng xuất khẩu năm 2018 của Công ty đạt 1.000 tấn.
“Ngày xưa, mỗi năm có thể xuất đi 2.000 tấn nhưng đó là hàng thấp cấp, còn nay chúng tôi tập trung vào hàng cao cấp nên con số 1.000 tấn kia có giá trị hơn nhiều so với con số 2.000 tấn”, Huyền nói.
So với mặt chung, những sản phẩm quế, hồi organic của Huyền được bán giá cao hơn 30 - 50%, thậm chí có thị trường có thể trả giá cao hơn 100%.
Thành công lớn nhất của tôi chính là dám bước ra khỏi vùng an toàn để thay đổi
- Doanh nhân Nguyễn Thị Huyền, CEO Vinasame
Năm 2019 nữ giám đốc trẻ Nguyễn Thị Huyền xác định tập trung vào 5 thị trường trọng tâm là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada. Huyền cho biết, hiện thị trường có hơn 100 doanh nghiệp làm về quế, hồi, nhưng chủ yếu làm thương mại, xuất khẩu nguyên liệu, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp tinh chế các sản phẩm này và có chứng nhận quốc tế về chất lượng sản phẩm.
“Nông sản Việt Nam rất phong phú, nhưng vẫn được xuất khẩu thô là chủ yếu, mang lại giá trị không cao. Chúng tôi không cạnh tranh về giá, mà tạo ra sự khác biệt bằng giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho mình. Tôi hiểu, có niềm đam mê, tâm huyết chắc chắn sẽ thành công. Nhiều doanh nghiệp làm quế hồi, nhưng không hiểu về sản phẩm này”, Huyền chia sẻ.