Kiểm soát rủi ro nợ xấu và đạo đức của cán bộ tín dụng vẫn là thách thức đối với người điều hành. Vì vậy, làm ngân hàng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi có sự thay đổi để phù hợp với yêu cầu hội nhập.
Cạnh tranh giữa các ngân hàng, nhất là với hoạt động cho vay được đánh giá là khá gay gắt. Điều này có khiến hoạt động của các ngân hàng gặp khó khăn hơn trong năm 2016?
Cạnh tranh là động lực và là yếu tố cần thiết cho sự phát triển của mọi lĩnh vực. Cạnh tranh trong môi trường kinh doanh buộc doanh nghiệp nói chung, ngân hàng nói riêng buộc phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, đổi mới phong cách, phương thức phục vụ khách hàng… để cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến cho khách hàng một cách tốt nhất.
Vấn đề là quan điểm của chúng ta về cạnh tranh. Có thể có 2 quan điểm: một là, cạnh tranh lành mạnh, nghĩa là cạnh tranh và hợp tác để cùng tồn tại, phát triển; hai là, cạnh tranh không lành mạnh, tức là cạnh tranh và chiến tranh, dẫn đến có thể đối thủ cạnh tranh sẽ không còn tồn tại, không thể tiếp tục hoạt động trên thị trường.
Cạnh tranh trong hoạt động tín dụng nói riêng và hoạt động ngân hàng nói chung lúc nào cũng gay gắt. Chúng ta mong muốn sự cạnh tranh này ngày càng gay gắt hơn, nhưng đó phải là cạnh tranh lành mạnh. Có như vậy thì hệ thống ngân hàng nói chung hay mỗi ngân hàng nói riêng mới luôn cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Rủi ro nợ xấu một phần được cho là xuất phát từ ý thức và đạo đức của cán bộ tín dụng. Theo ông, yếu tố con người có phải là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến vấn đề này?
Kinh doanh ngân hàng dựa trên rủi ro, trong đó rủi ro tín dụng là trọng tâm. Vì vậy, rủi ro nợ xấu là một phần tất yếu trong hoạt động ngân hàng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ xấu.
Nguyên nhân khách quan: từ kinh tế vĩ mô (khủng hoảng chính sách, suy thoái kinh tế, tốc độ tăng GDP suy giảm, lạm phát tăng….) hoặc từ các yếu tố vi mô (phương án, dự án kinh doanh của khách hàng). Nguyên nhân chủ quan: có thể xuất phát từ sự vô ý (chính sách tín dụng và khẩu vị rủi ro của mỗi ngân hàng; năng lực quản trị, điều hành từ cấp quản lý hay năng lực thẩm định của cán bộ thẩm định….); cũng có thể là cố ý (từ ý thức và trách nhiệm của cán bộ ngân hàng, đặc biệt là cán bộ thẩm định và phê duyệt cho vay; từ đạo đức kinh doanh và trách nhiệm của khách hàng đối với nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng…hoặc từ đạo đức của cán bộ ngân hàng).
Như vậy, theo như phân tích ở trên thì đạo đức cán bộ là một trong những nguyên nhân chủ quan tạo nên nợ xấu. Tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển, từng cách thức quản trị điều hành và văn hóa kinh doanh của từng ngân hàng mà yếu tố đạo đức cán bộ có thể tác động đến nợ xấu.
Nhưng tác động dù nhiều hay ít thì đạo đức cán bộ là yếu tố mà việc ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý rủi ro là khó khăn nhất đối với hoạt động ngân hàng. Bởi lẽ, ngân hàng không thể đào tạo, thay đổi đạo đức của một con người từ xấu thành tốt được, mà đạo đức đã được hình thành trong cả một quá trình giáo dục từ gia đình đến nhà trường, từ truyền thống gia đình, môi trường xã hội…
Vậy vai trò của con người đối với nợ xấu như thế nào trong hoạt động ngành ngân hàng? Con người luôn là nhân tố trọng tâm và quan trọng của một vấn đề. Nợ xấu cũng vậy, nhưng nguyên nhân thì có thể khác nhau: có thể do khách quan, do khả năng, năng lực, do ý thức chủ quan, do nhận định, đánh giá sai lầm… và cuối cùng là do đạo đức.
Với vai trò, vị trí lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng, quan điểm của ông trong cách sử dụng và điều hành nguồn nhân lực, nhất là với bộ phận tín dụng, quản lý rủi ro?
Nguồn nhân lực là tài sản lớn của mỗi tổ chức, trong đó có ngân hàng, vì vậy, mỗi người điều hành, quản lý đều có những quan điểm, chính sách riêng để thu hút và sử dụng tài sản này. Nhận định của cá nhân tôi cũng không nằm ngoài quan điểm chung đó.
Thứ nhất, phải bắt đầu từ quan điểm về việc tuyển dụng và lựa chọn đầu vào: nguyên tắc tuyển dụng là phải đặt yếu tố đạo đức lên hàng đầu, kết hợp xem xét đến lý lịch và truyền thống gia đình, quá trình công tác cũng như kinh nghiệm chuyên môn của ứng viên.
Thứ hai, công tác đào tạo: nhân sự phải được đào tạo về văn hóa doanh nghiệp, về môi trường kinh doanh và đào tạo thường xuyên về chuyên môn.
Thứ ba, nguyên tắc bố trí công việc: việc bố trí nhân sự phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu của tổ chức, của ngân hàng và phù hợp với nguyện vọng của cán bộ. Điều này sẽ giúp phát huy sự sáng tạo trong công việc của mỗi cán bộ, nhân viên cũng như đạt được hiệu quả mà doanh nghiệp mong muốn.
Thứ tư, sử dụng và điều hành nguồn nhân sự, theo tôi, phải có chính sách cán bộ minh bạch và công bằng để tạo niềm tin và khuyến khích người lao động gắn bó và cống hiến hết mình.
Làm ngân hàng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi thay đổi ra sao so với một vài năm trước, thưa ông?
Làm ngân hàng trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi phải có sự thay đổi. Bởi lẽ, nền kinh tế hiện nay có sự hội nhập ngày càng mạnh mẽ, với nhiều cơ hội và thách thức từ các Hiệp định song phương, đa phương như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (Vietnam - EU FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các cơ hội, thách thức từ việc tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)… đòi hỏi các ngân hàng phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu hội nhập.
Ông Nguyễn Thanh Nhung
Bên cạnh đó, sau giai đoạn đầu tiên của quá trình tái cơ cấu, hệ thống các TCTD đã được sắp xếp lại gọn hơn, hoạt động của các ngân hàng cũng dần minh bạch hơn. Với định hướng của Đề án tái cơ cấu các TCTD là đến năm 2020, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ còn khoảng từ 15 đến 18 ngân hàng thì hoạt động của các ngân hàng hiện nay cần phải thay đổi để tồn tại.
Ngoài ra, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, hoạt động của các ngân hàng cần có sự thay đổi về cách thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng. Sự thay đổi đó đòi hỏi các ngân hàng cần gia tăng các tiện ích cung cấp cho khách hàng nhiều hơn thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử, internet banking, mobile banking…, dịch vụ không sử dụng tiền mặt… và để bảo đảm an toàn thì các ngân hàng cũng phải thay đổi về quản lý rủi ro mạnh mẽ hơn, có hệ thống quản lý rủi ro đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh và phát triển.
Tín dụng 2015 tăng trưởng tốt và dự báo tiếp tục cải thiện trong năm sau. Nhận định của ông về điều này và liệu tín dụng có tăng nóng trong 2016?
Năm 2015, với môi trường kinh doanh cải thiện, tăng trưởng tín dụng được đánh giá tốt ngay từ đầu năm, theo NHNN, ước tính cả năm 2015, tín dụng toàn ngành tăng khoảng 18%. Trong năm 2015, căn cứ tình hình thực tế cũng như đề nghị của các ngân hàng, NHNN đã có điều chỉnh về chỉ tiêu tín dụng cho một số ngân hàng. Tuy nhiên, năm 2016, NHNN xác định mục tiêu: tăng trưởng tín dụng 2016 ở quanh mức 18% và không quá 20%, đồng thời NHNN sẽ ấn định chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng trên cơ sở quy mô và năng lực quản trị.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng thông qua việc báo cáo định kỳ của các ngân hàng cho NHNN. Vì vậy, với định hướng trên, dư nợ tín dụng khó tăng trưởng nóng trong năm 2016.
Thị trường BĐS dự báo sẽ ấm dần lên trong năm 2016 là cơ hội cho ngân hàng rót vốn cho vay mua nhà, đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng. Theo ông, bên cạnh cơ hội, đâu là thách thức trong việc mở rộng cho vay lĩnh vực này?
Hoạt động ngân hàng Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, mà hoạt động tín dụng phần lớn liên quan đến BĐS ở nhiều góc độ khác nhau: cho vay với mục đích sử dụng vốn vào BĐS (đầu tư kinh doanh dự án, mua nhà để ở, cho thuê…), bảo lãnh dự án BĐS, tài sản bảo đảm là BĐS…
Như vậy, khi thị trường BĐS ấm lên, giá BĐS tăng thì ngân hàng có cơ hội tăng tín dụng tốt hơn (vì dư nợ tín dụng thường tỷ lệ thuận với giá BĐS: cho vay từ 60-70% giá trị BĐS, tỷ lệ bảo đảm 70% giá trị tài sản đảm bảo là BĐS đó…).
Tuy nhiên, BĐS không tự nó sinh sôi, nảy nở vô giới hạn, không trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, nên đó là một thách thức đối với hoạt động ngân hàng.
Nhiều người cho rằng, làm CEO của một ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu tăng là rất nguy hiểm. Điều đó có đúng với thực tế, thưa ông?
Phải nói rằng, CEO ngân hàng là nghề rất hấp dẫn mà ai vào nghề ngân hàng cũng phấn đấu để đạt được. Đó là vì: được quản lý một khối lượng tài sản rất lớn trong đó chủ yếu là tiền; quản lý đội ngũ cán bộ, nhân viên đông đảo mà phần lớn đều có trình độ cao; góp phần quyết định nhiều vấn đề lớn đối với ngân hàng; có thu nhập cao cùng với các chế độ phúc lợi khác…
Tuy nhiên, CEO ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít các rủi ro như: áp lực từ phía cổ đông, HĐQT về hiệu quả hoạt động; áp lực từ phía CBCNV về môi trường hoạt động và thu nhập của họ; áp lực từ cơ quan quản lý và hệ thống chính sách; áp lực từ khách hàng như CEO phải có trách nhiệm đối với tiền gửi, tài sản gửi của hàng vạn người dân và doanh nghiệp, CEO phải có trách nhiệm đối với việc kiểm soát và giám sát các khoản nợ đã cho vay…
Như vậy, có thể nói, CEO ngân hàng là nghề rất hấp dẫn và cũng rất rủi ro. Do đó, đã là CEO ngân hàng thì không thể nhàn nhã, thong dong, lơ là được, không có thời gian để hưởng thụ, mà luôn phải tập trung trên 100% năng lực để làm việc thì may ra mới không phải đối mặt với rủi ro.
Nói như vậy, cũng không loại trừ khả năng kể cả khi CEO đã làm việc với hơn 100% năng lực thì vẫn có thể gặp rủi ro vì nhiều nguyên nhân khác như sức khỏe, năng lực cá nhân, yêu cầu của cổ đông, HĐQT, CBCNV, khách hàng quá cao hay nguyên nhân từ nhận thức pháp luật… Và nếu xảy ra rủi ro đối với CEO trong trường hợp này thì phải xem đó là một tai nạn nghề nghiệp, ngoài ý muốn chủ quan.