Ngày 26/7, tạp chí Forbes tổ chức Diễn đàn Kinh doanh năm 2018 của Forbes với chủ đề “Building Sustainable Growth - Tạo dựng Tăng trưởng Bền vững” cũng thu hút các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu, các chuyên gia, nhà tư tưởng và nhà hoạch định chính sách cùng thảo luận về chiến lược đảm bảo tăng trưởng bền vững thông qua đầu tư dài hạn vào các ngành công nghiệp cốt lõi mà Việt Nam có khả năng phát triển.
Tại phiên thảo luận “Tạo dựng những chính sách tốt nhất để phát triển kinh doanh”, CEO Vietjet là nữ diễn giả duy nhất xuất hiện bên cạnh các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp.
Nhận định về diễn biến tình hình kinh tế hiện tại và trong tương lai, Tổng giám đốc Vietjet chia sẻ, các số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 vẫn cho thấy một bức tranh tươi sáng, khi GDP tăng trưởng 7,08% cao nhất trong 8 năm và các tổ chức quốc tế nhận định năm nay GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6,8% như mục tiêu đã đề ra.
“Nếu muốn cảm nhận phần nào sức sống của nền kinh tế Việt Nam thì các bạn hãy tới sân bay. Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm chuyến bay đến và đi khắp thế giới từ Nội Bài, Tân Sơn Nhất và cả những sân bay khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng…
Sự tấp nập của 21 cảng hàng không phản ánh một phần sức sống của cả nền kinh tế. Theo thống kê quốc tế, cứ 1% tăng trưởng hàng không sẽ đồng hành tương ứng với 0,4-0,5% GDP và điều này đúng ở Việt Nam khi hàng không tăng trưởng bình quân 14-15% các năm qua mà GDP đạt 7%”.
Bà Thảo cho rằng, tình hình kinh tế có nhiều thách thức cũng mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. “Kinh tế Việt Nam có độ mở ngày càng rộng với tốc độ nhanh sẽ chịu ảnh hưởng của diễn biến kinh tế thế giới như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mất giá đồng tiền của một số quốc gia so với đồng Đô-la Mỹ, biến động giá xăng dầu, sự phụ thuộc vào FDI, nguy cơ tụt hậu về công nghệ…
Tuy vậy, theo một lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB) thì Việt Nam đang nắm giữ một tương lai tươi sáng nhờ vào khu vực kinh tế tư nhân và người dân. Nếu được phát huy đúng và hiệu quả thì sẽ thành công và kéo theo sự phát triển thịnh vượng của đất nước”.
Theo nữ CEO, tinh thần đổi mới, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân sẽ trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. “Vietjet bắt đầu hoạt động khi giá dầu lên tới 140 USD/ thùng, bắt đầu cất cánh là 100 USD/thùng, sau 2 năm hoạt động giá dầu đạt mức 90 USD/ thùng nên những biến động khi giá dầu 70 USD/ thùng như hiện nay thì chúng tôi đã có sẵn những kịch bản chủ động để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, Vietjet còn phải đối diện với hệ thống độc quyền tự nhiên, cố hữu trong ngành hàng không như nhà ga, sân bay, dịch vụ mặt đất, xăng dầu, kỹ thuật… Nhưng với tinh thần năng động và hội nhập của kinh tế tư nhân, Vietjet đã từng bước tháo gỡ những trở ngại và mang đến sự thay đổi mang tính cách mạng trong ngành hàng không, mang đến cơ hội bay cho hàng triệu người dân và du khách…”
Nữ doanh nhân liên tiếp nhấn mạnh, Chính phủ hiện nay đang đi đúng hướng và mở ra nhiều cơ hội cho kinh tế tư nhân phát triển. “Mỗi năm kinh tế tư nhân tạo ra 1,2 triệu việc làm.
Chúng ta có khoảng 700.000 doanh nghiệp đóng góp gần 50% GDP, trong lĩnh vực dịch vụ thì khu vực tư nhân chiếm tới 85% GDP. Chính phủ đã đưa thông điệp mạnh mẽ về một chính phủ kiến tạo, trong sạch, hành động với những cởi trói về cơ chế với hàng loạt các hoạt động”.
Đồng quan điểm với nữ tỷ phú, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng chìa khóa để tư nhân tăng trưởng và phát triển bền vững chính là cải cách thể chế và nâng cấp doanh nghiệp, đặc biệt là cải cách hành chính.
Các diễn giả tại diễn đàn.
Nữ doanh nhân cũng khẳng định để trở thành một quốc gia kiến tạo, để các doanh nghiệp tư nhân được ứng xử công bằng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp thì từ chính phủ đến các cấp đều phải cùng chung nhận thức và hành động. “Để tạo môi trường cho doanh nghiệp tư nhân, chính phủ cần có chính sách, biện pháp giảm các chi phí trong chuỗi cung ứng và phân phối, hình thành hệ thống logistic cạnh tranh, sự đồng bộ và phối hợp chính sách của các bộ ngành đều theo tinh thần của Thủ tướng: những gì tư nhân có thể làm thì để tư nhân làm”.
Chốt phiên thảo luận, các diễn giả cũng dành nhiều lời khuyên cho các doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân trong bối cảnh hiện tại.
CEO HSBC Phạm Hồng Hải cho rằng bối cảnh bất ổn sẽ mở ra nhiều cơ hội vì thế “đây là giai đoạn cần phải cải cách và tạo ra nhiều thay đổi trong chính doanh nghiệp. Bối cảnh này sẽ tạo động lực cho việc cải cách được diễn ra nhanh hơn”.
Ông Vũ Tiến Lộc lại đặc biệt nhấn mạnh và cảnh báo về áp lực và gian lận thương mại sẽ diễn ra mạnh hơn giữa lúc “chiến tranh thương mại” Mỹ - Trung có nhiều diễn biến phức tạp. “Doanh nghiệp việt Nam phải lưu ý đây là giai đoạn cần sự quản lý chặt chẽ để ngăn chặn gian lận thương mại. Bài học lớn nhất và cần thiết nhất là chuẩn bị khả năng ứng phó, dự phòng rủi ro với điều kiện luôn thay đổi một cách khó lường”.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng cho rằng “chúng ta cần lưu ý sẵn sàng với các kịch bản, quản lý những rủi ro, biến động ảnh hưởng tới hoạt động doanh nghiệp, đồng thời khẩn trương tìm kiếm cơ hội, nắm bắt giai đoạn này để phát triển một cách có chất lượng”.
Với nhiều chia sẻ thẳng thắn, khách quan, diễn đàn Tạo dựng tăng trưởng bền vững thu hút bởi các câu chuyện và kinh nghiệm của lãnh đạo các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư… đồng thời tìm kiếm tầm nhìn về cách xây dựng môi trường tốt nhất cho kinh tế tư nhân phát triển và đóng góp vào xã hội ổn định và tốt đẹp hơn.