Việt Nam đang có cơ hội lớn
CEO của Viettel nhận xét, nếu nhìn cuộc cách mạng 4.0 với những lợi thế và sức mạnh hiện hữu, Việt Nam “đang có cơ hội rất lớn”.
“Cách mạng, nói nôm na là cái B tiến hóa thay thế cái A. Nhìn về cuộc cách mạng 4.0, nhà máy hiện tại có máy móc, nhưng tương lai sẽ không nhìn thấy máy móc, mà có khi sẽ là người bán hàng. Nhưng rất có thể trong tương lai, nhân vật thứ hai là người bán hàng cũng sẽ biến mất và người sử dụng không phải đi mua hàng mà có thể tạo ra hàng hóa đó”, ông Hùng mô tả về cuộc cách mạng 4.0.
Theo ông Hùng, nếu nhìn cuộc cách mạng 4.0 từ góc độ này, thì những quốc gia nào đang có A sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những nước không có A.
Cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những điều người khác chưa làm. Còn khi cả thế giới cùng làm cuộc cách mạng 4.0 thì không có giá trị lớn
- CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng
“Việt Nam đi sau trong 3 cuộc cách mạng trước, chúng ta xây dựng nền tảng chưa đáng bao nhiêu. Còn các nước phát triển đã bỏ hàng triệu tỷ USD vào đó rồi (tức là đã có A), liệu có dám bỏ đi không, chắc chắn rất khó. Việt Nam chưa có gì, mà làm ngay cái B, thì rất thuận lợi. Đấy chính là cơ hội cho Việt Nam. Nhiều khi cơ hội đến là vì chúng ta quá nghèo, nhiều khi cơ hội đến là vì chúng ta không biết gì”, ông Hùng phân tích.
Vậy trong một quốc gia thực hiện cách mạng 4.0, doanh nghiệp làm gì? Câu trả lời của ông Hùng là “cứ làm những gì mình đang làm thì đó là 4.0”. Chẳng hạn, chúng ta đi mua cái máy điều hòa, nhưng bản chất không phải là mua máy điều hòa, mà là mua không khí lạnh.
“Nếu bây giờ có ai cung cấp không khí lạnh thì tôi mua ngay. Mua điều hòa 12 tháng, thì mình dùng 3 tháng thôi, 9 tháng còn không dùng tới nhưng vẫn phải trả tiền, vì nó tiếp tục hỏng, phải bảo trì, thay gas…”, ông Hùng nói.
Một ví dụ khác là, tất cả mọi người đều nghĩ rằng, Internet là thành tựu vĩ đại của nhân loại, nhưng thực ra, giờ Internet không dùng được nữa. Lý do là, khi chúng ta đặt một câu hỏi trên Google, thì có tới hàng vạn câu trả lời rất khác nhau và không được kiểm chứng.
Ngoài ra, Google thu từ quảng cáo, nên ai trả tiền nhiều thì được “đẩy” lên trên. Giờ nếu Việt Nam làm được một công cụ như Google nhưng cá thể hóa đến từng người, trả lời chính xác cho từng câu hỏi, thì tự nhiên Internet sẽ dùng được. Đó là cuộc cách mạng.
“Nếu chúng ta nghĩ cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng về công nghệ thì rất khó cho người Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta nhìn cuộc cách mạng này bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu, thì người Việt Nam vô cùng may mắn, vì chúng ta là nước thu nhập trung bình thấp, có rất nhiều vấn đề, rất nhiều khát vọng và đó là lợi thế của Việt Nam”, ông Hùng nói.
Chúng ta có thể đi đầu, tại sao không?
Ông Hùng tiếp tục phân tích, nếu nhìn cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, của những người có nhiều tiền, của những người có nhiều công nghệ thì chúng ta không có cơ hội.
Nhưng nếu nghĩ đây là cuộc cách mạng của toàn dân, liên quan đến mọi người dân và mọi người dân đều tham gia được, thì người Việt Nam rất giỏi phát động một cuộc cách mạng toàn dân. Nếu làm cuộc cách mạng 4.0 là một cuộc cách mạng toàn dân thì đó là lợi thế của Việt Nam.
Viettel đã làm cả thế giới “kinh ngạc” khi làm mạng viễn thông 4G với công nghệ mới nhất chỉ trong vòng 6 tháng.
Theo ông Hùng, nếu nhìn cuộc cách mạng 4.0 là của các doanh nghiệp siêu nhỏ, chứ không phải các doanh nghiệp siêu lớn thì Việt Nam “cực kỳ lợi thế”. Vì ở Việt Nam, doanh nghiệp lớn gần như là không có, đa số là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đó là lợi thế của Việt Nam.
“Chúng ta luôn nghĩ rằng, Việt Nam rất khó đi trước. Nhưng theo tôi, nếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, chúng ta không đi đầu, không đi trước thì không đón nhận được nó. Chúng ta chỉ đón nhận được nếu chúng ta đi đầu. Mỗi cuộc cách mạng chỉ làm cho 4-5 nước “hóa rồng”, nhưng bắt buộc chúng ta phải đi đầu”, ông Hùng nêu quan điểm và đưa ra ví dụ về kết nối mạng viễn thông, một nền tảng quan trọng nhất của kết nối.
Việt Nam phải mất gần 20 năm để có mạng viễn thông 2G và từng được và Top 10 vì có một mạng viễn thông tốt. Việt Nam xây dựng mạng 3G mất gần 10 năm, nhưng khi đến công nghệ 4G, Viettel đã làm được việc mà cả thế giới “kinh ngạc”, đó là làm mạng viễn thông 4G với công nghệ mới nhất, phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa chỉ trong vòng 6 tháng.
“Chúng ta hoàn toàn có thể đi trước. Cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những điều người khác chưa làm. Còn khi cả thế giới cùng làm cuộc cách mạng 4.0 thì không có giá trị lớn”, ông Hùng khẳng định.
Nghĩ khác, làm khác
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, cũng như thách thức về nguồn nhân lực. Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực như khoa học, hóa học, toán học, thiết kế, công nghệ, mỹ thuật, tiếng Anh và phần mềm. Làm sao để xây dựng được một nguồn nhân lực số trình độ cao là vấn đề được nhiều doanh nghiệp, nhà quản lý quan tâm.
Theo ông Hùng, nếu nghĩ cách làm thế nào để Việt Nam có nguồn nhân lực như lập trình viên giống như FPT thì không khả thi. Nhưng khi chúng ta nghĩ khác một chút thì có thể làm được. Nên nghĩ rằng, hiện nay, mỗi người Việt Nam cần trở thành một lập trình viên ở dạng ngôn ngữ bậc cao. Ví dụ về mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT), chúng ta có thể mua thiết bị về lập trình để giải quyết bài toán của mình và kết nối Internet. Trong khi đó, nếu lập trình thì không ai làm được, còn nếu đi thuê, nhờ cậy thì không biết bao giờ xong.
Nhiều khi cơ hội đến là vì chúng ta quá nghèo, nhiều khi cơ hội đến là vì chúng ta không biết gì
Ông Hùng cho biết, nếu nhìn vào cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 thì thấy một số nước khá giàu đều có một điểm chung là áp dụng chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc, tất cả người dân đều đi bộ đội. Nếu Việt Nam cũng có chính sách đấy, thì sẽ tạo ra tinh thần kỷ luật của dân tộc. Có một người đi vào môi trường quân ngũ 9 tháng, trong 9 tháng đó bỏ ra 1-3 tháng để dạy lập trình thì mau chóng chúng ta có một dân tộc lập trình với nhiều chục triệu lập trình viên.
Theo ông Hùng, bài toán này dễ làm hơn rất nhiều so với cải cách giáo dục, xây dựng trường đẳng cấp quốc tế... Những câu chuyện đó chúng ta phải làm nhưng phải mất đến 10-20 năm và có thể lâu hơn nữa.
“Trong thời gian đó, chúng ta chia làm hai phương án, tiếp tục làm thuê và lập trình giải bài toán của chính mình bằng những ngôn ngữ bậc cao và dạy lại cho người khác thì trong thời gian rất ngắn thôi, chúng ta sẽ có một dân tộc lập trình, dân tộc có khả năng về công nghệ số", ông Hùng nói.