Với kinh nghiệm 20 năm làm việc trong lĩnh vực lữ hành, theo bà, muốn vực dậy ngành kinh tế xanh, trước tiên Việt Nam cần làm gì?
Tôi khẳng định, muốn vực dậy ngành kinh tế xanh, trước tiên cần phải “hồi sức” cho doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp ở các lĩnh vực liên quan trực tiếp gồm vận chuyển, hàng không, khách sạn, nhà hàng.
Đây là điều vô cùng quan trọng, bởi hiện nay có tới hơn 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã rút giấy phép kinh doanh hoặc dừng hoạt động vì không đủ sức chống trả những “trận đòn” của Covid-19. Thị trường trong nước không ổn định, du lịch quốc tế đóng băng khiến ngay cả những doanh nghiệp mạnh cũng kiệt quệ.
Trong khi đó, năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch, du lịch đóng góp trực tiếp tới 9,2% tổng GDP, gián tiếp và lan tỏa đóng góp 18% tổng GDP. Phát triển du lịch sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho các ngành, nghề khác. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, chúng tôi mong các cơ quan chức năng hãy trả lại sự ưu ái, sự hỗ trợ xứng đáng cho ngành du lịch.
Chúng tôi mong muốn Nhà nước có những chính sách hỗ trợ thiết thực để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều gói, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, vậy các công ty lữ hành đã chạm tới được chính sách hay chưa?
Doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch chưa được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước vì những chính sách này chưa thực tế với các công ty du lịch.
Đơn cử, chính sách giảm thuế, giãn nợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn đã có nhưng chưa hiệu quả. Ví dụ, trong điều kiện dịch bệnh, doanh nghiệp không có doanh thu thì việc giảm thuế không có ý nghĩa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn vay vốn, ngân hàng lại yêu cầu có những bộ hồ sơ chứng minh doanh thu. Như vậy chẳng khác nào câu chuyện con gà, quả trứng. Khi không có vốn, doanh nghiệp làm sao có thể chuyên tâm phát triển để có doanh thu. Có cảm giác chính sách đang lơ lửng, doanh nghiệp dường như gần chạm được đến nhưng lại không thể nắm bắt được.
Trong bối cảnh hiện nay, những chính sách nào đang rất cấp thiết để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch hồi sức, thưa bà?
Để doanh nghiệp du lịch có thể hồi sức và duy trì hoạt động, chúng tôi mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng có gói tài chính hỗ trợ riêng cho các doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch.
Điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch vay vốn phải được nới lỏng. Có thể nhìn lại lịch sử phát triển của đơn vị đó thay vì yêu cầu họ phải cung cấp hồ sơ sẽ làm gì trong tương lai. Điều này đòi hỏi phải có một cơ quan đánh giá về sự phát triển thương hiệu, sự đóng góp của doanh nghiệp cho ngành du lịch, như đóng thuế chẳng hạn. Từ đó, sàng lọc những doanh nghiệp du lịch có thể gây nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện chính sách.
Cùng với doanh nghiệp lữ hành, các khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, vận chuyển và nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch cũng không phải ngoại lệ. Họ cũng cần được hưởng sự hỗ trợ về chính sách, nhất là tài chính. Bởi, bản chất kinh doanh lữ hành là kết nối các dịch vụ. Nếu nhà cung cấp dịch vụ không sống sót thì chúng tôi cũng không thể tồn tại.
Một yếu tố khác cực kỳ quan trọng là phải nhanh chóng tiếp sức, giữ chân nhân lực trong du lịch. Chúng tôi đang nhìn thấy hiện tượng chảy máu chất xám vô cùng nghiêm trọng khi có đến hơn 90% người lao động ngành du lịch phải chuyển sang làm ở các ngành, nghề khác. Nếu không giữ chân được nhân viên, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, du lịch phục hồi, liệu rằng ngành kinh tế xanh có còn nhân lực để phục vụ du khách hay không. Trong khi đó, ngoài thời gian đào tạo trong trường lớp, để có một nhân sự tương đối biết việc, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo thêm khoảng 1 năm trong thực tế.
Một điều nữa có thể giúp doanh nghiệp du lịch hồi sức trong lúc này là chính sách nới lỏng điều kiện cấp giấy phép kinh doanh lữ hành. Trong khi chỉ phục vụ được thị trường nội địa, nhưng cũng rất bấp bênh, các doanh nghiệp mong được lấy lại tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành quốc tế. Đôi khi, sự sống còn lại đến từ những nguồn vốn không phải quá lớn ấy.