Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB)

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB)

CEO VIB: Ngành ngân hàng vừa có lợi thế, vừa có trách nhiệm phải đi tiên phong trong tiến trình chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đưa ra tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 tổ chức ngày 15/7.

Lý giải cho nhận định trên, ông Vũ nói: “Với tư cách là ngành cung ứng dịch vụ tài chính cho mọi tầng lớp dân cư, cho doanh nghiệp và cho các cơ quan chính quyền, ngành ngân hàng lại quản lý nguồn lực dồi dào cả về tiền bạc lẫn đội ngũ nhân sự trí thức cao”.

Dẫn chứng tại VIB, ông Vũ cho biết, chuyển đổi số tại Ngân hàng là một trọng tâm trong chiến lược hướng tới việc trở thành một ngân hàng bán lẻ hàng đầu cả về quy mô và chất lượng. VIB xác định 3 trụ cột chính cho chuyển đổi số là phát triển Ngân hàng số, thực hiện Số hóa mọi hoạt động trong ngân hàng và tổ chức khai thác cơ sở Dữ liệu.

Theo đó, VIB đã đầu tư triển khai thành công, chủ yếu từ nguồn lực nội bộ, sản phẩm chiến lược là ứng dụng ngân hàng số MyVIB 2.0 với 3 trọng tâm là ưu tiên sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh, chú trọng sử dụng trên nền tảng điện toán đám mây và tối đa hoá ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tính đến hết tháng 6/2023, đã có hơn 60% trong tổng số 4,5 triệu khách hàng cá nhân của VIB sử dụng dịch vụ trên ứng dụng di động MyVIB.

Cũng theo ông Vũ, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số tại VIB đạt gần 160 triệu, chiếm hơn 90% tổng giao dịch toàn hàng. Số dư cuối kỳ của tài khoản thanh toán trực tuyến sau 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 149%, trong khi số dư tiền gửi trực tuyến bằng 329% so với cuối năm 2022. Số lượng thẻ tín dụng mở mới hoàn toàn qua kênh trực tuyến website và ứng dụng MyVIB trong 6 tháng đầu năm 2023 tương đương với hơn 200% cả năm 2022.

Trong năm 2023, ông Vũ cho biết, VIB sẽ tiếp tục hoàn thiện ứng dụng thông minh để tích hợp giải pháp xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân có gắn chip và xác thực khách hàng thông qua kết nối với dữ liệu dân cư quốc gia.

Liên quan đến việc triển khai Đề án 06 trong lĩnh vực ngân hàng, ông Vũ thông tin, sau khi Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử được ban hành, NHNN đã có những chỉ đạo, điều phối và hỗ trợ tích cực đối với các TCTD thông qua việc thành lập Tổ công tác, ban hành Kế hoạch triển khai, hướng dẫn kết nối với Bộ Công an.

“Kết quả khả quan của việc triển khai Đề án 06 tại ngành ngân hàng có thể dễ dàng được nhận thấy ở việc hoàn thành hệ thống dịch vụ công, đảm bảo an toàn kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; từng bước triển khai làm sạch cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khách hàng; hoàn thành thử nghiệm cung cấp một số giải pháp xác thực điện tử khách hàng qua căn cước công dân gắn chip”, ông Vũ nói.

Xác định việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của TCTD nếu muốn đi nhanh và đi xa trong công cuộc chuyển đổi số, từ cuối quý II/2022, VIB đã bắt đầu thực hiện làm sạch dữ liệu khách hàng bằng cách đối chiếu với Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, và đang tiếp tục làm sạch dữ liệu khách hàng với dữ liệu căn cước công dân.

Về triển khai Ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, VIB đã thực hiện rà soát, nâng cấp hạ tầng CNTT đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ công an, hoàn tất lựa chọn nhà cung cấp ứng dụng đọc thẻ căn cước công dân gắn chip, đáp ứng điều kiện an toàn bảo mật và đang tiến hành triển khai kỹ thuật trong tháng 7 này.

“Về triển khai ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VneID), chúng tôi đã được lựa chọn là 1 trong 5 TCTD tham gia thử nghiệm kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư, đã và đang triển khai đánh giá phương án kỹ thuật để tham gia thí điểm. Đáng chú ý, VIB cũng đang tích cực phối hợp với Bộ công an để xây dựng, hoàn thiện giải pháp chấm điểm tín dụng, sử dụng dữ liệu của tập khách hàng thí điểm làm căn cứ cho Bộ Công an thực hiện các bước tiếp theo”, ông Vũ nói.

Về việc đảm bảo an ninh mạng, Tổng giám đốc VIB cho biết, luôn được Ngân hàng đặt lên hàng đầu. Các giải pháp được triển khai đồng bộ, từ ban hành chính sách, xây dựng nguồn lực cho đến việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm phục vụ khách hàng một cách an toàn nhất. VIB đã hoàn tất việc xây dựng Chiến lược An toàn Thông tin tổng thể, cũng như bản Kế hoạch đảm bảo an ninh công nghệ cho 03 năm trước mắt. Đầu tư các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin hàng đầu với việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, máy học.

“Tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát cảnh báo liên tục nhằm đảm bảo sự an toàn và tính liên tục cho các ứng dụng, sản phẩm, dịch vụ, cơ sở dữ liệu của VIB và của khách hàng VIB; triển khai áp dụng các giải pháp liên quan đến sinh trắc học nhằm kiểm tra, đối chiếu xác thực khách hàng trong quá trình sử dụng tài khoản thanh toán, ngăn ngừa các hành vi gian lận lừa đảo, lợi dụng tài khoản thanh toán cho các mục đích bất hợp pháp” ông Vũ nhấn mạnh.

Tin bài liên quan