Đây là chia sẻ của bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM - sàn HOSE) tại buổi họp cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2024 của Công ty khi được hỏi về việc doanh thu nội địa giảm khoảng 3% trong khi hai quý trước vẫn tăng trưởng dương.
Theo bà Liên, hiện nay, cơ cấu doanh thu của VNM trải đều ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Trong đó, cơn bão Yagi xảy ra vào đầu tháng 9/2024 đã khiến Công ty Sữa Mộc Châu bị ảnh hưởng rất lớn, nhưng sang tháng 10, các chỉ số kinh doanh ở thị trường miền Bắc đã có phục hồi so với năm ngoái.
“Chúng tôi cũng đã có kế hoạch cụ thể cho quý IV để bù lại doanh thu quý III và cả năm”, bà Liên nói.
Trả lời câu hỏi nhà đầu tư về vấn đề doanh thu quý IV/2024 có tăng trưởng trở lại như quý II/2024, bà Liên cho biết, quý II/2024 thị trường nội địa tăng trên 4% so với cùng kỳ, trong khi quý IV năm nay Vinamilk cũng dự kiến doanh thu nội địa tăng trên 4%.
"Vinamilk đang có một số giải pháp cho các kênh bán hàng, ngoài kênh truyền thống thì còn có kênh trực tuyến, kênh GT - kênh bán qua đại lý, cửa hàng nhỏ… Việt Nam đang phát triển rất nhanh các kênh hiện đại nhưng chưa bằng các nước phát triển. Ví dụ tại Trung Quốc, doanh thu kênh truyền thống còn 20%, Việt Nam vẫn chiếm 70-80%... Đây là một sự chuyển dịch rất rõ rệt", bà Liên chia sẻ thêm.
Về vấn đề giá sữa nguyên vật liệu bắt đầu tăng, giá các sản phẩm sữa của VNM có tăng trong năm 2025, bà Liên cho biết, giá sữa có mặt hàng tăng tới 50% nhưng cũng có mặt hàng giảm. VNM đang xây dựng kế hoạch 2025 và nguyên vật liệu đã mua cho quý I/2025.
“Chúng tôi đang thống kê xem giá nguyên liệu tăng bao nhiêu để có kế hoạch tăng giá bán, chúng tôi đã không tăng giá bán trong 2-3 năm nay để chia sẻ với người dân. Tuy nhiên, nếu giá nguyên vật liệu tăng giá lớn thì cũng phải có kế hoạch để thay đổi giá, tăng một cách hợp lý để hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và khách hàng”, bà Liên cho biết.
Chia sẻ về khó khăn trong việc vẫn phải phụ thuộc nhiều vào thị trường nguyên liệu sữa nhập khẩu, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, Việt Nam không phải nơi chăn nuôi bò sữa, khí hậu không thích hợp, nhưng đến nay Công ty đã có rất nhiều trang trại chăn nuôi bò sữa.
"VNM rất muốn phát triển thêm nhưng rất khó vì Việt Nam đất chật người đông nên rất khó có cơ hội để mở rộng thêm trang trại chăn nuôi bò sữa. Bây giờ rất khó mở rộng trang chăn nuôi bò tại Việt Nam chỉ còn cách tăng năng suất để tăng sản lượng và từ đó hạ giá thành”, bà Liên nói.
Về việc phát triển mảng sữa bột trong thời gian tới, Tổng giám đốc VNM cho biết, doanh thu của phân khúc sữa bột Việt Nam đã tăng trưởng âm 14% từ 2 năm nay. VNM cũng tăng trưởng âm 4 - 5%. Tuy nhiên, xu hướng đang có những tích cực hơn khi mảng sữa bột cho người lớn vẫn tăng trưởng dương.
Ngoài những sản phẩm về sữa, Vinamilk cũng phát triển rất nhiều sản phẩm mới, cập nhật theo xu hướng thế giới. Trong đó, sữa hạt Vinamilk hiện đang đứng đầu thị trường và Công ty cũng luôn đổi mới để giữ vững thị phần ở phân khúc này.
Về chiến lược mở rộng thị trường mới, đặc biệt là thị trường Indonexia, bà Liên cho biết, sau khi tiếp xúc, Vinamilk nhận thấy chiến lược phát triển ở thị trường này chưa thích hợp, trong một hai năm tới thị trường này vẫn chưa phải là nơi VNM nghiên cứu đầu tư. “Chúng tôi đang tìm những thị trường khác để đầu tư”, bà Liên cho biết thêm.